Đường song hành Vành đai 4 hơn 5 nghìn tỷ đồng đi qua những quận, huyện nào tại Hà Nội?
BÀI LIÊN QUAN
Đất vành đai 4 vùng thủ đô “sốt nóng”: Có người sẽ được lợi, có người gặp rủi roĐiều gì khiến dự án xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô thu hút loạt “ông lớn” ngành bất động sản muốn tham gia? Những dự án BĐS tiềm năng hưởng lợi từ tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đôTheo Báo Đầu tư, nội dung tại Quyết định số 1072/QĐ - UBND, dự án thành phần 2.1 có chiều dài 58,2 km. Dự án này có mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận TP Hà Nội. Trong đó, điểm đầu tại Km0+000 (tương ứng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, điểm cuối tuyến đường tại Km58+200 ranh giới giữa TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, thuộc địa phận huyện Thường Tín.
Tuyến đường song hành Vành đai 4 đi qua địa bàn 7 quận, huyện tại TP Hà Nội gồm Hà Đông, Sóc Sơn, Đan Phượng, Mê Linh, Thanh Oai, Hoài Đức, Thường Tín. Đường song hành phải có chiều dài 51,61 km, đường song hành trái có chiều dài 51,55 km.
Đường song hành được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, với vận tốc thiết kế 80 km/h theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị. Đối với đoạn tuyến đi ngoài đê Song Phương (từ Km30+310 đến Km33+060) thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn đường phố chính thứ yếu, với vận tốc thiết kế 60 km/h theo tiêu chuẩn đường đô thị. Quy mô mặt cắt ngang (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) nền đường rộng 12m.
Dự kiến đầu tư xây dựng nút liên thông đầu tư đồng bộ trong Dự án thành phần 3 gồm nút cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Đại lộ Thăng Long, trục Mê Linh, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 6).
Các nút giao với các đường ngang là đường tỉnh, quốc lộ, trục chính đô thị hiện hữu khác có lưu lượng lớn tổ chức giao thông phức tạp trước mắt sẽ được thiết nút giao bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu, vạch sơn, biển báo dẫn hướng đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành và khai thác. Các tuyến đường khác sẽ được vuốt nối thuận lợi với đường song hành hai bên tuyến; tổ chức quay đầu trong khoảng 1 km một vị trí đối với các đoạn tuyến tổ chức giao thông một chiều.
Dự án có tổng mức đầu tư là 5.388 tỷ đồng, trong đó 4.525 tỷ đồng là chi phí xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách của TP Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của khối lượng, kinh phí; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng được giao lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án đầu tư, tuân thủ quy định, phù hợp với tiến độ triển khai hoàn thành dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 106/NQ- CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ. Đồng thời, Ban Quản lý có trách nhiệm xây dựng, đăng ký và đề xuất nhu cầu vốn hàng năm cho dự án đầu tư đảm bảo đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Chủ động nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành dự án đầu tư dự án đường song hành (trong đó có mô hình quản lý thông tin công trình (BIM)).
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Về việc phê duyệt các dự án thành phần, Phó Thủ tướng lưu ý không chia nhỏ các tiểu dự án; dự toán cho phù hợp, không đẩy tổng mức đầu tư lên cao làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn chung của toàn bộ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, yêu cầu giữ nguyên các nút giao như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận; điều chỉnh cao độ tĩnh không các cầu cạn cho phù hợp; lưu ý các nút giao cắt phải khác đồng mức; thiết kế mặt cắt ngang cầu qua sông phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch và xu thế phát triển trong tương lai tại những địa phương mà tuyến đường đi qua.