meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để bắt đầu chuyển đổi số?

Thứ tư, 10/05/2023-09:05
Đại dịch Covid-19 được coi là cú hích lớn cho các ngành nghề áp dụng công nghệ mới nhằm thích nghi với tình hình xã hội mới. Bước sang giai đoạn hậu đại dịch, xu hướng chuyển đổi số được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tuy nhiên quá trình chuyển đổi số là quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu cụ thể, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Xác định mục tiêu chuyển đổi số

Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính, hành vi của người tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đó thúc đẩy việc tạo thị trường mới cho các doanh nghiệp trên nền tảng số. Quy trình vận hành công ty, hệ thống chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất buộc doanh nghiệp phải thay đổi. 

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) cho biết, thuật ngữ chuyển đổi số (digital transformation) nói về việc áp dụng công nghệ vào tất cả các mặt sản xuất, kinh doanh, thông qua đó thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp và mang lại giá trị cho khách hàng. Trong đó, “thay đổi” (transformation) là từ khóa quan trọng, nếu công nghệ không dẫn đến sự thay đổi về cách thức doanh nghiệp hoạt động (operations) hay về mặt cấu trúc hạ tầng (infrastructure) thì nó không thể gọi là transformation.

Thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì cũng có những doanh nghiệp thất bại trên hành trình chinh phục chuyển đổi số, doanh nghiệp chuyển đổi số theo phong trào hoặc chưa hiểu hết về chuyển đổi số khiến việc áp dụng, ứng dụng chưa mang lại hiệu quả. 


Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19.
Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19.

Khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi số là việc xác định chuyển đổi số không phải là cuộc chơi về mặt công nghệ mà là sự thay đổi về con người, từ tư duy, mở rộng nhận thức. Đặc biệt doanh nghiệp cần người lãnh đạo phải có tầm nhìn và hiểu được tầm quan trọng cũng như xu hướng công nghệ để điều hành cả doanh nghiệp đi theo. Điều quan trọng ở đây là phải quy hoạch tổng thể ngay từ đầu, chứ không phải kiểu vụn vặt, có đến đâu thì đầu tư đến đấy. 

Để thoát khỏi bẫy chuyển đổi số hình thức và tiến tới chuyển đổi số thành công thì bất kỳ tổ chức nào cũng phải hiểu đúng về chuyển đổi số. Phải nhận diện đúng nhu cầu của chính mình và thay đổi nhận thức; hoạch định đúng và hợp lý các nguồn lực tham gia vào công tác chuyển đổi số. Lựa chọn đối tác đồng hành đáng tin cậy cũng sẽ quyết định phần lớn đến thắng lợi chuyển đổi số, tất nhiên kèm theo đó vẫn phải là sự tuân thủ trong triển khai và cải tiến.

Ông Tuấn lưu ý, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra các yêu cầu về chuyển đổi số, có thể thuê công ty tư vấn để xác định được mục tiêu rõ ràng, như vậy quá trình chuyển đổi số mới sát với thực tế của doanh nghiệp. Thực tế, tình trạng doanh nghiệp có thừa thông tin về chuyển đổi số nhưng lại thiếu tính thực tiễn để áp dụng. Trong khi đó, có doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số bằng công nghệ nhưng chưa quan tâm đến các yếu tố nhân sự và quản trị doanh nghiệp. 


Chuyển đổi số không chỉ là sử dụng công nghệ mới mà còn là thay đổi tư duy của mỗi người lao động trong doanh nghiệp.
Chuyển đổi số không chỉ là sử dụng công nghệ mới mà còn là thay đổi tư duy của mỗi người lao động trong doanh nghiệp.

Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số chung của toàn xã hội, hiện có nhiều công ty tư vấn liên quan đến chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Các đơn vị này đều có ưu điểm và nhược điểm, mặc dù vậy doanh nghiệp muốn chuyển đổi số không nên quá lo lắng khi lựa chọn đơn vị tư vấn. Thay vào đó, cần xác lập rõ mục tiêu quản trị, kinh doanh của mình. Doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biết công ty mình đang cần gì, định lượng hóa cũng như yêu cầu và xác lập các nội dung cụ thể để lựa chọn được đơn vị tư vấn phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình. Do vậy, ông Tuấn khuyên, chuyển đổi số cần thiết làm nhưng không nên quá vội vã, mà phải kỹ lưỡng để đảm bảo thành công.

Tiến tới hình thành tài sản số 

Theo Hội tin học TP Hồ Chí Minh (HCA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, tỷ lệ 70,3% so với trung bình thế giới là 51,4%. Với những con số đó, thị trường dữ liệu lớn (Big Data) tại Việt Nam được đánh giá là có triển vọng hàng đầu khu vực châu Á. Nếu biết tận dụng tối đa nguồn dữ liệu này thì cơ hội chuyển đổi số sẽ nhanh hơn và thành công hơn. Người đứng đầu doanh nghiệp hiểu rõ về dữ liệu thì bài toán chuyển đổi số có thể thực hiện nhanh, gọn, tiết kiệm chi phí và đạt được thành quả rõ ràng. 


Dữ liệu chính là nhiên liệu quan trọng của nền kinh tế số.
Dữ liệu chính là nhiên liệu quan trọng của nền kinh tế số.

Bởi dữ liệu chính là nhiên liệu của nền kinh tế số. Thế giới ngày nay phát triển từng phút, từng giờ, các dữ liệu luôn được sản sinh ra và lưu trữ bởi công nghệ. Việc sử dụng điện thoại, máy tính hay các trang mạng xã hội, công cụ internet… đều chứa đựng trong đó vô vàn dữ liệu. Khai thác tốt dữ liệu là cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp.

Quá trình chuyển đổi số giữa một doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ hầu như không có sự khác biệt, đều là chuyển đổi từ trạng thái hiện có sang môi trường số, khi làm tốt điều này sẽ hình thành nền kinh tế số một cách tự nhiên. Doanh nghiệp cũng cần phải tích lũy thành quả chuyển đổi số thành tài sản số, đặc biệt là dữ liệu số - tài sản vô giá mà doanh nghiệp có thể khai thác trong tương lai.

Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu?

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực công nghệ, ông Phí Anh Tuấn cho biết có thể chia làm 2 loại hình doanh nghiệp để áp dụng quá trình chuyển đổi số phù hợp. Đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và doanh nghiệp vừa và lớn.

Đối với doanh nghiệp SMEs điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số là chọn được công nghệ mới, đủ tốt, tiết kiệm chi phí mà vẫn hiệu quả, để làm tài sản số cho mình. Để làm được điều này, phụ thuộc vào công tác chuẩn bị cho đúng để quyết định mua đúng, không phí tiền. Chủ doanh nghiệp chính là người ra quyết định và chịu trách nhiệm cho việc chọn đúng nền tảng.


Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số cần xác định mục tiêu, định hướng trong ngắn hạn do công nghệ đổi mới liên tục.
Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số cần xác định mục tiêu, định hướng trong ngắn hạn do công nghệ đổi mới liên tục.

Không có công thức chung về việc chọn công nghệ nào hay từ bộ phận nào trong doanh nghiệp. Do quy mô nhỏ và vốn ít nên việc chọn công nghệ nào phải dựa trên khả năng, nhu cầu của doanh nghiệp hiện tại và tương lai gần. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp SMEs là thích chuyển đổi số với chi phí hợp lý, tốn ít thời gian mà vẫn mang lại nhiều lợi ích nhất trong khả năng. Do đó, chủ doanh nghiệp cần phải chú ý đến định hướng chuyển những ứng dụng công nghệ này thành tài sản số trong tương lai, tức là công nghệ hiện tại phải có khả năng kết nối và chia sẻ với một số nền tảng khác.

Thông thường các công ty SMEs muốn tồn tại và phát triển thì đa phần các đơn vị nên bắt đầu chuyển đổi số từ bộ phận có khả năng trực tiếp kiếm ra tiền như kinh doanh, vận hành kho bãi, thương mại…

Đối với các doanh nghiệp vừa và lớn, khi chuyển đổi số nên tiến hành đánh giá lại tài sản số và các công nghệ mà doanh nghiệp hiện có. Trên cơ sở đó, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ lựa chọn công nghệ cần phải bổ sung cho hoàn chỉnh. Điều này đòi hỏi phải có đội ngũ hoạch định kiến trúc nền tảng số, kế thừa lại tài sản số sẵn có, xây dựng nền kiến trúc mới có khả năng kế thừa nhiều nhất có thể. 

Bộ phận đầu tiên ở các doanh nghiệp vừa và lớn nên lựa chọn chuyển đổi số là bộ phận mang lại hiệu quả lợi ích nhiều nhất nhưng lại ít tốn kém nhất. Chẳng hạn bộ phận kế toán làm trước sẽ tốn ít chi phí và hỗ trợ được các bộ phận khác. Cách thức sắp xếp chuyển đổi số ở từng bộ phận phải được tính toán chi tiết, với mục tiêu hình thành tài sản số cho công ty khai thác lâu dài.

Đặc biệt lưu ý, dù doanh nghiệp có kinh phí nhiều hay ít cho tiến trình chuyển đổi số thì cũng không nên hoạch định quá xa, tầm nhìn dài do công nghệ thay đổi rất nhanh. Trong mọi trường hợp nên lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp với định hướng doanh nghiệp. Như vậy, sẽ giúp xây dựng kiến trúc, kiến thiết nền móng quan trọng cho sự kết hợp với các nền tảng khác có sẵn để kiến trúc vững vàng, tài sản số chất lượng cao. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Meey Group chia sẻ kinh nghiệm về proptech tại Hội nghị Thượng đỉnh Khoa học và Kinh tế toàn cầu

Chủ nhân giải VinFuture 2024 khuyên người trẻ chấp nhận rủi ro và luôn tò mò

Liên danh FPT Nha Trang muốn làm khu đô thị công nghệ rộng hơn 50ha tại "hòn ngọc biển Đông"

Từng chỉ sống với 72 nghìn mỗi ngày, làm việc 100 giờ/tuần với 3 công việc: Nhiều năm sau "lội ngược dòng" thành doanh nhân thành đạt, nắm giữ khối tài sản tỷ đô

Mã độc lây lan qua Facebook có nguồn gốc từ Việt Nam NodeStealer lại “tái xuất giang hồ”

Ứng dụng AI trong “số hoá” bất động sản, Meey Group gây ấn tượng tại Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024

Chưa thể cấm ngay Temu, 1688 và Shein, Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế nói gì?

Mạng 5G lúc nhanh, lúc chậm: Viettel lý giải nguyên nhân?

Tin mới cập nhật

Mặt bằng, căn hộ nhộn nhịp theo Metro số 1

14 giờ trước

Nhà ở xã hội: Không chỉ khó làm, còn khó cả bán

14 giờ trước

Các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan về giá trị của bitcoin trong năm 2025

1 ngày trước

Những nguyên tắc để đảm bảo phong thủy và mang lại may mắn khi nhập trạch nhà mới

1 ngày trước

Chủ tịch HĐQT Meey Group nhận định về chuyển động của thị trường proptech trong những năm tới

1 ngày trước