Em trai mất mạng, anh vào tù vì tranh chấp mảnh đất thừa kế của cha mẹ
BÀI LIÊN QUAN
Trớ trêu cháu chết, cha con cậu vào tù vì tranh chấp mảnh đất trồng rauVừa nói "chào chú", nạn nhân bị hàng xóm đâm chém liên tiếp: Nguyên nhân chỉ vì tranh chấp ngõ đi chungBỗng nhớ lại tranh chấp cũ, cụ ông U80 sát hại hàng xóm rồi phi tang: Miếng đất còn nặng hơn tình ngườiNguyên nhân vì mảnh đất thừa kế
Vụ việc dù xảy ra đã lâu nhưng mỗi lần nhắc lại đều khiến nhiều người không khỏi đau lòng bởi giữa nạn nhân và hung thủ lại là anh em ruột trong nhà. Vụ việc xảy ra vào khoảng 20h10, ngày 13/7/2014 trên địa bàn xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1972, trú tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, HN) đã dùng dao mổ lợn sát hại em ruột của mình là ông Nguyễn Văn L. (SN 1975, trú cùng xã). Nguyên nhân vụ việc đến từ việc mâu thuẫn chia nhau quyền sổ chứng nhận quyền sử dụng đất mà cha mẹ để lại. Trước đó, giữa 2 anh em từng xảy ra xô xát nhưng vẫn chưa tìm được cách giải quyết phù hợp.
Theo người dân kể lại, sau khi ông Sáu và ông L. đi ăn cỗ ở nhà anh rể là Đỗ Bá Tụy trở về, sẵn có hơi men trong người nên hai anh em lại lôi chuyện đất cát của cha mẹ ra để nói. Sau đó, hai người xảy ra cãi vã nhưng được mọi người can ngăn nên ai về nhà nấy.
Khi về nhà, vì vẫn cảm thấy bực tức trong người nên ông Sáu đã gọi ông L. sang, nói là mượn quyển sổ đỏ mà cha mẹ để lại. Trong quá trình trao đổi, hai anh em lại tiếp tục mâu thuẫn. Bực bội, ông L. dùng thùng nước tôn đánh mạnh vào tay ông Sáu khiến ông bị rách một vệt dài ở tay phải. Thấy vậy, ông Sáu liền chạy đi cầm dao đâm một phát khiến em trai gục luôn tại chỗ.
Nghe tiếng la hét, người dân sống xung quanh vội vàng chạy sang. Hai cháu ông L. lái xe máy đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng do vết chém quá nặng, nạn nhân đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đến bảo vệ và khám nghiệm hiện trường. Sau khi gây án, ông Sáu ngồi khóc, trình bày hết vụ việc và tỏ ra vô cùng ân hận. Trước đây, cả hai từng có mâu thuẫn nhưng chưa bao giờ đến mức động tay động chân như thế này.
Theo ông Đỗ Hoàng Tùng - Cụm trưởng cụm dân cư số 4 cho biết, gia đình ông L. sinh được 2 người con. Vợ ông L. chuyên may quần áo cho các công ty xuất khẩu ở cụm công nghiệp Tam Hiệp. Không ngờ giữa hai anh em ruột với nhau lại xảy ra chuyện đau lòng. Được biết, hai anh em mâu thuẫn vì quyển sổ đỏ, nguyên nhân vì ông L. sợ Sáu bán mất.
Còn ông Sáu vẫn chưa đăng ký kết hôn, có người vợ hờ và hai đứa con. Những lúc nông nhàn, Sáu đi chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập.
Cha mẹ không có di chúc, tài sản phải chia đều cho các con?
Theo như Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”
Ngoài ra, Mục 1 Giải đáp 01/GĐ-TANDTC năm 2018 có quy định đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.
Trong trường hợp cha mẹ mất không để lại di chúc, phần di sản thừa kế sẽ được phân chia đều cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Điều 651 quy định như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như thế, phần di sản thừa kế của cha mẹ sẽ được chia đều cho những người thừa kế thứ nhất bao gồm bố mẹ của người mất (nếu có) và tất cả các người con. Với người con riêng nếu không có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc thì người này chỉ được hưởng thừa kế đối với phần di sản của người mẹ.
Trên đây là những điều cần biết về tranh chấp đất đai giữa anh em ruột trong gia đình. Hi vọng bài viết giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề, biết cách giải quyết khi gặp vấn đề tương tự, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.