Giá nhà Hà Nội bỗng tăng chóng mặt: Lợi của người bán hay chiêu trò bên trung gian?
Giá đất nhiễu loạn, mỗi nơi một mức tăng
Theo Lao động Công đoàn, phản ánh của người dân gần đây cho thấy, giá nhà tại khu vực quận Hà Đông, quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai,... đang chạy theo xu hướng tăng giá. Thậm chí, chỉ qua vài tuần, giá nhà tại các khu vực này đã tăng thêm một mức mới, con số chênh lệch lên đến vài trăm triệu đồng khiến không ít cư dân hoang mang, nhiều người lo lắng vì sẽ không thể mua được nhà.
Anh Trần Văn Minh (sn 1990, quê Nghệ An) - Một môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy có nhà đã treo biển bán mấy tháng nay, nhưng chỉ sau một tuần gọi điện lại thì khu vực quận Thanh Xuân đã hết sạch hàng”. Anh Minh cho biết thêm, giá nhà ở đây lúc đầu chỉ ở mức gần 160 triệu đồng/m2, tuy nhiên đến nay đã tăng mạnh lên 250 - 270 triệu đồng/m2 tùy vị trí đẹp hay xấu.
“Nhà bán quanh khu vực này vừa treo biển lên đã có người mua rồi. Nếu khách hàng giờ có nhu cầu mua lại nhà ở đây thì phải làm thủ tục sang nhượng qua một bên trung gian với mức giá cao ngất ngưởng. Giá nhà phố hiện tại có thể đã tăng đến 100 triệu đồng/m2, không biết đâu mà lần” - anh Minh nói.
Cũng theo thông tin từ người môi giới này, vì các phân khúc nhà ở, căn hộ tại Hà Nội đang dần khan hiếm nên trên thị trường thứ cấp giá bán rất cao, đây chính là quy luật tự nhiên của thị trường bất động sản. Ngay đến những dự án đã hoàn thiện và được sử dụng vài năm nay cũng đang rục rịch tăng giá bán.
Siết chặt chỉ số giá
Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: “Hiện tượng tăng giá bất động sản lên cao là chiêu trò của ngành sale bất động sản. Xét về bản chất, giai đoạn vừa qua, nguồn cung mới của Hà Nội rất hạn chế, nhiều người lợi dụng tình trạng cung không đủ cầu để thổi giá trục lợi và thông qua các đơn vị phân phối để bán sản phẩm”.
Ông Đính cho biết, nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến thì người mua sẽ chịu thiệt hại lớn, họ không nhận được lợi ích nào, hơn nữa còn gây ra sự hỗn loạn cho thị trường trước những thông tin “bát nháo”, sai sự thật. Trên thị trường bất động sản xuất hiện nhiều giá bán như giá trần, giá làm hàng, giá chênh,... Như vậy sẽ tạo thành một thị trường bất động sản thiếu minh bạch, phát triển không chuyên nghiệp.
Cùng quan điểm với Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đã khẳng định đây chính là chiêu trò “thổi giá” để tối đa hóa lợi nhuận cho “cò” đất. Trong trường hợp này, của nhà đầu tư hay những người có nhu cầu mua nhà ở thật đều chịu thiệt. Như vậy, chỉ có đơn vị trung gian là đối tượng duy nhất hưởng lợi từ việc giá đất bị đẩy lên cao.
Các chuyên gia bất động sản nhận xét, cần làm rõ ràng tính minh bạch trong giá bán nhà ở, căn hộ trên thị trường bất động sản toàn quốc. Đặc biệt là, Nhà nước và các cơ quan quản lý nên xây dựng và sớm ban hành chỉ số giá để giới đầu tư, khách hàng, người dân có cơ sở để so sánh, đối chiếu trong trường hợp mua bán các sản phẩm trên thị trường bất động sản nhằm tránh tối đa rủi ro cho người mua và cả người bán.
Bên cạnh đó, phía Bộ Xây dựng cũng cần đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, đề nghị các địa phương thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn sau để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, kiểm soát, phê duyệt triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân.
Giá nhà có khả năng hạ nhiệt vào cuối năm 2022
Theo Báo cáo của VNDirect dẫn số liệu của CBRE, Hà Nội ghi nhận số liệu tiêu thụ căn hộ sơ cấp trong quý đầu năm 2022 tăng 16% (svck), đạt mức 4.800 căn. Trong khi đó, nguồn cung mới giảm 20,3% svck xuống còn 3.525 căn. Mức giá trung bình căn hộ trên thị trường sơ cấp trong quý I tăng 13,3% svck, đạt 1.655 USD/m2.
Với phân khúc nhà đất, mức giá thứ cấp hiện tại của 12/25 quận, huyện thuộc Hà Nội đang giảm mạnh so với quý trước, trung bình giảm 7,7%, tuy nhiên vẫn tăng 5,7% svck. Báo cáo cho thấy, dù giá đất thứ cấp khu vực Hà Nội tăng khá chậm trong quý đầu năm 2022 nhưng vẫn tăng 5,7% svck. Nhất là các khu vực như Long Biên, Bắc Từ Liên ghi nhận giá đất giảm từ 10 - 15% so với quý cuối năm ngoái, sau khi đã tăng 20 - 25% scvk trong năm 2021.
Các chuyên gia của VNDirect Research dự báo: “Ngành bất động sản hiện phải đối mặt với những thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của ngành như: Lãi suất tăng ảnh hưởng tới quyết định mua nhà; Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng sẽ kéo theo giá nhà tăng; Ngân hàng đang thắt chặt các khoản vay đối với lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trước bối cảnh siết tín dụng bất động sản và việc giám sát chặt chẽ hơn với các hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng các chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi huy động vốn trong những quý tới. Hoạt động bán hàng cũng có thể được đẩy mạnh trong khi việc mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại. Như vậy, điều này cũng giúp thị trường nhà ở hạ nhiệt trong các quý còn lại của năm 2022”.