Điểm trái ngược giữa chiến lược của WinCommerce và Bách Hóa Xanh trong năm nay: Bên liên tục mở mới, bên tạm dừng mở rộng để tái cấu trúc
BÀI LIÊN QUAN
Bách Hóa Xanh chưa dừng lại cuộc "thanh lọc": Dự kiến có 150-250 cửa hàng nữa bị "xóa sổ"Thế Giới Di Động vẫn tính đóng thêm hàng trăm cửa hàng Bách Hoá Xanh, hụt hơi trước ngưỡng doanh thu 30.000 tỷ đồngLý do khiến WinMart và WinMart+ đạt điểm hòa vốn - điều mà Bách Hóa Xanh chưa thể thực hiện?Thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua đã và đang chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa nhiều "ông lớn"; trong đó có Masan Group (HoSE: MSN) với chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+ và Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Thực tế cho thấy, các chuỗi bán lẻ trên thị trường Việt Nam hiện nay như WinMart, WinMart+ hay Bách Hóa Xanh đều đang chật vật để đạt đến điểm hòa vốn và tiến tới có lãi. Sau thời gian dài tái cấu trúc, các chuỗi đều có xu hướng quay trở lại việc mở thêm cửa hàng để tăng độ phủ sóng, gia tăng doanh số và thị phần, đồng thời tiết giảm chi phí của mỗi cửa hàng, tiến tới mục tiêu có lợi nhuận.
WinCommerce liên tục khai trương chuỗi siêu thị mới từ đầu năm nay
Tại thời điểm mới lấn sân sang mảng bán lẻ vào cuối năm 2019, Tập đoàn Masan nhận định đây là lĩnh vực vô cùng hấp dẫn khi thị trường vẫn còn khá phân mảnh và hoạt động không hiệu quả. Điều đáng nói, thị trường bán lẻ bị phân mảnh là do kênh thương mại truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán lẻ nhu yếu phẩm. Chưa kể, Masan cũng tin rằng ở Việt Nam đang diễn ra một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại, dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới khi tốc độ đô thị hóa đạt mốc 50% cùng với tầng lớp trung lưu sẽ thực sự xuất hiện. Dự kiến trong tương lai gần, các hình thức mua sắm hiện đại có thể chiếm tới 30% thị trường bán lẻ trong tương lai. Đến ngày nay, Masan vẫn giữ nguyên quan điểm và nhận định như những ngày đầu.
Thời điểm hiện tại, WinCommerce (WCM) chính là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Masan đang sở hữu chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+. Đơn vị này đặt mục tiêu khai trương 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm nay để mở rộng mạng lưới bán lẻ. Trong số này, có tới hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền. Đồng thời, WinCommerce cũng sẽ ra mắt cửa hàng đa tiện ích trong chiến lược Point of Life trong quý 3 năm nay. Những cửa hàng mới này được tích hợp đa dạng sản phẩm và dịch vụ, tạo nền tảng vững vàng để ghi nhận những tăng trưởng sau này.
Kể từ đầu năm cho tới nay, WCM đã tiếp tục công cuộc mở rộng quy mô khi khai trương tổng cộng 5 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 còn WinMart+ là 2.873 điểm bán trên phạm vi cả nước. Xét về mục tiêu dài hạn, Masan còn đặt mục tiêu mở mới 30.000 cửa hàng mini mall trên toàn quốc cho đến năm 2025. Trong số đó, có khoảng 10.000 điểm bán offline cùng với 20.000 điểm bán nhượng quyền. Mục tiêu của “ông lớn” này là phục vụ từ 30 đến 50 triệu khách hàng, vươn tới độ phủ địa lý 50% thị phần và biên EBIT (lợi nhuận trước lãi và thuế) 10%. Được biết, mô hình mini mall này sẽ được tích hợp cả những dịch vụ và sản phẩm để phục vụ cho các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm (lifestyle) tại một điểm bán WinMart+ duy nhất.
Mới đây, WCM đã công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu của đơn vị đạt 14.305 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lãi vay và khấu hao (EBITDA) là 315 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 5,7%. Tính riêng trong quý 2 năm nay, doanh thu của WCM đã giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ trong khi biên EBITDA cũng giảm xuống còn 2,2%.
Tính riêng chuỗi siêu thị WinMart+, doanh thu trong kỳ này là 9.528 tỷ đồng, đi ngang so với mức nền cao của cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong nửa đầu năm nay, doanh thu của WinMart+ đã ghi nhận mức tăng 5,3%. Nếu tính riêng trong quý 2, mức tăng sẽ là 6,7%.
Đối với chuỗi cửa hàng WinMart, trong 6 tháng đầu năm doanh thu được ghi nhận đã giảm 3,4% so với cùng kỳ và đạt 4.708 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu của các siêu thị cũ đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 4.515 tỷ đồng trong khi doanh thu của các siêu thị được mở mới từ năm 2021 đến nay là 193 tỷ đồng.
Bách Hóa Xanh ngừng mở rộng để tái cấu trúc
Ngược lại với chiến lược của WCM, trong năm nay chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh đang tạm ngừng mở mới cửa hàng, đóng hàng loạt các điểm bán không hiệu quả trong thời gian gần đây. Tính đến thời điểm ngày 2/8, số cửa hàng thuộc Đầu tư Thế Giới Di Động đang là 1.749 tỷ đồng, tức là đã giảm khoảng 391 cửa hàng kể từ tháng 4 năm nay. Cũng theo ông lớn Thế Giới Di Động, các cửa hàng này sẽ được rà soát theo nhóm, dự kiến đến cuối quý 3 năm nay sẽ còn khoảng 1.700 - 1.800 cửa hàng được vận hành.
Theo Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài, chiến lược của Bách Hóa Xanh trong năm nay là tạm ngưng mở mới để tập trung cải thiện quản trị và tăng trải nghiệm khách hàng, tăng chất lượng dịch vụ để thu hút người dùng, đồng thời tối ưu nền tảng quản trị backend bằng hệ thống tự động. Đây được coi là một bước lùi quan trọng để MWG chuẩn bị cho chiến lược mở rộng thần tốc chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh ra phạm vi toàn quốc kể từ năm sau.
Có thể thấy, chiến lược mà MWG áp dụng cho chuỗi Bách Hóa Xanh tương đương với chiến lược tái cơ cấu của WCM vào năm 2020. Khi mới tiếp nhận WCM, ông lớn Masan đã phải gánh thêm khoản lỗ lên tới 100 triệu USD trong khi kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ còn chưa có. Điều này khiến lợi nhuận của Masan tụt dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm trước đó.
Thời điểm đó, Masan quyết định hi sinh thị phần trong bối cảnh lợi nhuận giảm để có thể hòa vốn trong vòng một năm. Ngay trong năm đầu tiên nắm giữ WCM, Masan Group đã cho đóng cửa hơn 700 siêu thị mini WinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để gia tăng hiệu quả quy trình logistics cũng như luân chuyển hàng hóa, đồng thời tiến hành tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.
Tương tự như thế, kể từ đầu tháng 4 năm nay, Bách Hóa Xanh đã triển khai trên diện rộng việc thay đổi layout cửa hàng trở nên tiện lợi và thân thiện hơn. Tính đến hết tháng 6 năm nay, đã có gần 1.500 cửa hàng Bách Hóa Xanh đã hoàn tất layout. MWG dự kiến sẽ cơ bản hoàn tất tự động hóa nền tảng backend trong quý 4 năm nay, bao gồm cả việc tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng loại cửa hàng, dự báo mua hàng, tinh gọn quy trình vận hành, cảnh báo và kiểm soát thất thoát, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Tính đến tháng 7, doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thiện việc thay layout cho toàn bộ cửa hàng hiện hữu, doanh thu bình quân hàng tháng của các cửa hàng là 1,2 tỷ đồng.
Trước đó, theo như báo cáo tài chính của MWG, sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, chuỗi Bách Hóa Xanh đã đóng góp 12.800 tỷ đồng, tương đương với 18,1% tỷ trọng trong tổng doanh thu của công ty. So với cùng kỳ năm trước, con số này đã giảm nhẹ 4%. Nếu tính riêng trong quý 2, doanh số của chuỗi Bách Hóa xanh đã tăng 12% so với quý liền trước nhưng lại giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm trước, chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động ghi nhận mức lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mức vốn chủ sở hữu là 7.852 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp là 12.801 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù hoạt động kinh doanh của chuỗi bị gián đoạn trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 cho đến nay do các cửa hàng được nâng cấp và đóng các điểm bán không hiệu quả nhưng số lượng khách, số lượng hàng hóa bán ra và doanh thu vẫn liên tục tăng qua các tháng.