Doanh nghiệp địa ốc mong chờ điều gì từ tổ công tác gỡ khó cho thị trường BĐS?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia: Doanh nghiệp BĐS nên tìm cách tự cứu mình, đừng ngồi chờ giải cứuTrung Quốc sẽ “giải cứu” thị trường bất động sản?Too Good To Go: Startup cùng hành trình sứ mệnh xanh, giúp "giải cứu" 147 triệu bữa ăn - tương đương 26.600 tấn thực phẩm khỏi thùng rácLiên bộ, ngành vào cuộc gỡ khó cho thị trường BĐS
Một thông tin đáng chú ý đối với thị trường bất động sản khi sáng 17/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Theo đó, tổ công tác sẽ gồm 8 thành viên do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng.
Theo đó, các thành viên còn lại đều là những thứ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành liên quan như ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Cao Lục.
Quyết định của Thủ tướng khẳng định, Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trực thuộc trung ương. Sauk hi rà soát, Tổ công tác sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Ngoài ra, tổ công tác cũng sẽ tổng hợp, tham mưu Thủ tướng báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền Thủ tướng. Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan cũng như tham mưu, kiến nghị các cấp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.
Đặc biệt, Tổ công tác sẽ được yêu cầu các bộ ngành, địa phương báo cáo, cung cấp thông tin về các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, kiến nghị giải pháp giải quyết.
Trước đó, ngày 8 và 9/11, Văn phòng Chính phủ cùng một số bộ ngành đã có buổi làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Tại buổi làm viêc này, các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập ‘ban công tác đặc biệt’ hoặc ‘tổ công tác đặc biệt’ để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình. Đây là sẽ tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự.
Khi đó, HoREA đã đề xuất lên Chính phủ 9 nhóm vấn đề để giải cứu thị trường bất động sản. Trong đó, HoREA nhấn mạnh đến việc cung cấp nguồn tín dụng cho thị trường bất động sản qua kênh tín dụng ngân hàng, thị trường trái phiếu. Và quan trọng nhất, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban, tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn để thí điểm tập trung tháo gỡ cho khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn.
“Đây đều là những doanh nghiệp địa ốc có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng, qua đó tạo niềm tin và cú hích cho thị trường”, HoREA kiến nghị.
Các doanh nghiệp BĐS khát vốn
Vừa đọc được thông tin Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác gỡ khó cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản, ông Nguyễn Khắc Vinh, CEO BĐS SENLAND cho biết, đây là tin tốt nhất đối với thị trường bất động sản trong 2 quý vừa qua. “Việc Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác thời điểm này là vô cùng cần thiết và hợp lý. Đặc biệt, tổ công tác này có đầy đủ các Bộ, ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến thị trường bất động sản như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT. Chúng tôi, những người kinh doanh bất động sản luôn ngóng chờ, dõi theo từng bước đi của Tổ công tác và kỳ vọng thị trường sẽ được giải cứu càng sớm càng tốt”, ông Vinh chia sẻ.
Khi Phóng viên đặt câu hỏi các doanh nghiệp trông chờ điều gì nhất từ Tổ công tác, CEO BĐS SENLAND nói rằng đó là vốn. Đầu tiên, để các doanh nghiệp có thể tồn tại, cầm hơi được qua thời điểm này cần phải có nguồn tín dụng lớn. Rất may mắn là trong Tổ công tác có đại diện Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, khi các doanh nghiệp đã được nới tín dụng thì thị trường cũng cần tiền để đẩy tỉ lệ thanh khoản. Vì vậy, vốn thời điểm này chính là chìa khóa gỡ khó cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thị trường phát triển đúng hướng, bền vững thì việc gỡ khó cho các dự án đang bị dừng triển khai vì nhiều lý do cũng vô cùng quan trọng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn cung bị hạn chế và đẩy giá nhà lên cao.
Giống như ông Vinh, ông M.X.T, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xây dựng lớn tại Hà Nội cũng tỏ ra vui mừng khi Thủ tướng thành lập Tổ công tác để giải cứu thị trường bất động sản. Hơn 1 năm qua, doanh nghiệp của ông T. phải nằm im vì không có công trình để xây dựng. Các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn về vốn, không có tiền triển khai dự án nên doanh nghiệp của ông T. không có việc, lao động bỏ việc gần hết.
“Đúng là thời điểm này vốn, nguồn tín dụng là yếu tố then chốt để giải cứu thị trường bất động sản. Công ty tôi bị chiếm dụng gần 1.000 tỷ đồng tiền vốn. Bởi xây dựng cho các doanh nghiệp dự án mà họ mới trả được 50% kinh phí. Các doanh nghiệp đó bị siết tín dụng nên không có tiền trả thật chứ không phải họ cố tình chây ỳ. Việc nới tín dụng thời điểm này không chỉ là gỡ khó cho các doanh nghiệp BĐS mà còn giúp “tái sinh” các doanh nghiệp xây dựng và nhiều ngành khác nữa”, ông T. nói.
Dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang cạn vốn, thiếu thanh khoản. Chính vì thế, tín dụng là điều quan trọng bậc nhất đối với doanh nghiệp và thị trường bất động sản thời điểm này.
Cũng theo vị này, vì thiếu nguồn tín dụng nên thực tế cho thấy, trên thị trường nảy sinh tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau, có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. TS.Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, hiện nay, các ngân hàng đang nắm giữ gần 1 triệu tỷ đồng tiền đầu tư công của Chính phủ. Tuy nhiên, các ngân hàng này không được phép cho vay ra ngoài. Vị này nói thêm, khó khăn của lĩnh vực bất động sản xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, thực trạng dòng vốn yếu, thanh khoản thấp là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thị trường trầm lắng.