Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam còn 5,5 - 6%
BÀI LIÊN QUAN
GDP quý I tăng trưởng thấp thứ hai trong vòng 13 nămLo ngại suy thoái toàn cầu, WB vẫn dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,3% năm 2023Phấn đấu năm 2030 kinh tế khu vực đô thị đóng góp 85% vào GDP cả nướcTheo Tạp chí Tài chính, trong báo cáo thị trường tháng 4/2023 vừa mới cập nhật, Dragon Capital điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 về mức 5,5-6% so với mức dự phóng 6-6,5% trong nhận định hồi tháng 3. Việc điều chỉnh hạ dự báo của quỹ này dựa trên nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam dễ chịu tác động từ bối cảnh toàn cầu bất lợi do độ mở thương mại lớn; trong khi đó tình hình thế giới nhiều khả năng chưa có nhiều cải thiện đáng kể trong một vài tháng tới.
Trong tháng 4, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại đạt 1,5 tỷ USD, tuy nhiên tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 18,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, tương đương với mức giảm 17,1%; các ngành nghề như điện tử, may mặc và sản phẩm gỗ là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Dragon Capital nhận định, sự sụt giảm đơn hàng mới đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Điều này thể hiện ở mức tăng trưởng khiêm tốn của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Trong tháng 4, chỉ số PMI tiếp tục giảm còn 46,7 điểm so với mức 47,7 của tháng trước, đây là lần sụt giảm thứ 5 trong vòng 6 tháng vừa qua.
Lợi nhuận ròng của 80 doanh nghiệp hàng đầu đã giảm 28% do doanh thu giảm 6% trong quý I/2023. Trong đó, ngành ngân hàng đóng góp 64% tổng lợi nhuận có mức giảm vừa phải là 12% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh số lớn từ VHM và KBC giúp lợi nhuận ngành bất động sản tăng 2%. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã giảm tới 60% lợi nhuận, trong khi doanh thu giảm 15%, chủ yếu do những thách thức trong lĩnh vực hóa chất, kim loại, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống do giá cả hàng hóa lao dốc và nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm.
Theo Dragon Capital, điểm tích cực trong bức tranh vĩ mô của Việt Nam chính là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch nói riêng và tiêu dùng nội địa nói chung sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Cụ thể, tổng doanh số bán lẻ trong tháng tăng 11,5% so với cùng kỳ, trong đó ngành du lịch tăng 16,6% và dịch vụ lưu trú tăng 21,1%.
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch có được là do sự trở lại của nhóm du khách Trung Quốc, với sức tăng 70% so với tháng 3. Trong tháng 4 ghi nhận du khách quốc tế đạt 984.000 lượt và tính từ đầu năm tới nay Việt Nam đã đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với số lượt khách của cả năm 2022. Mặc dù vậy, con số khách du lịch Trung Quốc trên vẫn còn thấp hơn 20% so với giai đoạn trước dịch Covid-19, do đó nhóm phân tích từ Dragon Capital nhận định còn rất nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng của ngành du lịch trong nửa cuối năm nay.
Dragon Capital cũng đưa ra nhận định về dư địa chính sách tạo động lực cho tăng trưởng của Việt Nam từ nay tới cuối năm. Theo đó, các chính sách tiền tệ, các điều kiện trên thị trường thế giới hiện cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
“Trong khi chính sách tài khóa cần có nhiều thời gian để thực thi, chính sách tiền tệ hiện tại đang là công cụ quan trọng của chính phủ trong việc điều tiết và hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước và chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trên cơ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang dần tiến tới giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có thêm động lực trong việc theo đuổi các chính sách tiền tệ thích ứng”, báo cáo nêu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một số quy định mới, trong đó cho phép các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp và hoãn giãn nợ. “Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một số quy định mới như Thông tư 02 và Thông tư 03 giúp kéo dài thời hạn áp dụng những quy định hiện hành thêm 6 đến 18 tháng, và đồng thời tạo cho các doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để thích nghi với những tiêu chuẩn mới”, báo cáo nêu rõ.
Còn về chính sách tài khóa, Chính phủ đã phê duyệt quyết định tăng lương cơ sở thêm 20,8% kể từ ngày 1/7/2023 và dự kiến giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Với những nhận định trên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thách thức, Dragon Capital điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2023 về mức 5,5 - 6%. Theo kịch bản này, tăng trưởng xuất khẩu dự báo đạt 2,7% và tăng trưởng nhập khẩu đạt 1,9%, tương ứng cán cân thương mại thặng dư 14,4 tỷ USD. Giải ngân FDI dự báo đạt 20,9 tỷ USD. Mức CPI trong năm dự báo giữ nguyên, đạt 4,5%.
"Chúng tôi hy vọng rằng trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào ngày 22/5 sắp tới, sẽ có thêm nhiều chính sách mới được đưa ra nhằm hồi phục và phát triển kinh tế, bao gồm cả các giải pháp với mục tiêu gia hạn và tạm hoãn việc gia hạn các loại thuế, phí và tiền sử dụng đất trong năm 2023, giải ngân đầu tư công và giảm thuế VAT", nhóm phân tích nhận định.
Dragon Capital nhấn mạnh, tốc độ và hiệu quả thực thi của những biện pháp hỗ trợ trên sẽ là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng của kinh tế của cả năm 2023.