GDP quý II/2022 tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trong một thập kỷ
BÀI LIÊN QUAN
Ngân hàng Standard Chartered dự báo năm 2022 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7%Top nền kinh tế lớn theo GDP ở Đông Nam Á năm 2021: Bất ngờ trước vị trí của Việt NamWorld Bank dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2022Theo VnEconomy, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số GDP đạt 6,42% cao hơn tốc độ tăng 2,94% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Tuy vậy, thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong xu hướng tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tăng 7,70%, đóng góp 48,33%. Đứng thứ hai là khu vực dịch vụ có mức tăng 6,60%, đóng góp 46,60% vào tăng trưởng GDP. Thứ ba là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 2,78%, đóng góp 5.07%.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp đã có mức tăng trưởng khá (tăng 8,48%) so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 2,94 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
“Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%, thấp hơn mức tăng 11,3% và tương đương mức tăng 9,63% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 2,58 điểm phần trăm”, Bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 2,28%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 3,65%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm tăng cao, như sản xuất trang phục tăng 23%, thiết bị điện tăng 22%, thuốc, hóa dược tăng 17,5% và sản xuất da tăng 13%. Có 61 địa phương có chỉ số IIP tăng, riêng Hà Tĩnh và Trà Vinh giảm do ngành sản xuất điện đi xuống.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực dịch vụ có sự trở lại ấn tượng với mức tăng 6,6%, so với mức tăng cùng kỳ các năm 2020 (0,49%) và 2021 (3,92%). Tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp hơn so với các năm 2014 - 2019, thời điểm trước đại dịch, nhưng theo Tổng cục Thống kê trong những tháng tới ngành dịch vụ vẫn có những triển vọng phục hồi khá tích cực.
Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế như bán buôn và bán lẻ tăng 5,82% so với cùng kỳ năm 2021 và là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,58 điểm phần trăm. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm. Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,94%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm. Ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy sự phát triển ổn định. Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 4,97% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành thủy sản tăng 3,95%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05% cơ cấu nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%. Khu vực dịch vụ chiếm 40,63%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021. Tích lũy tài sản tăng 3,92%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam có sự hồi phục đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đạt 602.000 lượt người, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, quy mô khách quốc tế vẫn còn thấp nếu so với giai đoạn trước dịch (thấp hơn gần 93% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.