Doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc để giải bài toán sống còn
BÀI LIÊN QUAN
Đòn bẩy tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản tăng gần 10 lầnDoanh nghiệp bất động sản trở lại đường đua, thị trường đang dần phục hồi? Doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu: Tránh “sa lầy” vào “vết xe đổ”Giải thể, giảm vốn công ty con
Theo Báo Đấu thầu, Công ty cổ phần Long Hậu đã lên kế hoạch cắt giảm một công ty con hoạt động không có hiệu quả. Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 20/4 tới đây, HĐQT doanh nghiệp sẽ trình cổ đông thông qua việc giải thể Công ty cổ phần Dịch vụ khu công nghiệp Long Hậu (LHCS), là công ty con do Long Hậu nắm giữ 88% vốn điều lệ.
Công ty cổ phần Dịch vụ khu công nghiệp Long Hậu được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, nhưng trong 5 năm trở lại đây không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Vào năm 2018, LHCS đã gửi văn bản đến UBND huyện Cần Giuộc (Long An) xin chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Thể thao Long Hậu tại Khu dân cư - tái định cư Long Hậu (37 ha). Nhưng do chưa đủ năng lực kinh nghiệm tham gia đấu thầu nên LHCS được cho là không phù hợp để thực hiện dự án.
Tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng đang xem xét tiếp tục thoái vốn tại mảng xây dựng, chuyển sang lĩnh vực điện, nước, giáo dục. Doanh nghiệp này cho biết tiếp tục thực hiện chủ trương tái cấu trúc một phần hoặc toàn vốn đầu tư tại các công ty yếu kém, hoạt động không hiệu quả hoặc các công ty không cần thiết phải nắm giữ quyền chi phối, tập trung nguồn lực phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong năm 2022, Vinaconex đã hoàn thành việc thoái một phần hoặc toàn bộ vốn góp tại một số công ty như Vinasinco, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc. Đồng thời, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Vinaconex ITC, hoàn thành việc đầu tư vốn đảm bảo tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) trong 3 tháng đầu năm đã hoàn tất việc giải thể 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng là Chi nhánh DIC Star Apart’Hotel Landmark Vũng Tàu và Công ty cổ phần Thủy cung DIG. Việc DIG Corp giải thể các công ty con trong bối cảnh doanh thu thuần của DIG trong cả năm 2022 chỉ đạt 1.900 tỷ đồng, giảm 26% và lợi nhuận sau thuế đạt 146 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) cũng mới thông qua nghị quyết của HĐQT về việc giải thể Công ty cổ phần Đầu tư Greenland Bắc Giang, với lý do thay đổi định hướng đầu tư của doanh nghiệp.
Thay đổi lĩnh vực đầu tư
Hiện nay, tái cấu trúc không còn là những lời hô hào hay xu hướng để thử nghiệm, đây chính là bài toán sống còn của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự chuyển biến khi các doanh nghiệp tiến hành tái thiết danh mục đầu tư.
Tại Long Hậu, việc giải thể công ty con hoạt động không hiệu quả, do đó doanh nghiệp này cũng hướng tới chuyển dịch trọng tâm kinh doanh và xúc tiến đầu tư một số ngành nghề khác trong bối cảnh đất công nghiệp thương phẩm của doanh nghiệp này đã cạn và nền kinh tế có nhiều biến động.
Trong năm 2023, Long Hậu xác định triển khai những giải pháp an toàn như chuyển hướng sự tập trung sang nhà xưởng xây sẵn có quy mô nhỏ trong thời gian ngắn để giảm rủi ro, thăm dò thị trường và chờ tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển dòng sản phẩm nhà xưởng xây sẵn, đẩy mạnh công tác truyền thông tập trung vào mô hình nhà xưởng xây sẵn có diện tích nhỏ.
Long Hậu cũng tập trung xúc tiến đầu tư một số ngành nghề ít bị ảnh hưởng hoặc có xu hướng phát triển tương ứng với nhóm dược phẩm, thực phẩm, logistics và đón nhận các doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh có thể dịch chuyển đầu tư. Mặc dù vậy, Long Hậu chưa có kế hoạch rõ ràng và chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực mới này.
Đối với nhóm doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở, trong khi có rất nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải tái cơ cấu để tồn tại thì cũng có những doanh nghiệp hưởng lợi từ tiến trình tự cân bằng của thị trường bất động sản khi hướng về sản phẩm có mức giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực.
Như tại Tập đoàn Hưng Thịnh, sau một thời gian im ắng, doanh nghiệp này đã quay trở lại với thị trường căn hộ có mức giá vừa túi tiền. Điều này được thể hiện rõ trong kế hoạch phát triển hướng tới phân khúc nhà giá trung cấp, bình dân.
Ngay đầu năm 2023, Hưng Thịnh Land ra mắt dự án 9X An Sương tại Khu đô thị Tây Bắc TP Hồ Chí Minh. Dự án này có gần 800 căn hộ với giá chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng/căn. Đến nay đã có gần 90% sản phẩm được tiêu thụ hết. Dự kiến trong thời gian tới, doanh nghiệp này hướng đến triển khai các dự án trong khoảng giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Nam Long Group cũng liên tục nhắc tới định hướng phát triển dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhà ở thực. Trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đã thực hiện phân loại sản phẩm có lực hấp thụ ngay thời điểm hiện tại để tập trung phát triển. Nam Long Group đang tạm dừng ra hàng một số sản phẩm có giá 15 - 30 tỷ đồng/căn do chưa phù hợp với thị trường thời điểm này.
Trong kế hoạch năm 2023 của Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco) dự kiến sẽ trình tại đại hội cổ đông sắp tới sẽ xem xét lựa chọn các dự án cẩn trọng, gối đầu theo kế hoạch ngắn, trung, dài hạn để có kế hoạch phân bổ tiền một cách phù hợp. Đồng thời, hướng tới phát triển các sản phẩm bất động sản đa dạng, đa tiện ích và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tại mỗi dự án, Công ty sẽ xem xét giữ lại một phần tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền ổn định và dài hạn như trường học, bệnh viện, shophouse, nhà xe... Đối với bất động sản du lịch, các sản phẩm Hodeco hướng tới là khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng, khu phức hợp.