ĐHĐCĐ EVNGENCO3 năm 2022: Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 13% trong quý III
BÀI LIÊN QUAN
ĐHĐCĐ NT2 năm 2022: Mục tiêu doanh thu tăng 31%, kỳ vọng tỷ lệ cổ tức 2022 đạt 18-20%ĐHĐCĐ Dh Foods 2022: Kỳ vọng IPO khi doanh thu vượt mốc 1.000 tỷĐHĐCĐ Vilico (VLC) năm 2022: Lên kế hoạch chuyển sàn HoSE, thực hiện dự án khủng gần 3.000 tỷ đồngSáng ngày 14/6 tại TP.HCM, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3 - MCK: PGV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tham dự Đại hội năm nay có đại diện Lãnh đạo Hội đồng thành viên (HĐTV EVN), các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư cùng với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tham gia đại hội còn có Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban lãnh đạo EVNGENCO3, Ban Kiểm soát, lãnh đạo các Ban, các đơn vị thành viên của Tổng Công ty và 54 cổ đông được ủy quyền đại diện cho 1.115.428.656 cổ phần, con số này tương đương 99,3% trên tổng số cổ phần của EVNGENCO3.
Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 13% ngay trong quý 3 năm nay
Trong Đại hội, ông Lê Văn Danh - Tổng giám đốc EVNGENCO3 cho biết, năm 2021 là năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã khiến GDP xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi các năm trước tăng phụ tải trên mức 10% thì năm 2021, tăng phụ tải Việt Nam chỉ đạt mức 3,91%.
Cũng trong năm 2021, doanh thu của EVNGENCO3 là 37.757 tỷ đồng, so với năm trước đã giảm 6%. Trong khi đó, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3.141 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước đó. Với kết quả ấn tượng này, HĐQT đã đề xuất chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 13%. Mức chia cổ tức này sẽ tương đương với mức thanh toán 1.461 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức chia này cao hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu đề ra là mức tối thiểu 7%. Được biến, thời điểm chi trả sẽ ngay trong quý 3 năm nay.
Đặc biệt, EVNGENCO3 trong thời gian qua cũng đã cải thiện được đòn bẩy tài chính cho mình. Cụ thể, Tổng công ty Phát điện 3 đã chi trả được 5.223 tỷ đồng tiền nợ trong năm trước. Năm nay, EVNGENCO3 tiếp tục đặt mục tiêu trả tiếp 4.851 tỷ đồng. Đến hết quý đầu năm, hệ số nợ của doanh nghiệp là 3,15 lần, EVNGENCO3 phấn đấu đến cuối năm giảm xuống dưới 3 lần.
Năm 2022, theo lãnh đạo EVNGENCO3 nhận xét, thời tiết vẫn đang diễn biến vô cùng thất thường. Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đến tháng 6, bên cạnh đó năng lượng tái tạo có sự tăng trưởng cùng chi phí giá nhiên liệu tăng cao trong khi lãi suất và tỷ giá cũng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Tổng công ty cũng có nhiều thuận lợi, từ thủy văn cho đến nguồn cung cấp khí đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện của Phú Mỹ.
Vì thế, HĐQT trình kế hoạch sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ là 28,5 tỷ kWh, so với thực hiện năm 2021 tăng 10%. Trong đó, đóng góp lớn nhất là các nhà máy điện Phú Mỹ, Vĩnh Tân, Mông Dương. Tổng doanh thu của công ty mẹ là 45.417 tỷ đồng, so với năm trước tăng 23%; lợi nhuận trước thuế là 2.218 tỷ đồng, giảm 40% so với thực hiện năm 2021. Ngoài ra, tỷ lệ cổ tức không thấp hơn 11% bằng tiền mặt.
Đầu tư xây dựng, góp vốn năm 2022 gần 5.970 tỷ đồng
Cũng trong Đại hội này, ban lãnh đạo EVNGENCO3 đã trình cổ đông kế hoạch đầu tư, xây dựng cũng như góp vốn năm 2022. Tổng giá trị cho việc này lên tới gần 5.970 tỷ đồng. Trong đó, có tới 4.851 tỷ đồng trả nợ vay, 918,6 tỷ đồng để đầu tư thuần và gần 200 tỷ đồng đầu tư qua hình thức góp vốn.
Để được chọn làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm điện lực Long Sơn - giai đoạn 1 (1.500MW) cũng như triển khai thủ tục góp vốn để đầu tư xây dựng theo quy định, EVNGENCO3 sẽ nỗ lực phối hợp cùng với các đối tác trong Tổ hợp để có thể thúc đẩy công tác phát triển dự án.
Ông Mai Quốc Hội - Thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, thông qua báo cáo có thể khẳng định được, từ kết quả sản xuất trong năm 2021 cùng với bối cảnh kinh tế như hiện nay, mọi người có thể kỳ vọng vào những mục tiêu mà EVNGENCO3 đặt ra.
“Tôi rất hoan nghênh những nỗ lực của lãnh đạo, ban điều hành và của tập thể cán bộ nhân viên EVNGENCO3. Có thể nói, EVNGENCO3 là đơn vị có tỷ suất lợi nhuận cao nhất.
Tôi đề nghị lãnh đạo Tổng công ty chỉ đạo, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội cổ đông đặt ra, thực hiện những chỉ đạo mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo. Đồng thời, thực hiện các kiến nghị của cổ đông để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra”, ông nhấn mạnh.
Cũng tại đại hội đã biểu quyết thống nhất đạt 100% đồng ý với các dự thảo, báo cáo, kế hoạch cũng như phương hướng mà HĐQT đề ra. Cụ thể, có đến 54 đại biểu tán thành, lượng đại biểu này đại diện cho hơn 1,1 tỷ cổ phần của EVNGENCO3.
Ngoài ra, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua việc thôi tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 đối với ông Trương Quốc Phúc do nghỉ chế độ hưu trí từ ngày 1/5 năm nay. Cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ 2018 - 2023, số lượng thành viên HĐQT sẽ vẫn giữ nguyên là 4 người.
Thời điểm hiện tại, EVNGENCO3 là doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước về tổng công suất sản xuất điện, chỉ sau công ty mẹ là EVN. Bên cạnh đó, EVNGENCO3 cũng nằm trong top 40 cổ phiếu có vốn hóa thị trường trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất điện điện trên sàn.
Năm 2018, sau khi thực hiện cổ phần hóa, EVN vẫn đang nắm giữ 99,19% cổ phần tại EVNGENCO3. Tại ĐHĐCĐ năm nay, hầu hết các đại điện từ các công ty chứng khoán đều bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch thoái vốn tại PGV của EVN với kỳ vọng tăng cơ hội đầu tư và thanh khoản đối cổ phiếu PGV.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Đạt Khoa - Trưởng Ban Quản lý Đầu tư vốn EVN cho biết, EVN có kế hoạch thoái vốn tại EVNGENCO3. Đồng thời, tập đoàn đã đăng ký giảm sở hữu tại Genco3 trong giai đoạn 2021-2025. Theo quy định của Chính phủ, EVN muốn thoái vốn thì phải quyết toán xong phần vốn nhà nước sau cổ phần hóa. Ông Khoa cũng cho biết, quá trình quyết toán phần vốn nhà nước có thể thực hiện xong vào cuối năm 2022, đến năm 2023 dự kiến có thể thoái vốn. Theo đó, EVN sẽ nắm giữ 51% cổ phần tại Genco3 đến 2025.
Bên cạnh đó, EVNGENCO3 cũng có chủ trương thoái vốn tại nhiều công ty, điển hình như Vĩnh Sơn Sông Hinh và NT2. Liên quan đến vấn đề này, Tổng Giám đốc Lê Văn Danh chia sẻ, EVNGENCO3 từng có chủ trương thoái vốn tại các công ty sở hữu dưới 5%, những công ty hoạt động không hiệu quả. Thế nhưng thời điểm hiện tại đã có nhiều thay đổi.
Được biết, nhà máy Thuỷ điện Thượng Kon Tum của Công ty Cổ phần Thủy Vĩnh Sơn Sông Hinh (Mã chứng khoán: VSH) đã đưa vào hoạt động 2 tổ máy vào cuối năm ngoái. Dù mới hoạt động nửa năm, 2 tổ máy này đã đóng góp khá lớn vào hiệu quả hoạt động của công ty. Trong quý đầu năm nay, doanh thu cùng lợi nhuận của Vĩnh Sơn Sông Hinh đều tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu là 808 tỷ đồng, lãi sau thuế 404 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Genco3 đang sở hữu 30,55% cổ phần tại VSH. EVNGENCO3 chỉ sở hữu hơn 2% cổ phần tại NT2 nhưng tỷ lệ cổ tức cao. Chính vì thế, doanh nghiệp đã dừng kế hoạch thoái vốn tại hai công ty này.