Giá dầu thô thế giới bất ngờ tăng vọt sau khi Nga giảm lượng khí đốt sang châu Âu
BÀI LIÊN QUAN
Giá dầu tăng cao, 40 - 50% tài khai thác hải sản nằm bờ, VASEP đề xuất tạo chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sảnGiá dầu thế giới bất ngờ bật tăng trở lại sau những bình luận của FedMỹ muốn áp trần với giá dầu Nga để giải quyết lạm phátTheo Zing, ngày 26/7 (theo giờ Việt Nam), theo dữ liệu của Trading Economics, trong 24 giờ qua, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn trên toàn thế giới đã vọt tăng trở lại từ 103 USD/thùng lên 107 USD/thùng. Ngày 25/7, có lúc giá của loại dầu này rơi xuống mức dưới 102 USD/thùng.
Giá dầu WTI của Mỹ cũng ghi nhận tăng trở lại từ 95 USD/thùng lên gần 99 USD/thùng.
Chuyên gia kinh tế nhận định, những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu toàn cầu đã thúc đẩy việc dầu thô Brent tăng giá. Trong khi đó, giá dầu WTI vẫn đang chịu sức ép do nhu cầu về năng lượng ở thị trường Mỹ đang sụt giảm.
Nguồn cung dầu vẫn eo hẹp
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp tại hãng tư vấn Asia Pacific Oanda nhận định: "Động thái mới nhất của Nga, một lần nữa đã khiến cho nỗi lo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên toàn cầu, đẩy giá dầu thô tăng vọt".
"Các phân tích kỹ thuật chỉ ra rằng, đà tăng của giá dầu sẽ kéo dài. Nguồn cung thực tế vẫn đang khan hiếm dù lượng xăng tồn trữ của Mỹ đang tăng mạnh và tỷ suất lợi nhuận lọc dầu cao", ông Halley nói thêm.
Vị chuyên gia này cho rằng Nga vẫn đang nắm đằng chuôi trong thị trường năng lượng toàn cầu. Các động thái dù nhỏ của Moscow cũng sẽ tiếp tục khiến cho giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh, và tình thế này sẽ không sớm thay đổi được.
Giá dầu thô đã tăng ngày thứ 2 liên tiếp do những lo ngại về tình trạng eo hẹp sau khi phía Nga thông báo sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu.
Cụ thể, công ty dầu khí Gazprom PJSC của nga cho biết, họ sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt sang châu Âu qua Dòng chảy phương Bắc 1.
Công suất vận chuyển khí tối đa của Nord Stream 1 là hơn 160 triệu m2 mỗi ngày. Tuy nhiên, kể từ khi mở lại đường ống sau khi bảo trì 10 ngày vào hôm 21/7 thì Nga chỉ vận hành Nord Stream 1 ở mức 40% công suất.
Theo thông báo mới nhất này, kể từ sáng 27/7, lưu lượng khí đốt được vận chuyển sang châu Âu thông qua đường ống này sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương với 33 triệu m3 khí một ngày, lý do là công ty này sẽ phải đem một tuabin đi bảo trì.
Tuy nhiên, Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu, bà Kadri Simson đã không đồng tình với lý do này của Nga: “Chúng tôi biết rằng không có lỗi kỹ thuật nào ở đây cả. Đây là động thái có động cơ chính trị và lý do này, việc cắt giảm nhu cầu khí đốt của chúng tôi là một chiến lược khôn ngoan”.
Việc Nga cắt giảm nguồn cung có thể khiến cho các nước châu Âu không kịp dự trữ đủ năng lượng cho mùa đông sắp tới: "Thông báo này của Nga dấy lên lo ngại rằng nước này sẽ không ngần ngại vũ khí hóa năng lượng để được nhượng bộ trong cuộc chiến với Ukraine", theo ông Tamas Varga, chuyên gia môi giới dầu khí của hãng PVM.
Đã nhiều lần phương Tây cáo buộc Nga "tống tiền bằng năng lượng". Trong khi đó, phía Nga giải thích rằng, tình trạng gián đoạn nguồn cung là do việc bảo trì và ảnh hưởng của các đòn trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt lên nước này.
Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã vạch ra các kế hoạch khẩn cấp nhằm sẵn sàng cho tình huống xấu nhất trong mùa đông tới. Nếu Nga dừng hoạt động của Nord Stream 1 thì phương Tây có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện.
Một số lực cản ảnh hưởng đến giá dầu
Nguồn cung dầu thô cùng một số sản phẩm từ dầu và khí đốt của châu Âu đã bị gián đoạn nghiêm trọng sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Trong những tuần qua, giá dầu thô toàn cầu đang dần hạ nhiệt do lo ngại về suy thoái kinh tế, nhu cầu hạ nhiệt vì giá quá cao và nguy cơ đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay nâng lãi suất trong các cuộc họp hàng tháng.
Vào cuộc họp tháng 7, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Khi lãi suất tăng cao có thể gây sức ép lên các hoạt động kinh tế, làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế và đã tác động tới nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Theo thống kê của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, có khoảng 77% các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã công bố tăng lãi suất trong 6 tháng qua, mức cao nhất kể từ 40 năm trở lại đây. Đây cũng là đợt nâng lãi suất đồng bộ nhất kể từ đầu những năm 1980.
Morgan Stanley cũng hạ dự báo đối với tăng trưởng về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu trong năm nay và năm sau. Nhóm phân tích của Morgan Stanley dự báo, giá dầu thô Brent trong quý III sẽ ở mức 110 USD/thùng còn giá dầu WTI sẽ đạt 107,5 USD/thùng. Như vậy, ngân hàng này đã hạ dự báo 20 USD/thùng so với dự báo trước.
Sự chênh lệch về giá giữa dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu với giá dầu WTI của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2019. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu về xăng tại Mỹ đang trên đà lao dốc do giá tăng quá cao. Trong khi đó, nguồn cung bị thắt chặt vẫn hỗ trợ cho dầu Brent.
"Giá dầu thô Brent đang có xu hướng đạt tới ngưỡng kháng cự 108,8 USD/thùng", ông Halley nhận định.
Cũng theo ông, loại hàng hóa này sẽ khó mà rơi xuống mốc 100 USD/thùng. Trong khi đó, ngưỡng kháng cự của dầu WTI là 100 USD/thùng.
Theo nhận định của ông Halley thì WTI vẫn dễ tổn thương hơn dầu thô Brent.