Giá lập đỉnh lịch sử, tại sao vàng nhẫn vẫn khan hiếm?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia nhận định: Giá vàng nhẫn sẽ chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, vàng SJC 85 triệu đồng/lượngNguồn cung khan hiếm kéo dài, liệu giá vàng nhẫn sẽ dần ‘sánh ngang’ vàng miếng SJC?Giá vàng miếng, vàng nhẫn tăng bất chấp, có nên đầu tư?Những ngày qua, giá vàng nhẫn liên tiếp tăng mạnh và thiết lập kỷ lục mới. Cuối ngày 6/3 vừa qua, giá của mặt hàng này đã lập đỉnh lịch sử khi ghi nhận giá bán là 68,5 triệu đồng/lượng, vượt qua mức kỷ lục cũ 68,34 triệu đồng/lượng ngày 5/3. Chỉ tính sơ sơ từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng đến 5,5 triệu đồng/lượng.
Mở cửa sáng ngày 7/3, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh và lập đỉnh mới. Chưa bao giờ giá vàng SJC cao như hiện tại, chạm mốc 81,3 triệu đồng lượng.
Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thời điểm trên đang niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,3-81,3 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào - bán ra, so với phiên hôm trước đã tăng 300.000 đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng 300.000 đồng/lượng so với phiên trước, lên 66,8-68,0 triệu đồng lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI cũng tăng giá vàng miếng ngay đầu giờ sáng 7/9, lần lượt ở mức 79,25-81,25 triệu đồng/lượng đối với chiều mua vào - bán ra. Giá vàng nhẫn tròn trơn cũng được niêm yết ở mức cao kỷ lục là 67,5-68,8 triệu đồng/lượng.
Lý giải về việc giá vàng tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính và ngân hàng cho biết, việc giá vàng thế giới tăng cao liên tục đã trực tiếp tác động đến giá vàng trong nước, từ đó đẩy giá vàng lên cao. Bên cạnh đó, cung cầu vàng tại thị trường Việt Nam vẫn chưa ổn định. Thời điểm hiện tại, nguồn cung vàng vẫn còn hạn chế bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang là đơn vị duy nhất có thể tiến hành nhập khẩu vàng.
Vị này cũng phân tích thêm, lãi suất ngân hàng hiện nay đang ngày càng thếp, kênh đầu tư bất động sản vẫn còn ảm đạm, chứng khoán biến động không ngừng, lúc thì lên lúc lại xuống. Vì thế, vàng vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn, có nhiều sức hút. Bởi vậy, vàng tăng giá là điều đương nhiên.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng vẫn đang được duy trì ở mức cao nhất mọi thời đại. Cụ thể, giá vàng lúc 9h sáng 7/3 đang được giao dịch ở mức 2.145 USD/ounce. Nếu như quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại nhiều ngân hàng thương mại, giá vàng quốc tế sẽ tương đương mức 64 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Còn theo ước tính theo tỷ giá USD trên thị trường tự do, giá vàng quốc tế hiện nay đang tương đương khoảng 66,4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Giới chuyên gia nhận định, lực mua từ loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cùng kỳ vọng Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất và bất ổn địa chính trị là những lý do chính đẩy giá vàng thế giới đi lên.
Vì sao vàng nhẫn khan hiếm?
Dù đã và đang lập kỷ lục về giá, lượng tiêu thụ vàng nhẫn lại các cửa hàng vẫn vô cùng mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ, nhiều khách hàng muốn cũng không mua được.
Theo khảo sát của VTC News, không ít lần những cửa hàng lớn trên phố Trần Nhân Tông hay Cầu Giấy (Hà Nội)... buộc phải thông báo hết vàng nhẫn tròn trơn khi có khách hỏi mua. Một số cửa hàng nhỏ lẻ, dù vàng nhẫn vẫn còn nhưng số lượng cũng không nhiều.
Cuối ngày 1/3, ở một cửa hàng vàng Hà Dung trên phố Trần Nhân Tông, chủ cửa hàng cho biết hiện chỉ còn một số ít vàng nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ, 1 chiếc loại 0,5 chỉ và 1 chiếc 2 chỉ. Cùng thời điểm, nhân viên ở chi nhánh SJC miền Bắc ở phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết đã hết sạch nhẫn tròn trơn. Tại một chi nhánh SJC trên phố Trần Nhân Tông, nhân viên cho biết loại nhẫn 1 chỉ đã không còn.
Sau đó, những chi nhánh này đã có hàng trở lại, nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng hết hàng gián đoạn hoặc cục bộ. Nhiều khách hàng phản ánh họ không mua được sản phẩm vàng nhẫn ở nhiều thời điểm.
Thực tế cho thấy, sản phẩm vàng nhẫn đã khá khan hàng kể từ ngày vía Thần Tài (19/2) vừa qua. Nhiều cửa hàng đã phải thông báo, khách muốn mua vàng nhẫn trơn tròn thì có thể quay lại vào lúc khác. Lý giải về hiện tượng khan hiếm vàng nhẫn, chủ một tiệm vàng ở Hà Nội cho biết, tâm lý của nhiều người mua vàng thời điểm hiện tại là muốn tích trữ tài sản lâu dài trong bối cảnh lãi suất ngân hàng hiện nay gần như chạm đáy. Họ lo lắng việc sửa Nghị định 24 trong thời gian sắp tới sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường vàng miếng nên đã lựa chọn mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng.
Dưới một góc độ khác, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhận định rằng, kể từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng được thực hiện, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu. Vì thế, các doanh nghiệp chỉ có thể mua vàng trên thị trường phục vụ cho việc sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Chưa kể, việc kinh doanh vàng nhẫn trơn có biên lợi nhuận thấp hơn khi so sánh với những mặt hàng nữ trang khác có tiền gia công. Chính vì vậy, nhẫn tròn trơn không phải là mặt hàng được các doanh nghiệp ưu tiên đẩy mạnh khi nguồn nguyên liệu hạn chế.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, tình trạng khan hiếm vàng nhẫn là do nhu cầu người mua tăng lên quá mạnh mẽ. Giá vàng nhẫn rẻ hơn nhiều so với giá vàng miếng, tương ứng rủi ro đảo chiều thị trường cũng sẽ thấp hơn, sức hấp dẫn đối với người mua cũng cao hơn. Hiện nay, giá vàng miếng đã chạm mốc 81 triệu đồng/lượng, cao hơn 12,5 triệu đồng/lượng so với vàng nhẫn.
Tỷ lệ thuận với lượng người mua lớn, giá cả sẽ ngày càng bị đẩy lên cao. Theo thời gian, vàng nhẫn sẽ ngày càng hút khách, dẫn đến tình trạng khan hàng. Cùng với việc tích trữ vàng miếng SJC, thói quen của nhiều người Việt còn là nắm giữ thêm vàng nhẫn trơn 24K. Đặc biệt, giá vàng SJC và giá vàng quốc tế trong vài năm gần đây ngày càng lớn, nhiều người quyết định chuyển sang tích lũy tài sản bằng nhẫn tròn trơn.
Ngoài ra, vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều người đã tổ chức đám cưới nên nhu cầu loại vàng này tăng cao. Chính vì thế, trong gần 2 tháng đầu năm 2024, giá vàng nhẫn cùng với vàng trang sức đang có xu hướng leo cao khi so sánh với vàng miếng SJC.
Nghị định 24 nên được sửa thế nào cho phù hợp?
Giới chuyên gia cho rằng, việc thay đổi Nghị định 24 là một điều vô cùng cần thiết để cân bằng giá vàng, giúp mặt hàng này giảm xuống tiệm cận với thị trường thế giới. Ngược lại, cũng có nhiều lo ngại về việc giá vàng SJC giảm sâu sẽ khiến những nhà đầu tư lỡ mua vào ở đỉnh giá 80-81 triệu đồng/lượng sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định:“Chúng ta cần chờ đợi quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước đối với chính sách vàng. Chỉ đạo của Thủ tướng là giúp thị trường vàng trong nước có thể tiệm cận với vàng thế giới, không phải là “đạp” thật sâu giống như nhiều người lầm tưởng. Thế nhưng, giá vàng SJC sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi từ trước đến nay giá vàng 9999 vẫn đi sát giá vàng thế giới”.
Theo Phó Chủ tịch Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Huỳnh Trung Khánh, để giảm thiểu rủi ro, nếu các nhà quản lý cho phép các doanh nghiệp khác sản xuất vàng miếng, họ cũng nên đưa hàng ra thị trường một cách chậm rãi. Vị này lấy ví dụ, nếu như thị trường cần 1.000 lượng vàng miếng, chỉ nên tung ra 100-200 lượng thì giá sẽ sẽ giảm dần dần. Nếu tung ra một cách ồ ạt, giá vàng sẽ giảm mạnh.
Cũng theo ông Khánh, bất kỳ loại hình đầu tư nào đều có mức độ rủi ro nhất định, bao gồm cả vàng. Nếu đã lỡ mua vàng ở giá cao, nhà đầu tư phải chấp nhận khi vàng giảm giá. Tuy nhiên, việc đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới là điều cần thiết nhất hiện nay và trong thời gian tới./.