Doanh thu tháng 11 của Vĩnh Hoàn (VHC) xuống gần thấp nhất năm, tăng trưởng liên tục đứt đoạn
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi xuất khẩu dự báo giảm nhiệt?Xuất khẩu cá tra tăng chậm nhưng đều ở nhiều thị trườngNgân hàng HSBC: Giai đoạn "chững lại" của xuất khẩu đang tớiMới đây, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã chứng khoán: VHC) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 11/2022. Theo đó, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn trong tháng 11 đạt 893 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 10%.
Đáng chú ý, doanh thu cá tra được ghi nhận là 480 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 22%. Đây là tháng duy nhất trong năm doanh thu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn thu chính của Vĩnh Hoàn. Ngoài ra, doanh thu đến từ mảng bánh phồng tôm cũng đã giảm mạnh 66% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng mức đóng góp của mảng này vào tỷ trọng là không lớn. Bù lại, doanh thu từ những sản phẩm phụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cùng với những sản phẩm hỗn hợp khác, bún và bánh gạo đều đồng loạt ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.
Nếu xét theo thị trường xuất khẩu, doanh thu từ 2 quốc gia xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn là Mỹ và Trung Quốc đã đồng loạt giảm mạnh, lần lượt giảm ở mức 13% và 60%. Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu sang châu Âu của Vĩnh Hoàn cũng đã giảm 20%. Bù lại, thị trường nội địa đã tăng trưởng 17%, đóng góp 26% vào tổng doanh thu.
Tính từ đầu năm, Vĩnh Hoàn đã bị đứt mạch tăng trưởng liên tục khi doanh thu xuất khẩu của tháng 11 đã xuống mức gần thấp nhất năm, chỉ sau tháng 1. So với cùng kỳ năm 2021, đây cũng chính là tháng duy nhất trong năm Vĩnh Hoàn ghi nhận kết quả giảm sút.
Dự báo xuất khẩu thuỷ sản tháng 12 sẽ giảm sâu hơn nữa
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tiến hành tổ chức Lễ Mừng ngành thủy sản đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD. Tính đến hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo như đánh giá của VASEP, thành tựu ấn tượng này là kết quả của sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm với những thuận lợi đến từ nhu cầu của thị trường, giá xuất khẩu tăng và nguồn nguyên liệu đủ để cung ứng cho các đơn hàng.
Trong thực tế, tháng 11/2022 là lần đầu tiên tính từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã rơi xuống dưới mức âm, tức là giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, đây là mức thấp nhất kể từ Tết nguyên đán năm trước cho đến nay. Đáng chú ý, trong tháng 11 xuất khẩu tôm, cá tra và cá ngừ đều đã giảm sâu, dao động trong khoảng từ 20% cho đến 26% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn nửa cuối năm đã chậm lại, nhu cầu thị trường đã tụt dốc đáng kể. Tình trạng này được thể hiện rõ nhất qua kết quả xuất khẩu của quý 4 năm nay. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang tháng 11 năm nay đã thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm 2021. Theo như dự báo của VASEP, xuất khẩu thủy sản trong tháng 12 sẽ giảm sâu hơn nữa, thậm chí đà sụt giảm sẽ còn kéo dài sang năm 2023. Chưa kể, tình hình lạm phát cũng ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến cho nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý đầu năm tới gần như đình trệ.
Cũng theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp thủy sản, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với những mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn và những loại cả ở mức vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi…cũng đều bị giảm đáng trong quý tới do nhu cầu giảm sút.
Vì sao xuất khẩu thủy sản đang tăng phi mã bất ngờ tuột dốc?
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản trong tháng 11 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm trước và là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã ghi nhận mức tăng trưởng âm. Trong số tất cả các mặt hàng ngoại từ mực và bạch tuộc tăng 6,3%, các loại cá biển khác tăng 9,4% thì các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ đều giảm hai con số. Trong đó, giảm sâu nhất là sản phẩm cá ngừ (giảm 26,6%), tiếp đến là sản phẩm cá tra (giảm 25,9%) và tôm giảm 19,5%...
Tổng 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt mức 10,2 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng gần 28%. Trong đó, mặt hàng tôm thu về hơn 4 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 14%; mặt hàng cá tra đạt gần 2,3 tỷ USD và tăng 63,1% so với cùng kỳ; trong khi đó cá ngừ đạt 941 triệu USD và tăng 40%; mực - bạch tuộc đạt 704 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 30%...
Xét về thị trường, Mỹ vẫn đang là thị trường số một của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 11 tháng đầu năm khi kim ngạch đạt hơn 2 tỷ USD và tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc, tiếp đến là Hongkong và Nhật Bản khi cùng đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, thị trường EU trong 11 tháng đầu năm đạt trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc là trên 882 triệu USD…
Theo VASEP, sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu thủy sản kể từ tháng 10 vừa qua đã tăng trưởng chậm lại và chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, còn trong tháng 11 đã giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Quý 4/2022 và quý 1/2023 là giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp thủy sản
Dự báo tháng cuối năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa; thậm chí đà sụt giảm này còn kéo dài sang cả đầu năm sau. Lạm phát đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường nhập khẩu. Đồng thời, những yếu tố này cũng khiến cho nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý đầu năm sau gần như đình trệ.
Đánh giá chung đối với giai đoạn 2023-2024, nguồn vốn cho những doanh nghiệp thủy sản ở quy mô vừa và nhỏ vẫn chủ yếu dựa vào các ngân hàng. Để có được nhiều nguồn vốn, các doanh nghiệp cần phải quản lý tài chính tốt. Đồng thời, họ cũng cần phải nghiên cứu làm thế nào để nguồn vốn nhẹ nhất, thanh khoản tốt nhất. Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp này không nên phát triển theo kiểu tăng trưởng đến đâu thì đầu tư đến đó. Thay vào đó, họ nên hạn chế đầu tư và chỉ chú trọng đầu tư vào những thứ cốt lõi. Nếu như làm được những điều này, quy mô tăng trưởng sẽ cao hơn so với quy mô vốn, nhờ đó mà các doanh nghiệp có thể xoay xở được trong những giai đoạn khó khăn.
Khi điểm qua về ngành thủy sản và nhận diện về bức tranh nóng hỏi hiện nay có liên quan đến việc đơn hàng sụt giảm mạnh, các chuyên gia thẳng thắn nhấn mạnh, thông điệp xuyên suốt cho cả năm 2023 là có rất nhiều chuyện đáng lo. Nguyên nhân bởi, ngành thủy sản vốn là ngành xuất khẩu. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục xấu đi, ngành thủy sản chính là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất và trực tiếp nhất.
Ngoài ra, còn một mối lo nữa đến từ vấn đề tiêu dùng trong nước trong thời gian tới cũng có thể sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân bởi, nhiều người dân đang kẹt tiền trong đầu tư chứng khoán, bất động sản; thế nên một bộ phận không dám đầu tư hay chi tiêu. Chính vì thế, dự báo trong quý cuối năm nay và quý đầu năm sau chính là giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp thủy sản.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP nhận định: “Ngành thủy sản không hẳn là bi quan, bởi thị trường sẽ không thể xuống mãi được và quan trọng là thị trường sẽ trở lại vào khi nào”. Theo như Hiệp hội thống kê, một số doanh nghiệp nhỏ kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng trở lại vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp lớn thì sẽ phải đến cuối quý đầu năm sau mới có thể hồi phục.
Theo đó, giải pháp toàn diện là tiến hành liên kết chuỗi trong sản xuất ngành thủy sản. Chia sẻ về câu chuyện này, ông Trương Đình Hòe đánh giá trường hợp của Thực phẩm Sao Ta rất thành công, bởi doanh nghiệp đã sớm triển khai hệ thống nuôi tôm ở quy mô trang trại. Nhờ vào điều này, doanh nghiệp đã có thể một phần chủ động được nguồn nguyên liệu, từ đó hiểu hơn về chuỗi sản xuất của chính mình.
Đối với mảng cá tra, ông Trương Đình Hòe cho rằng, có đến 60% lượng nguyên liệu cá tra xuất khẩu đã được kiểm soát bởi công ty chế biến trực tiếp thông qua hệ thống trang trại của họ. Nhờ đó, các doanh nghiệp càng thêm chủ động trong khâu sản xuất, từ đó có thể tránh các biến động như trước đây khi có những thời điểm tình hình ngành cá tra lộn xộn về giá cả cũng như chất lượng…
Nhìn chung, nếu như các doanh nghiệp nuôi theo quy mô trang trại, họ sẽ dễ dàng có được các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, … Đây được coi là những loại giấy thông hành giúp cho doanh nghiệp dễ thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính trên thế giới như EU.