meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Doanh nghiệp bất động sản phải nhanh chóng tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm

Thứ bảy, 04/03/2023-07:03
Để giải quyết tình thế trước mắt, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp bất động sản phải nhanh chóng bắt tay vào hành động, thông qua việc tiếp tục tiến hành tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản phẩm.

Tổn thất lớn cho nền kinh tế

Sau hai tháng đầu năm, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khiến nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ và đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ khoảng 500, giảm hơn 62% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 235, tăng khoảng 20% so với hai tháng đầu năm 2022. Tương tự, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động khoảng 600, giảm 19% so với cùng kỳ.


Thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2022 là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý, thậm chí phải tinh giản tối đa bộ máy, tạm dừng hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Bày tỏ sự lo ngại khi số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều đến các thị trường, ông Nguyễn Văn Đính (Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam) dẫn giải: Đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản vào GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách. Trong đó, ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.


Ông Nguyễn Văn Đính (Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam).
Ông Nguyễn Văn Đính (Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam).

“Điều này cho thấy, thị trường bất động sản phát triển không chỉ làm giàu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà còn đóng góp rất lớn đến sự phát triển chung của cả nước. Do đó, nếu để tình trạng các doanh nghiệp rời bỏ thị trường ngày càng nhiều sẽ tổn thất rất lớn cho nền kinh tế”,  ông Nguyễn Văn Đính nói và kiến nghị cần có các giải pháp mang tính tình thế để gỡ khó cho thị trường địa ốc ngay và luôn. 

Doanh nghiệp bất động sản cần… hành động

Trong khi đó, nhìn vào những con số nêu trên, ông Nguyễn Quốc Bảo (Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản TP HCM) đánh giá, thị trường địa ốc đang có sự thanh lọc mạnh mẽ.

Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản TP HCM cho rằng điều này là cần thiết sau nhiều năm lĩnh vực này phát triển nóng, thiếu sự cân bằng, mất kiểm soát. 

“Tuy nhiên mọi sự điều chỉnh, thanh lọc đều phải có chừng mực và biết dừng đúng thời điểm, nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược. Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản luôn có vai trò đóng góp hàng đầu trong sự phát triển của nền kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.


Ông Nguyễn Quốc Bảo (Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản TP HCM).
Ông Nguyễn Quốc Bảo (Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản TP HCM).

Ở góc độ chuyên gia, ông Đào Phúc Tường (chuyên gia tài chính) cho rằng, để giải quyết tình thế trước mắt, chính các doanh nghiệp bất động sản phải nhanh chóng bắt tay vào hành động, thông qua việc tiếp tục tiến hành tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản phẩm. Đồng thời phải có chính sách bán hàng hợp lý, linh hoạt để kích thích nhà đầu tư quay lại thị trường. Bởi hiện nay các nhà đầu tư khá thận trọng và vẫn trong tâm thế “quan sát thị trường”.

“Về mặt logic thì không thể chờ mong giá bất động sản giảm mới có thể kích thích được thị trường, vì nhiều dự án có vấn đề pháp lý, có giảm giá thì công ty cũng chẳng bán được. Vấn đề hiện nay là tháo gỡ về pháp lý, chẳng hạn 70% giá tị tài sản đảm bảo của doanh nghiệp là bất động sản, nếu bây giờ giảm giá bán sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản đảm bảo của các công ty đó ở ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, các công ty còn không mà bổ sung là câu chuyện hóc búa”, vị chuyên gia lo ngại.

Theo ông Đào Phúc Tường, muốn tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, ngay từ bây giờ, phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng của dự thảo các văn bản luật sửa đổi, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).


Chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường.
Chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi một số điều của các luật có liên quan khác, bởi vì trong khi một số luật chưa được sửa đổi thì việc kết hợp sửa một số điều của các luật này sẽ đảm bảo pháp luật được đồng bộ, thống nhất.

“Đặc biệt, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản là vấn đề cần được quan tâm, Nhà nước cần có quy định cho phép doanh nghiệp mở rộng việc tiếp cận nguồn vốn. Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần gia hạn trong phạm vi từ 12 - 24 tháng đối với các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn để không bị chuyển qua nhóm nợ xấu nhóm 4 (nợ xấu không thu hồi được). Nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp cùng đồng hành, hợp tác thì những vướng mắc lớn trên sẽ được giải quyết. Từ đó ổn định tâm lý thị trường, kích cầu mua bán”, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường bày tỏ.

Giới nghiên cứu kinh tế đã gọi những khủng hoảng của thị trường bất động sản là sự sàng lọc tự nhiên đau đớn, nhưng cần thiết. Bởi nó buộc các doanh nghiệp, người kinh doanh bất động sản phải liên tục tái cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh để đáp ứng sự vận động của thị trường.

Việc nhiều doanh nghiệp chủ động rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh này cũng là phù hợp để họ chuyển sang khởi nghiệp ở lĩnh vực khác tiềm năng hơn. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Nguyên Hằng
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Hà Nội: Vì sao 150 hộ dân tại chung cư The Golden An Khánh chưa được cấp sổ hồng?

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà Đông

Khu vực sẽ được đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng xây dựng dự án công viên lớn thứ 2 Hà Nội: Gấp đôi công viên Thống Nhất, gấp 5 công viên Hòa Bình

Hà Nội quy định chung cư thương mại 70-100 m2 chỉ 3 người ở

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực từ 1/8

Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo

Tin mới cập nhật

Vợ chồng 9X chi 30 tỷ xây biệt thự hiện đại kết hợp phong cách nội thất Japandi

22 giờ trước

Từng chỉ sống với 72 nghìn mỗi ngày, làm việc 100 giờ/tuần với 3 công việc: Nhiều năm sau "lội ngược dòng" thành doanh nhân thành đạt, nắm giữ khối tài sản tỷ đô

22 giờ trước

Thêm giải pháp duy trì nguồn cung nhà bình dân

22 giờ trước

Người dân sẽ được giao đất mà không phải qua đấu giá

22 giờ trước

Cô Mười Garden Villa: Sự giao thoa của hơi thở hiện đại và dáng dấp kiến trúc nông thôn vùng Tây Nam Bộ

1 ngày trước