Doanh nghiệp BĐS nghỉ Tết sớm, thời gian dài kỷ lục: Kéo dài gần 2 tháng xuyên từ Tết Dương sang Tết Âm
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực trả nợ ngắn hạn khi lượng lớn trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023“Hết tiền” - Câu cửa miệng của cả doanh nghiệp, nhà đầu tư đến môi giới bất động sảnTS. Cấn Văn Lực: Bốn giải pháp để “làm sạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệpThị trường bất động sản hơn nửa năm trở lại đây đột ngột rơi vào trầm lắng. Các môi giới bất động sản theo đó cũng khó tìm kiếm giao dịch thành công. Khác với thời điểm năm ngoái, thậm chí chưa hết kỳ nghỉ Tết Âm lịch, môi giới đã tất bật dẫn khách đi xem đất. Không chỉ vậy, nhiều công ty bất động sản còn sẵn sàng trả hoa hồng cao cho môi giới nhận trực tết.
Tuy nhiên, tình cảnh hiện nay đã khác, nhiều doanh nghiệp bất động sản thậm chí còn cho nhân viên nghỉ tết dài kỷ lục, kéo dài tư Tết Dương lịch xuyên Tết Âm lịch. Đơn cửa, một công ty bất động sản tại khu vực miền Bắc mới đây đã có thông báo về việc cho nhân việc nghỉ Tết sớm kéo dài gần 2 tháng.
Cụ thể, toàn bộ nhân viên của công ty này sẽ bắt đầu nghỉ Tết kể từ ngày 12/12/2022 cho đến hết ngày 05/02/2023. Riêng với bộ phận Kinh doanh tiếp tục triển khai bán các sản phẩm đang có của công ty với cơ chế và chính sách theo thông báo. Đây được cho là sự việc chưa từng có trong tiền lệ của thị trường bất động sản.
Nhìn lại diễn biến thị trường năm ngoái, anh Nguyễn Tuấn Tú, chủ một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, Tết Nguyên đán năm 2022, thị trường bất động sản sôi động. Bắt đầu từ mùng 4 Tết anh Tú đã bắt đầu khai xuân, nhiều nhà đầu tư không hẹn trước nhưng vẫn tìm tới văn phòng anh để mua đất.
Anh Tú chia sẻ, năm ngoái, 27-29 Âm lịch vẫn còn có người tới đặt cọc mua đất. Anh còn phải trả thêm lương và hoa hồng cho nhân viên ở văn phòng trực Tết từ mùng 2 Âm lịch để tư vấn cho khách. Đến mùng 4 Âm lịch đẹp ngày, nhiều lô đất đã được nhà đầu tư xuống tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp bất động sản này cho rằng, tình cảnh năm nay đã khác, thị trường từ tháng 4 đã bắt đầu chững lại và kéo dài đến tận bây giờ. Theo đó, thanh khoản giảm dần, văn phòng của anh có 20 môi giới nhưng cả tháng nay cũng mới chỉ có 1 giao dịch thành công.
Anh Tú cho biết, mọi năm thời điểm này giao dịch rất tất bật, nhưng năm nay thị trường trầm lắng, nhiều nhân viên của anh muốn nghỉ Tết sớm anh cũng đồng ý để mọi người tạm thời tìm cách kiếm tiền tiêu Tết. "Chắc tôi cũng chỉ cố đến hết tháng này, đến Tết Dương lịch thị trường không có tín hiệu mới, cũng cho mọi người nghỉ Tết Âm lịch luôn”, anh Tú than.
Tương tự, anh Trần Tiến Tài, Giám đốc một công ty phân phối bất động sản tại Hà Nội cũng cho biết, trước những diễn biến không mấy tích cực của thị trường bất động sản, công ty của anh cũng rơi vào hoàn cảnh không có giao dịch.
Theo anh Tài, nhiều tháng nay, đa phần mọi người đến văn phòng chỉ ngồi chơi uống nước chè, thi thoảng có người gọi tới hỏi giá cả thị trường. Công ty không có giao dịch thành công nên anh cũng lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Lương nhân viên trong thời gian nghỉ này cũng chấp nhận giảm một nửa, còn thưởng Tết thì rất khó nói.
Trước đó, Giám đốc một sàn giao dịch tại Hà Nội cũng cho biết vừa phải cho 50% nhân viên bán hàng nghỉ việc do thị trường "đóng băng".
Vị này cho biết, năm nay không nghĩ đến thưởng Tết, 6 tháng đầu năm, một số phân khúc giao dịch tốt và có lợi nhuận, thị trường mảng đất đấu giá, chung cư, biệt thự đều có thanh khoản tốt. Nhưng chỉ trong vài tháng cuối năm, mọi diễn biến xấu đi chưa từng có, thị trường gần như đóng băng hoàn toàn. Nhà đầu tư hiện đang chịu tác động tâm lý và ngồi im, thậm chí ngay cả những người có nhu cầu mua nhà ở thật cũng không dám xuống tiền thời điểm hiện tại.
Còn theo chia sẻ của các doanh nghiệp, bao nhiêu lợi nhuận đầu năm gánh cho giữa năm và đến cuối năm doanh nghiệp "âm" và đang phải bù lỗ hàng tháng. Đến nay, tiền trả lương để duy trì số nhân viên còn lại cũng khó chứ chưa nghĩ đến việc thưởng tết. Nhân viên cũng phải thông cảm bởi đây là tình hình khó khăn chung.
Thời điểm nào thị trường BĐS sẽ phục hồi?
Cung vốn vào bất động sản cải thiện là động lực cho kênh đầu tư này sẽ khởi sắc. Trên cơ sở đánh giá tích cực về nguồn vốn tín dụng vào bất động sản, ông Nguyễn Anh Quê, CEO G6 Group đưa ra dự báo khả quan, bắt đầu từ quý I, II/2023 là tín hiệu tốt để bắt đầu phục hồi. Nhưng để thị trường bình ổn phải đợi tới quý I, II/2024.
Cơ sở để đưa ra nhận định này, thứ nhất, phải cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới mới bắt đầu hồi phục sau ảnh hưởng của Covid-19. Thứ hai, toàn bộ hệ thống luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản sẽ được ban hành, dự kiến tới cuối năm 2023 qua đó tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại cho thị trường.
Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực với thị trường bất động sản chính là dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Ngoài ra, ông Quê cho rằng tâm lý trên thị trường thông qua hoạt động truyền thông với thông tin tích cực cũng tác động khiến bất động sản dần ổn định trở lại. Mặc khác, các chính sách, thông tin về việc mở cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2023 sẽ tác động tích cực đến du lịch, theo dây chuyền sẽ tạo "động lực" cho ngành bất động sản cũng như các ngành nghề khác.
Vị chuyên gia cho biết thêm, thị trường hiện tại diễn biến không khốc liệt như giai đoạn 2011-2013. Trước đó, nhà đầu tư vay ngân hàng rất nhiều với tỷ lệ cao. Khi lãi suất tăng, nhà đầu tư gặp khó do lãi suất tăng mạnh, có thời điểm lên tới 25-17%. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ vay ngân hàng của các nhà đầu tư không quá lớn, có khả năng "gồng" được. Đó là những lý do khiến ông Quê có cái nhìn đầy lạc quan vào thị trường bất động sản.