Doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu: Tránh “sa lầy” vào “vết xe đổ”
BÀI LIÊN QUAN
Bản tin BĐS 10/3/2023: "Hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản: còn băn khoăn định giá"Chuyên gia: Khơi thông được trái phiếu, doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá nhà để củng cố dòng tiềnTrả nợ trái phiếu đáo hạn bằng tài sản khác: Cần thận trọng vấn đề pháp lýNhiều lô trái phiếu ngàn tỷ
Nghị định 08 của Chính phủ được ban hành vào 5/3 và được xem là rất đúng thời điểm. Bởi lúc này, rất nhiều lô trái phiếp đã và sắp đáo hạn. Áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp khi họ phải loay hoay tìm mọi cách để có thể thanh toán những lô trái phiếu đã đến hạn. Nếu không có nguồn tiền, rất nhiều khả năng các trái chủ sẽ căng răng rôn đỏ rực ở sảnh, trước sân công ty để đòi tiền.
Có thể nói, Nghị định 08 đã gỡ khó thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi, Nghị định cho phép doanh nghiệp phát hành và trái chủ thỏa thuận gia hạn thêm hai năm, chuyển đổi trái phiếu sang bất động sản... Một giám đốc doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu và đang có lô trái phiếu đến hạn nói rằng, Nghị định 08 giống như việc họ được “tái sinh”. Bởi dù sao cũng chưa thể mua lại được trái phiếu thời điểm này nhưng có Nghị định trên, họ có cơ sở để thương lượng và thuyết phục các trái chủ đứng lại bên mình lúc khó khăn. Và có lẽ, nhiều doanh nghiệp đã thành công khi đưa ra được kế hoạch phát triển, minh bạch tài chính giúp các trái chủ tin tưởng rằng mình sẽ nhận lại được toàn bộ số tiền cả gốc và lãi trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, cũng vì Nghị định 08 mà trên thị trường bất động sản bùng nổ các doanh nghiệp phát hành nhiều lô trái phiếu mới.
Mới đây, ngày 13/3, thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living vừa phát hành thành công lô trái phiếu với tổng giá trị 4.800 tỉ đồng. Được biết, lô trái phiếu khá lớn này có mức lãi suất 9%/năm. Kỳ hạn 5 năm, lãu suất có cố định kết hợp thả nổi. Đơn vị tổ chức lưu ký là Công ty Cổ phần Chứng khoán Techcombank. Về doanh nghiệp này, trước đây chuyên bán đồ gia dụng, nội thất tuy nhiên sau đó chuyển sang mảng bất động sản.
Tương tự như Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living, một doanh nghiệp cũng chưa mấy tên tuổi là Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh Doanh Nam An đã hoàn tất việc chào bán 4.700 tỉ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu này được chào bán lãi suất 13%/năm, cao hơn hẳn so với Công ty Luxury Living. Kỳ hạn chỉ 18 tháng, lãi suất được kết hợp giữa cố định và thả nổi. Ông chủ của doanh nghiệp này chính là ông Hoàng Quốc Thủy, người sáng lập Technocom. Mặc dù ông chủ công ty khá nổi nhưng “tiếng tăm” doanh nghiệp vừa phát hành trái phiếu thì ít người biết đến.
Trước đó, Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas đã phát hành thành công lô trái phiếu có tổng trị giá 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi suất mà doanh nghiệp này đưa ra rất “kiêm tốn” 6%/năm.
Vào ngày 10/2, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim thông báo phát hành lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng thành công. Lô trái phiếu này mang tên SLICH2325001 có mệnh giá 100.000 đồng do Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế làm tổ chức lưu ký. Lãi suất của lô trái phiếu này khá cao 13,5%./năm. Trong khi đó, riêng tháng 1/2023 chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực BĐS, xây dựng phát hành trái phiếu thành công đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ. Cụ thể, lô trái phiếu riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng và lãi suất danh nghĩa 10,5%/năm cho kỳ hạn 5 năm. Trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phần hoặc đáo hạn và cuối kỳ ở năm thứ 5 và không có tài sản đảm bảo.
Cần “khám” sức khỏe doanh nghiệp trước khi xuống tiền
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, việc trái phiếu bất động sản bùng nổ cũng là vấn đề đáng lo ngại. Sở dĩ các lô trái phiếu bất động sản phát hành thành công tỷ lệ cao là do người dân luôn nhìn vào mức lãi suất của nhà phát hành đưa ra. Vấn đề sức khỏe doanh nghiệp chưa được các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi khi mua trái phiếu doanh nghiệp, sức khỏe doanh nghiệp phát hành mới là điều phải quan tâm đầu tiên.
Chuyên gia kinh tế Trần Minh Thanh cho rằng, điều đầu tiên khi nhà đầu tư xem xét mua trái phiếu doanh nghiệp cần phải nắm được mình đang mua của ai, đơn vị đó làm ăn ra sao và đơn vị nào đứng ra phát hành. Bởi bởi theo quy định, doanh nghiệp không được phép trực tiếp phát hành trái phiếu đến tay nhà đầu tư. Các lô trái phiếu đều do một công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ phát hành.
“Tôi đã từng lên tiếng rất nhiều lần về vấn đề này. Các nhà đầu tư nên mua trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, có uy tín được phát hành vởi các doanh nghiệp lớn tương xứng. Các doanh nghiệp này có uy tín và lịch sử phát hành thành công nhiều lô trái phiếu lớn khác. Thực tế cho thấy, nhiều người ham lãi suất cao mà quên đi thương hiệu phát hành trái phiếu mà mình mua là ai. Đến khi vỡ lẽ ra thì đã mua rồi, không thể trả lại được khi chưa đến thời hạn”, Chuyên gia Trần Minh Thanh nói.
Cũng theo vị này, vẫn biết đầu tư sẽ có rủi ro vấn đề là rủi ro ít hay nhiều. Tuy nhiên, cần cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro khi xác định mua lô trái phiếu đó. Kinh nghiệm là các nhà đầu tư có thể bỏ qua những trái phiếu được chào lãi suất cao, nhưng tổ chức chào bán không cung cấp thông tin trái phiếu đầy đủ.
Cùng quam điểm, Chủ tịch Winhomes, Vũ Trường Thắng cũng cho biết, Bộ Tài chính đã khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Vì thế, việc lựa chọn doanh nghiệp phát hành là điều rất quan trọng. Đừng ham lãi suất lớn. Bởi “miếng mồi ngon” thường đi kèm với cạm bẫy. Đã có nhiều bài học nhà đầu tư đọng tiền, giam vốn vì ham lãi suất cao.
“Chúng ta đã có quá nhiều bài học từ việc mua trái phiếu doanh nghiệp rồi. Đừng để sa lầy vào vết xe đổ nữa. Hãy là nhà đầu tư thông thái, có kiến thức, không mua kiểu theo trào lưu như chơi chứng khoán khi thấy nhiều người đổ xô vào”, ông Thắng nói.