Doanh nhân Vũ Văn Thoại: Quyết từ bỏ chức hiệu trưởng để đưa cây 'vàng xanh' về Việt Nam
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nhân Yang Ming Chao: Hành trình kiếm tiền tỷ khởi đầu từ quán ăn 50m2 cùng ý tưởng kinh doanh nhượng quyền 0 đồng siêu độc đáoDoanh nhân Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods: Hành trình đưa món ăn Việt dạo khắp năm châuDoanh nhân Ngô Tường Vy - CEO CTCP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu: Hành trình đưa nông sản Việt vươn tầm quốc tếMối lương duyên với cây "vàng xanh" Việt
Nói về việc “kỳ ngộ” với cây đàn hương, doanh nhân Vũ Văn Thoại chia sẻ: “Nhớ lại ngày đó, khi nhận được thông báo về việc được cấp học bổng đi học thạc sĩ ở Ấn Độ , tôi đã khóc cả đêm. Khi đó con tôi chưa đầy 1 tuổi, trong người chỉ có đúng 80 USD, 3 bộ quần áo và 10 gói mì tôm. Tôi đến một đất nước xa xôi, khác biệt hoàn toàn về văn hóa, ngôn ngữ lẫn ẩm thực,... Vào năm 2006, khi vẫn đang là nghiên cứu sinh thì tôi đã có cơ hội được gặp cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi ông có chuyến thăm Ấn Độ”.
Doanh nhân Vũ Văn Thoại nói thêm rằng, chẳng biển lý do gì mà bác Tạn đã gọi riêng ông vào một phòng dặn dò phải nghiên cứu, kết nối để có thể đưa bằng được cây đàn hương quý hiếm về nước. Bác nói rằng: “Nếu như đưa được đàn hương về Việt Nam thì cây có thể góp phần lớn vào việc thay đổi giá trị nông nghiệp của nước nhà”. Sau đó thì doanh nhân Vũ Văn Thoại đã quyết định xin học bổng học tiếp tiến sĩ về quản lý giáo dục để có thể được ở lại và có thêm thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về đặc tính của loài cây đàn hương.
Vị doanh nhân này nói rằng, có thể nói là bản thân đã gặp may, tuy mất khá nhiều thời gian. Vào năm 2014, ông cùng với các đồng nghiệp mới thành công trong việc tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn nhằm tạo giống hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Bởi lẽ cây đàn hương rất khó có thể nhân giống. Và ngay ở quê hương Ấn Độ, ở điều kiện tự nhiên thì chỉ 5 - 10% số hạt cây đàn hương được gieo là nảy mầm.
Để có thời gian nghiên cứu thì ông đã quyết định nộp đơn xin thôi làm hiệu trưởng và thành lập nên Viện Nghiên cứu cây đàn hương cũng như thực vật quý hiếm. Cùng với đó là doanh nhân Vũ Văn Thoại đánh liều dồn tiền đi thuê đất, mở trang trại để có thể nhân giống cũng như trồng thí điểm loại cây quý hiếm này. Cho đến thời điểm hiện tại thì cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm ở khoảng 43 tỉnh thành trên cả nước, bước đầu cho kết quả vô cùng khả quan. Có nhiều cây cho ra hoa, quả khi mới 2 năm tuổi. Sau khi trồng thì lõi của cây đàn hương thu được ở các vùng trồng thử nghiệm cũng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là đạt tiêu chuẩn.
Cũng nhờ đi đúng con đường cho nên dù Ấn Độ được xem là thủ phủ của đàn hương, tuy nhiên hiện nay sản phẩm từ đàn hương của công ty ông đã có mặt ở hệ thống siêu thị ở nước bạn.
Hiện tại thì doanh nhân Vũ Văn Thoại đã phát triển hơn mười sản phẩm từ đàn hương như là búp trà từ lá, trà nhúng, các loại hương nhang, đồ mỹ nghệ từ gỗ đàn hương, bột đắp mặt nạ chống lão hóa da cho phụ nữ, xà phòng, tinh dầu đàn hương,... Và trong thời gian sắp tới, ông cùng với đồng nghiệp còn xuất khẩu các loại sản phẩm từ đàn hương sang các nước Trung Đông và Nhật Bản, những loại trà thì chủ yếu sẽ xuất sang Hồng Kông (TQ), Trung Quốc, Đài Loan (TQ),...
Hiện nay, doanh thu từ cây đàn hương hàng năm của công ty đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Doanh nhân Vũ Văn Thoại chia sẻ rằng, bản thân không tính thành công bằng con số tỷ đồng mà là bằng diện tích hecta. Viện nghiên cứu mà ông Thoại đang làm việc đã giúp cho người dân trồng tổng cộng trên 6000 ha cây đàn hương ở Việt Nam và khoảng 3000ha ở một số nước như là Campuchia, Kenya, Uganda,... Đây cũng chính là vùng nguyên liệu bền vững để cho Viện có thể phát triển các sản phẩm chế biến từ đàn hương trong tương lai. Đến thời điểm hiện tại thì nguồn cung đàn hương chỉ mới đáp ứng được từ 24 - 26% nhu cầu của cả thế giới.
Xu thế tất yếu là nông nghiệp tuần hoàn
Có thể thấy, đàn hương có giá trị kinh tế cao nhưng doanh nhân Vũ Văn Thoại không tập trung phát triển ở các trang trại đàn hương mà gần như lấn sân sang trồng mắc ca, bơ, cam. Lý giải về vấn đề này, doanh nhân Vũ Văn Thoại chia sẻ: “Đối với cá nhân của tôi thì cây đàn hương quý nhất không phải là ở giá trị kinh tế mà nó mang đến. Cây đàn hương đặc biệt nhất là ở chỗ nó bắt buộc phải trồng xen canh cùng với các loại cây khác, tạo ra được một hệ sinh thái rừng bền vững. Và đàn hương còn có thể trồng xen canh với các cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu,... từ đó mang đến cho người trồng cả nguồn thu nhập ngắn hạn, trung hạn lẫn dài hạn. Đáng chú ý hơn là cây đàn hương xanh quanh năm, không rụng lá và chịu hạn vô cùng tốt, cần lượng nước ít và nó sẽ là loại cây để chống hạn hạn và chống biến đổi khí hậu”.
Từ chỗ chỉ tìm hiểu sâu về cây đàn hương thì giờ đây mơ ước của doanh nhân Vũ Văn Thoại lại lớn hơn rất nhiều. Ông mong rằng Việt Nam có được một nền nông nghiệp có giá trị cao. Điều này cũng đồng nghĩa với một nền nông nghiệp tri thức với hàm lượng chất xám phải cao trong từng sản phẩm nông nghiệp làm ra và đó cũng phải là một nền nông nghiệp tuần hoàn và bền vững.
Tâm huyết hiện nay của doanh nhân Vũ Văn Thoại là mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Theo ông, đã đến lúc phải từ bỏ đi quan điểm rằng cứ ai ít học là thất nghiệp thì về làm nông dân. Chỉ có hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư tiền bạc vào nông nghiệp cũng như thu hút được nhiều người tài đến với lĩnh vực này thì nền nông nghiệp nước nhà mới có thể hội nhập toàn cầu được.
Doanh nhân Vũ Văn Thoại nói thêm rằng: “Hiện tại, chúng tôi đang chú trọng xây dựng các mô hình trang trại từ 15 hecta trở lên. Đầu tiên là sẽ bắt đầu từ chăn nuôi để có được nguồn vi sinh bón cho cây, trồng xen canh với đàn hương sẽ là cây na, cây bơ, cam cùng một số loại dược liệu. Và từ nguồn phế thải hữu cơ thì các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, Viện nuôi trùn quế vừa để tái tạo đất, vừa để nuôi cá,... Những mô hình này đã giúp cho Viện triển khai ở Đăk Nông, Phú Thọ và Hòa Bình.
Với doanh nhân Vũ Văn Thoại, làm nông bây giờ là cần khoa học và số hóa. Trang trại chăn nuôi được xây dựng nên hệ thống chuồng khép kín, trang bị quạt thông gió và cấp nước uống tự động, gắn camera giám sát và nền chuồng được sử dụng đệm lót sinh học với nguyên liệu chủ yếu là trấu trộn chế phẩm sinh học. Còn thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng được phối trộn những chủng vi sinh để cho mùi hôi khi chất thải ra môi trường,... Và khi có sản phẩm thì người nông dân có thể tận dụng được nền tảng số để có thể đưa sản phẩm từ cánh đồng đến tận tay của người tiêu dùng.
Hiện nay, mô hình nông nghiệp không còn nhỏ lẻ nữa. Theo doanh nhân Vũ Văn Thoại, nông nghiệp giờ đây nên được thực hiện các cánh đồng mẫu lớn và được công nghiệp - công nghệ hóa. Và nông nghiệp cũng không nên tiếp tục giữ quy mô hộ gia đình với mục tiêu xóa đói giảm nghèo nữa mà cần có sự tham gia của Nhà nước trong vai trò là bảo hộ nguồn cây giống tốt, còn các doanh nghiệp lớn như là những đầu tàu tạo nên những vùng dự án,... Thông minh và trí thức, chuyên nghiệp chính là những điều kiện tiên quyết để có thể chuyển đổi mô hình nông nghiệp Việt tiếp cận cũng như bắt kịp với xu thế của thế giới.
Ông Thoại nói thêm rằng, trên thị trường Ấn Độ hiện nay, 1kg lõi gỗ đàn hương có mức giá là 350USD, về đến thị trường Việt Nam có giá là 450 USD, sang đến thị trường Trung Quốc, Đài Loan, và các nước Ả Rập thì nó có giá lên khoảng 600 USD.
Trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, giá của mỗi kg đàn hương ở thị trường Việt Nam hiện tại là khoảng 3 triệu đồng/kg, rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu - loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng” có mức giá khoảng 4.500 USD/kg.
Mặc dù vậy, nói thế không có nghĩa là có thể dễ dàng hái ra tiền từ cây đàn hương bởi vì đây là giống cây rất khó để nhân giống. Hạt để nhân giống sẽ phải lấy từ cây mẹ sạch bệnh từ 10 năm tuổi trở lên.
Nhưng càng về già thì cây đàn hương lại càng cho ít hạt. Hơn thế, nếu như chọn nguồn giống không tốt thì cây đàn hương sẽ dễ mắc những bệnh do virus gây ra. Loại cây này cũng có thể sẽ mắc một loại bệnh mà đến thời điểm hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa thể nào tìm ra được cách chữa trị khi cây mắc bệnh đó là bệnh xoăn lá (spike disease) do virus gây ra.
Và khi đã bị bệnh này thì cây sẽ chết sau thời gian từ 1 - 2 năm. Chính vì thế đòi hỏi người trồng sẽ phải chọn được hạt giống từ những cây khỏe mạnh, không nằm trong vùng đang có những cây đàn hương bị bệnh xoăn lá.
Cũng bởi rất khó nảy mầm, cho nên để kích thích hạt nảy mầm thì các chuyên gia đã phải dùng đến các hoạt chất chiết xuất như nước tiểu của giống bò trắng Ấn Độ thay vì sử dụng chất kích thích GA3 - đây là một loại chất kéo dãn tế bào cây từ đó dẫn đến khó hình thành lõi gỗ (bộ phận quý nhất của cây) cùng với tỷ lệ tinh dầu rất ít.
Và dù khó nảy mầm tuy nhiên đàn hương lại là loài rất thích hợp với nhiều loại đất như đất cát, đất đỏ, đất sét, đất đá ong pha sét, đất sỏi và đất bông đen,.. đồng thời có thể trồng được trên các loại đất có độ PH từ 5,5 – 8,0.
Doanh nhân Vũ Văn Thoại nói thêm: “Đàn hương không chịu được ngập úng, vì thế nó sẽ không chịu được khi được trồng ở những nơi thoát nước kém, ngập úng dài từ 3 ngày trở lên. Cũng không nên trồng đàn hương ở ven biển, nơi thường xuyên có bão lớn”.
Mặc dù vậy thì việc trồng cây đàn hương cũng không hề quá khó với điều kiện ở Việt Nam. Doanh nhân Vũ Văn Thoại khuyến cáo: “Cần có quy hoạch vùng cụ thể với một số lượng diện tích được kiểm soát. Không nên chạy theo phong trào mà trồng đàn hương một cách bừa bãi. Nên tìm hiểu kỹ đặc tính của cây đàn hương, nếu có điều kiện nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi trồng”.