Đề xuất đổi tên tỉnh Thừa Thiên Huế khi lên thành phố trực thuộc Trung ương
BÀI LIÊN QUAN
Thừa Thiên Huế đang phát triển ra sao trước ngưỡng cửa lên thành phố trực thuộc Trung ương?Thừa Thiên Huế giảm 30% tiền thuê đất hỗ trợ người dân phục hồi kinh tế Tin tức quy hoạch thành phố Huế mới nhất và bản đồ chi tiếtTP Huế chia làm đôi
Theo baovanhoa.vn, ngày 29/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mô hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc trung ương. Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế đã đưa ra hai phương án thành lập các đơn vị hành chính trong quá trình quy hoạch tỉnh lên thành phố trực thuộc trung ương.
Phương án một là mô hình 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Theo đó, TP Huế sẽ chia làm 2 quận, thị xã Hương Thủy sẽ nâng lên thành quận và thành lập thêm thị xã Phong Điền trên cơ sở hiện trạng của huyện Phong Điền. 4 huyện gồm Quảng Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Vang sáp nhập với Phú Lộc.
Phương án hai là mô hình 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. TP Huế chia thành 2 quận; 3 thị xã là Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền; 4 huyện gồm Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang và Nam Đông sáp nhập với Phú Lộc.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, quận phía Nam là quận trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Trong khi đó khu vực này còn nhiều quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị và tập trung nhiều trụ sở các cơ quan hành chính quan trọng của thành phố. Tại quận phía Bắc sông Hương tập trung các di tích, di sản, nhà vườn… nên quy hoạch định hướng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn. Tại quận Hương Thủy sẽ được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế.
Sở Xây dựng tỉnh cho biết dự kiến địa phương đạt 80,05/100 điểm theo 5 tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của UBTV Quốc hội về phân loại đô thị. Những tiêu chuẩn Thừa Thiên Huế chưa đạt và cần phấn đấu từng bước hoàn thiện như thu nhập bình quân đầu người so với trung bình cả nước; mật độ đường giao thông; mật độ đường cống thoát nước chính; tỉ lệ đất giao thông so với đất xây dựng; diện tích đất giao thông bình quân đầu người; tỉ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; công trình xanh,…
Năm 2022, thu ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 12.781 tỷ đồng, vượt 86,3% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Đề xuất đổi tên
Tại hội thảo, Sở Nội vụ đề xuất lấy tên thành phố Huế hoặc thành phố Thừa Thiên Huế khi tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các quận trong tương lai lựa chọn trong các cặp tên Phú Xuân - Thuận Hóa, Hương Giang - Ngự Bình, Phú Xuân - Thừa Thiên.
Với đề xuất này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đồng ý với tên gọi thành phố Huế khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trung ương. Vị kiến trúc sư cho rằng, tên Huế đã mang thương hiệu lịch sử lâu đời và ý nghĩa đối với vùng đất này, khi nhắc đến Huế người ta sẽ nhắc đến đô thị di sản, văn hóa. Huế cùng với Đà Nẵng sẽ trở thành 2 đô thị đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung khi thành phố trực thuộc Trung ương. Hai đô thị tương lai mà đóng góp kinh tế cho Huế nhiều là đô thị cảng biển Chân Mây - Lăng Cô và đô thị cảng hàng không Phú Bài.
Ông Sơn nói: “Huế đóng vai trò trung tâm cùng sẽ kết nối với các tỉnh thành, quốc tế với hành lang kinh tế đông tây. Huế sẽ chia sẻ với Đà Nẵng, bởi hiện nay thành phố biển Đà Nẵng hiện quá tải về phát triển sân bay, cảng biển Liên Chiểu phát triển có hạn”.
Các nhà quy hoạch và các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, danh xưng “Thừa Thiên Huế” không được sử dụng một các phổ biến và rộng rãi như tên gọi Huế. Danh từ Huế cũng thuận lợi hơn trong giao dịch quốc tế vì từ này ngắn gọn, dễ nghe, dễ đọc, dễ nhớ và mang âm hưởng đặc trưng của vùng đất cố đô.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế khi lên thành phố trực thuộc Trung ương nên lấy tên là thành phố Huế và phân chia thành 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện.
Tuy nhiên, ông Chính muốn làm rõ hơn về phát triển đô thị ven biển và khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bởi Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang 126 km chạy dọc bờ biển, đây là di sản mà cả Đông Nam Á muốn có. Vì vậy, Huế phải coi đó là đặc thù văn hóa, Festival Huế và du lịch tâm linh để làm nét riêng mà không tỉnh nào ở Việt Nam có được.
"Trong đồ án chưa làm rõ không gian đô thị Huế phải là đô thị biển, không gian đô thị Huế phải kết nối với phá Tam Giang. Sân bay Phú Bài phải trở thành sân bay lớn và hướng về đô thị biển, đô thị trung tâm", ông Chính nói.
Ông Chính cho rằng, đồ án quy hoạch cũng chưa chỉ rõ việc khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối Lao Bảo, Đông Hà của Quảng Trị do đó cần làm rõ, khai thác thế mạnh này nhiều hơn nữa. Cần bổ sung định hướng đô thị Huế về phía biển, xây dựng các đô thị vệ tinh xung quanh sân bay, khai thác tốt hơn hệ thống giao thông quốc gia, phát triển đô thị Chân Mây - Lăng Cô.
Kết thúc hội thảo, sau khi nghe các chuyên gia góp ý, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh sẽ tiếp thu và hoàn thiện các phương án phù hợp và thực hiện các thủ tục lấy ý theo quy định pháp luật hiện hành. Qua hội thảo, tỉnh đã nhận diện được một số khó khăn, hạn chế và các lợi thế so sánh để đưa ra các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.