Diễn biến cổ phiếu cùng chiều kinh doanh, Vicostone bị soán ngôi quán quân vốn hóa trên HNX
BÀI LIÊN QUAN
BCG Land chốt ngày lên UpCoM trong tháng 12, giá chào sàn 12.000 đồng/cổ phiếuCổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tràn ngập sắc xanh trong phiên sáng cuối cùng của tháng 11Cổ phiếu ‘đại gia’ dầu khí tăng bốc đầu, sát đỉnh lịch sử sau loạt thông tin tích cựcVicostone (mã chứng khoán: VCS) từng là doanh nghiệp lớn nhất trên sàn HNX. Tuy nhiên, công ty trong những năm gần đây đang dần đánh mất đi vị thế của mình. Thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh lớn nhất Việt Nam chỉ chưa đến 10.000 tỷ đồng, tương đương 50% so với mức đỉnh, mất đi ‘ngôi vương’ vốn hóa trên HNX.
Thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu đá thạch anh lớn nhất Việt Nam chỉ chưa đến 10.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Dễ dàng thấy được, diễn biến cổ phiếu VCS tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh. Năm 2021, Vicostone ghi nhận tăng trưởng đột phá với doanh thu và lợi nhuận ở mức kỷ lục. Đồng thời, cổ phiếu trong năm này cũng lập đỉnh lịch sử mới.
Đến năm 2022, Vicostone lần đầu tiên đứt mạch tăng trưởng sau một thập kỷ. Doanh thu thuần năm 2022 của công ty đã giảm 20% so với năm liền trước, ghi nhận ở mức 5.660 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế cũng giảm 34%, đạt 1.377 tỷ đồng. Phía Vicostone cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2022 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng loạt yếu tố vĩ mô như: Lạm phát, bất ổn chính trị, chính sách tiền tệ trên thế giới bị thắt chặt; ngoài ra còn có nhiều tác động trực diện đến các thị trường kinh doanh chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu. Doanh số bán lẻ giảm sút, thị trường bất động sản suy yếu cộng thêm áp lực lãi suất tăng cao, nhiều dự án xây sửa nhà giảm mạnh khiến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của Vicostone gặp nhiều khó khăn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Vicostone đạt 3.200 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước khi giảm 28% |
Chưa dừng lại ở đó, kết quả kinh doanh của công ty còn chịu áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ cùng ngành. Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của công ty Freedonia (Mỹ) cho thấy, nhu cầu thị trường đá nhân tạo toàn cầu cho lĩnh vực countertop trong giai đoạn 2019 - 2024 sẽ tăng trưởng trung bình CAGR 4,8%, sau đó đạt 75,2 triệu m2 vào năm 2024. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nguồn cung các sản phẩm đá nhân tạo ở những thị trường lớn trên thế giới đang gia tăng mạnh mẽ, thậm chí vượt quá mức tăng trưởng của nhu cầu. Điều này cũng tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các nhà sản xuất đá thạch anh để tranh giành thị phần.
Trong năm nay, Vicostone đã lên kế hoạch kinh doanh dựa theo 2 kịch bản. Với kịch bản thứ nhất, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến là 5.891 tỷ đồng và 1.325 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kịch bản thứ hai, Vicostone dự kiến doanh thu ở mức 4.713 tỷ đồng và 1.060 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong bối cảnh các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội tác động không thuận lợi, nằm ngoài những dự tính của công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Vicostone đạt 3.200 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước khi giảm 28%. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 718 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Với những kết quả này, Vicostone mới chỉ thực hiện được 68% chỉ tiêu kinh doanh đề ra cho cả năm với kịch bản thứ hai.
Triển vọng tích cực hơn từ năm 2024
Tại Việt Nam, Vicostone là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh tại khu vực châu Á, năng lực sản xuất lên đến khoảng 1,6 triệu tấn đá nhân tạo/năm. Chiếm đến 60% - 70% nguồn thu chủ yếu của Vicostone đến từ việc xuất khẩu đá, hệ thống đối tác rộng khắp với hơn 10.000 cửa hàng và đại lý tại 50 quốc gia trên toàn thế giới. Thị trường chính của công ty là khu vực Bắc Mỹ, tỷ trọng xuất khẩu đến khu vực này chiếm đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu của Vicostone.
Tuy nhiên, trong năm 2022 động lực này của Vicostone đã suy giảm rõ rệt. Doanh thu xuất khẩu của công ty đã giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 3.500 tỷ đồng và là mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của Vicostone mới đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm hơn 18% |
Nửa đầu năm 2023, tình hình trên cũng chưa được cải thiện. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của Vicostone mới đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm hơn 18%.
Đáng chú ý, sự cạnh tranh gay gắt từ phía Trung Quốc cùng các nhà sản xuất mới khiến cho thị phần xuất khẩu đá sang Mỹ của công ty giảm mạnh. Năm 2021, thị phần xuất khẩu đá của Vicostone sang Mỹ đạt 50%, nhưng đến năm nay chỉ còn khoảng 23%. Liên quan đến vấn đề này, Chứng khoán DSC nhận định xu hướng trên vẫn còn tiếp tục nếu Vicostone không thể cải tiến nhằm đạt được sự đột phá trong sản phẩm/định vị thương hiệu hoặc tìm ra cách thức cắt giảm chi phí để có thể cạnh tranh giá với các đối thủ.
Mặt khác, Chứng khoán DSC cũng chỉ ra tín hiệu tích cực trong bối cảnh người dân Mỹ hiện đã có được sự thích ứng nhất định khi lãi suất neo cao. So với giai đoạn đỉnh điểm 2020 - 2021, doanh số bán hàng của Mỹ chưa thể so bằng, nhưng hiện đã trở về mức tương đương so với giai đoạn năm 2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, sản lượng đá Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc dự phóng lãi suất điều hành Mỹ đã đạt đỉnh, có thể bắt đầu giảm xuống sau nửa đầu năm 2024, DSC đánh giá ngành đá Việt Nam nói chung và Vicostone nói riêng sẽ có triển vọng tích cực hơn trong năm tới.