Doanh nghiệp “đã quen đương đầu” với giá xăng leo thang
BÀI LIÊN QUAN
Giá xăng tăng cao kỷ lục, chạm mốc gần 27.000 đồng/lítLoạn giá kit xét nghiệm, xăng dầu “găm hàng” - Nỗi khổ của người dân mùa dịchGiá cước taxi có thể tăng nếu xăng không giảm nhiệt“Chưa nhận được phản ánh về khó khăn”
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hay lớn thì đều phụ thuộc hay liên quan đến xăng, dầu trong quá trình hoạt động kinh doanh. Chi phí xăng dầu được coi là chi phí đầu vào khiến chi phí sản xuất tăng theo. Bên cạnh đó, chi phí xăng dầu cũng khiến chi phí vận chuyển tăng cũng khiến giá thành dịch vụ, sản phẩm tăng.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ với các doanh nghiệp và mong các doanh nghiệp cố gắng vượt qua thời gian khó khăn này.
Ông Minh Tú nói: “Dù vậy, chúng tôi chưa nhận được phản ánh về khó khăn của các đơn vị liên quan việc giá xăng dầu tăng. Có lẽ, doanh nghiệp đã quen đương đầu”.
Các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp
Giá xăng, dầu tăng liên tục khiến nhóm doanh nghiệp logistics là đối tượng bị ảnh hưởng tương đối nhiều. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Giao nhận Tiếp vận Quốc tế InterLOG cho biết, trong tháng 2 giá xăng dầu tăng vọt tác động đến giá cước. Cụ thể là giá cước nội địa có xu hướng tăng, bên cạnh đó giá cước vận tải quốc tế cũng đang ở mức khá cao, dự báo trong tương lai mức giá này sẽ còn cao hơn nữa.
Hay như tại Nhất Tín Logistic, ông Nguyễn Văn Tú, Tổng giám đốc công ty chia sẻ, chi phí xăng dầu cho đội xe tải của đơn vị đã bị đội lên từ 5-7% do giá nhiên liệu đầu vào tăng. Điều này đã tạo áp lực lớn đến chi phí vận hành trực tiếp của Nhất Tín Logistic. Mặc dù vậy thì giá cước công bố vẫn phải giữ nguyên như hợp đồng đã thống nhất với khách hàng trước đó.
Đây là những “mối lo” hiện hữu của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic. Nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục leo thang, các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện điều chỉnh giá cước nhằm đảm bảo chính sách giá và chất lượng dịch vụ cho khách hàng của mình.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hành khách liên tỉnh và Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động kinh doanh của ngành vận tải hành khách nói riêng và ngành vận tải nói chung sẽ gặp khó khăn khi giá nhiên liệu như xăng dầu ngày càng leo thang.
Trước tình hình giá xăng liên tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp khắc phục. Như tại nhà xe An Phú (TP Hồ Chí Minh), có 6 xe chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn. Anh Trần Cường chủ nhà xe cho biết, những ngày này anh “đứng ngồi không yên” vì chi phí cho nhiên liệu đầu vào đã chiếm phần lớn lợi nhuận.
Nhà xe này đang phải hoạt động cầm chừng, trong tình trạng chạy phải bù lỗ, đồng thời cắt giảm mọi chi phí không cần thiết. Trong thời gian tới, nếu giá xăng vẫn tiếp tục ở mức cao hoặc tăng thêm, có khả năng nhà xe này sẽ phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc dừng hoạt động vì không thể cầm cự được nữa. Nhà xe An Phú cũng rất mong mỏi cơ quan quản lý nhà nước có các chính sách nhằm ổn định giá xăng dầu dài hạn.
Tương tự, các doanh nghiệp taxi cũng không tránh khỏi cảnh hoạt động “bữa đực bữa cái”. Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, cho biết áp lực giá xăng lần này "đè" nặng doanh nghiệp, trong khi đó giá mặt hàng này vẫn chưa thấy điểm dừng.
"Không chỉ chúng tôi, hầu hết doanh nghiệp taxi ở TP Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ buộc phải tăng giá cước nếu Chính phủ không điều chỉnh thuế, phí xăng dầu trong tuần tới", ông Hỷ nói.
Tương tự đó, Tập đoàn Mai Linh cho biết đang không “gồng gánh” nổi các loại chi phí. Khi giá nhiên liệu đầu vào đang tăng ở mức hai con số, các chi phí khác trong mùa dịch mà đơn vị này phải gánh cũng đi lên.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, theo tính toán chi phí xăng dầu đang chiếm 30-35% tổng chi phí mỗi cuốc xe di chuyển. Đợt tăng giá xăng dầu lần thứ năm liên tiếp vừa qua đang khiến chi phí nhiên liệu đầu vào của ngành taxi đã tăng tương ứng 13,8%.
Thông tin từ các hiệp hội taxi cho rằng, doanh nghiệp của ngành hiện vẫn chưa vượt qua được khó khăn khi 2 năm qua liên tục ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Riêng trong năm 2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, mặc dù các hãng taxi được hoạt động nhưng rất cầm chừng vì phải chấp hành quy định không được phép chở quá 50% số ghế.
Trong thời gian tới, nhiều đơn vị vận tải đã lên phương án tăng giá cước. Tuy nhiên, theo ông Tính các doanh nghiệp sẽ không tăng giá ngay lập tức mà tăng theo lộ trình nhằm “giữ chân” khách hàng. Đồng thời sẽ đưa ra mức giá mới có tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời gian tới, nhiều đơn vị vận tải đã lên phương án tăng giá cước. Tuy nhiên, theo ông Tính các doanh nghiệp sẽ không tăng giá ngay lập tức mà tăng theo lộ trình nhằm “giữ chân” khách hàng. Đồng thời sẽ đưa ra mức giá mới có tính cạnh tranh trên thị trường.
Chiều ngày 1/3/2022, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 547 đồng/lít, lên mức 26.077 đồng/lít; giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 554 đồng/lít lên mức 26.834 đồng/lít.
Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước và là đợt tăng thứ 5 chỉ tính riêng trong năm 2022. Đồng thời ghi nhận mức giá bán của hai mặt hàng xăng RON 95 và E5 RON 92 đều ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá các mặt hàng dầu trong kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng lên. Trong đó, giá dầu diesel lên mức 21.310 đồng/lít; dầu hỏa là 19.978 đồng/lít và dầu mazut là 18.468 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã trích quỹ bình ổn với dầu mazut 300 đồng/kg, xăng E5 RON 92 250 đồng/lít, RON 95 là 220 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít.