Cuộc đua đầy cam go của WIN – Masan, MaxValu – AEON và KingfoodMart – Seedcom trong phân khúc siêu thị tầm trung
BÀI LIÊN QUAN
Masan ra mắt hệ sinh thái WIN, tích hợp nhiều dịch vụ tại một điểm bán vô cùng tiện íchBức tranh ngành bán lẻ Việt Nam: Sự "bành trướng" của các tay chơi mới Masan, MWG khi doanh nghiệp ngoại thu hẹp ảnh hưởngCâu chuyện M&A Masan Group: Nguyên nhân nào khiến cho Masan chi 3.600 tỷ đồng cho 34% cổ phần của Phúc Long?Nếu như xét về diện tích thì mảng siêu thị sẽ bao gồm nhiều phân khúc. Thứ nhất là đại siêu thị giống như Co.opXtra/Emart, thứ hai là siêu thị lớn giống như Sài Gòn Co.op/Lotte Mart, thứ ba là siêu thị tầm trung với diện tích dao động từ 300m2 đến 500m2, thứ tư là siêu thị nhỏ giống như WinMart+ và Bách Hóa Xanh và cuối cùng là cửa hàng tiện lợi điển hình như CircleK và GS25.
Tại những khu đô thị lớn ở nước ta như TP.HCM và Hà Nội, tất cả những mô hình này đều phát triển và lớn mạnh được một thời gian nhưng trừ mảng siêu thị tầm trung. Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu của khách hàng ở phân khúc tầm trung ngày càng lớn theo đà tăng trưởng của tầng lớp trung lưu. Chính vì thế, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ không thể làm ngơ với xu hướng này. Chính vì thế, Seedcom đã nhanh chóng cho ra đời KingfoodMart trong khi Tập đoàn AEON cũng không hề kém cạnh khi triển khai thương hiệu MaxValu tại thị trường Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, “ông lớn” Masan cũng chính thức gia nhập phân khúc này cùng với WIN.
Vậy, WIN khác WinMart và WinMart+ ở điểm nào?
Như đã nói ở trên, “ông lớn” Masan vừa mới ra mắt hệ sinh thái WINLife “Trọn vẹn điều bạn cần” kèm theo 27 chuỗi cửa hàng đa tiện ích đầu tiên có thể đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, từ trải nghiệm tiện lợi đến xuyên suốt từ offline đến online và điểm đến “all-in-one” - tất cả trong một. Bước đầu, Masan đã chính thức cho chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WIN chính thức đi vào hoạt động. Đáng chú ý, những cửa hàng này đều tọa lạc ở những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM. Được biết, chuỗi cửa hàng WIN của Masan chuyên phục vụ những nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người Việt, bao gồm: Nhu yếu phẩm (WinMart+), dược phẩm (Dr.Win), dịch vụ tài chính (Techcombank), chuỗi F&B (Phúc Long) cùng với dịch vụ viễn thông (Reddi).
Liên quan đến chuỗi cửa hàng mới này, đại diện Masan cho biết: “Trong 3 năm qua, Masan không chỉ chú trọng vào việc tái cấu trúc nhằm đưa WinMart/WinMart+ trở thành mô hình bán lẻ có lợi nhuận mà còn tiên phong trong việc phát triển những mô hình bán lẻ đa tiện ích để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng không ngừng nâng cao. Cùng với thông điệp “Trọn vẹn điều bạn cần”, chúng tôi vô cùng tự hào khi cho ra mắt hệ sinh thái WINLife - nơi tập hợp những thương hiệu mạnh nhất, sở hữu chất lượng vượt trội do người Việt Nam xây dựng để phục vụ cho những người tiêu dùng Việt Nam”.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc Masan ra mắt WIN là điều vô cùng tất yếu. Đáng chú ý, hệ thống WinMart và WinMart+ mà Masan được kế thừa từ Vingroup không thuận lợi đối với việc triển khai các chiến lược mới, đó là tích hợp nhiều thương hiệu để phục vụ cho tất cả những khía cạnh đời sống người dân Việt Nam. Chưa kể, WinMart+ vốn có diện tích nhỏ nên không đủ chứa thêm được 4 thương hiệu nữa, thậm chí thêm 1-2 thương hiệu mới cũng vô cùng chật chội.
Masan không chia sẻ rõ ràng về tiện ích của WIN nhưng bởi nó thuộc phân khúc tầm trung nên chắc chắn diện tích sẽ lớn hơn WinMart+ và nhỏ hơn WinMart; đồng thời lượng nhu yếu phẩm cũng nhiều hơn so với hệ thống WinMart+. Bên cạnh đó, WIN không chỉ khác với hệ thống siêu thị WinMart+ về diện tích mà còn khác cả thiết kế cùng với tiện ích. Điều đáng nói, cửa hàng WIN của Masan sẽ có không gian mua sắm hiện đại, giàu tính ứng dụng, màu sắc tươi mới, trẻ trung, lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc phương Tây được tư vấn bởi các kiến trúc sư người Pháp thuộc công ty Malherbe.
Bên trọng chuỗi cửa hàng WIN, quầy ‘đảo’ chính là điểm nhấn. Ngoài ra còn có khu vực thanh toán trung tâm được thiết kế theo kiểu 360 độ, có thể thanh toán tất cả các đơn hàng một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất. Bên cạnh phương thức thanh toán truyền thống, khách hàng có thể đặt và thanh toán những sản phẩm của Phúc Long tại khu O-Zone. Đây là khu vực thanh toán không sử dụng tiền mặt, được tích hợp offline và online để gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng sao cho ở mức tiện lợi nhất có thể.
Dễ dàng thấy được, thiết kế siêu thị cùng với hệ thống tiện ích của WIN khá giống với AEON MaxValu. Kế hoạch của Masan là khai trương từ 80 đến 100 cửa hàng WIN trên phạm vi cả nước trong năm nay. Xa hơn nữa, hệ thống WINLife của Masan không chỉ có WIN mà còn bao gồm cả WinMart+ và WinMart.
KingfoodMart – Seedcom: Thận trọng và từ tốn
Với nguồn lực hạn chế cùng phong cách cẩn thận, Seedcom không mở một cách ồ ạt như Masan mà từ tốn đi từng bước. Ra mắt KingfoodMart từ 12/2018, thế nhưng Seedcom chỉ dự định chạy thử nghiệm trong 3 năm đầu, đến năm 2025 mới tăng số lượng lên 500 cửa hàng.
Hồi tháng 10/2021, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - CEO của KingfoodMart từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Có thể nói, Covid-19 chính là chất xúc tác để KingfoodMart tăng tốc hơn so với dự kiến của Seedcom, điều này thể hiện ở tốc độ đạt doanh thu kỳ vọng tại 2 cửa hàng mở mới đầu năm 2021 cùng với doanh thu tăng gấp 4 lần trong tháng cao điểm dịch nhờ nỗ lực duy trì vận hành và đẩy nhanh chuyển đổi số ở các cửa hàng hiện có.
Trước tác động của đại dịch, hành vi khách hàng cũng đã thay đổi nhanh chóng, không còn sự tách bạch giữa on và offline. Khách hàng một khi đã có những trải nghiệm tốt tại bất cứ điểm chạm nào, cả kênh online và offline cũng sẽ trở lại với chúng tôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục với mô hình New-retail, đồng thời tối ưu vận hành nhằm hoàn chỉnh mô hình, đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng trung lưu, nhóm khách hàng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Hiện tại, chúng tôi đang được Seedcom hỗ trợ nhiều về nguồn lực và tài chính để nhanh chóng mở rộng số lượng cửa hàng cũng như đẩy mạnh hiện diện online đến năm 2023, hướng tới việc trở thành 1 trong những lựa chọn ưu tiên cùng bà nội trợ mang đến bữa ăn ngon lành, cao cấp cho gia đình Việt”.
Thời điểm đó, KingfoodMart đã mở liền lúc 2 siêu thị với mục đích tăng lên con số 6. Bà Thúy cho rằng, đây chính là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp của mình tăng tốc. Diện tích trung bình của các siêu thị KingfoodMart dao động từ 300m2 đến 500m2. Tại đây, chuỗi siêu thị chủ yếu bán những mặt hàng tiêu dùng, chủ yếu phục vụ tầng lớp thượng lưu; nhiều sản phẩm nhập ngoại và sản phẩm trong nước có chất lượng hàng đầu.
Không giống với Masan và MaxValu của AEON, hầu hết chuỗi siêu thị của KingfoodMart được mở ngoài mặt phố chứ không phải là trong tòa nhà chung cư. Chỉ có một vài siêu thị được tích hợp thêm The Coffee House. Cỏ vẻ như, Seedcom vẫn đang thăm dò chiến lược tích hợp của Masan có hiệu quả hay không. Tính đến hiện tại, KingfoodMart đang có khoảng 16 siêu thị ở TP.HCM, cũng chưa có mục tiêu Bắc tiến.
MaxValu – AEON cùng chuỗi 12 siêu thị tại Hà Nội
AEON Việt Nam là Công ty chuyên về phụ trách mảng kinh doanh bán lẻ tổng hợp của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) tại Việt Nam. Với mục tiêu đa dạng hóa hệ sinh thái kinh doanh bán lẻ, AEON Việt Nam đã đầu tư chuỗi siêu thị mới năm 2020 với thương hiệu AEON MaxValu. Theo như đại diện AEON Việt Nam, AEON MaxValu là thương hiệu siêu thị quen thuộc của tập đoàn này đã có mặt tại nhiều nước châu Á.
Theo ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam: “Nhịp sống nhanh tại khu vực thành thị cùng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng ngày càng chú trọng hơn về sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị vừa và nhỏ, có vị trí gần nhà đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, AEON Việt Nam đã chính thức ra mắt lĩnh vực kinh doanh mới: Siêu thị vừa và nhỏ. Đây là lĩnh vực kinh doanh thứ 5 của chúng tôi tại thị trường Việt Nam. Chuỗi siêu thị AEON MaxValu là thương hiệu đầu tiên trực thuộc lĩnh vực kinh doanh mới này nhằm mang đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng cao và sự tiện lợi, dễ dàng, phục vụ nhu cầu hàng ngày của khách hàng”.
AEON MaxValu khá tương đồng với KingfoodMart khi nằm chủ yếu ở các tòa chung cư và trung tâm thương mại, khu đô thị cộng với cơ cấu – chất lượng sản phẩm, diện tích dao động trong khoảng từ 300 đến 500m2. Do ảnh hưởng của Covid-19 cùng với sự tính toán thận trọng, AEON MaxValu có những bước đi khá chậm. Ra mắt năm 2020 nhưng đến cuối tháng 12/2021, AEON MaxValu mới chỉ có 4 siêu thị. Hiện tại, chuỗi đang có tổng cộng 12 siêu thị tại Hà Nội. Mục tiêu của AEON MaxValu là đến năm 2025 sẽ có 20 siêu thị ở miền Bắc và 100 siêu thị trên cả nước.
Tại AEON MaxValu, các khách hàng có thể lựa chọn nhiều sản phẩm đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn AEON. AEON MaxValu còn bày bán cả những sản phẩm ready-to-eat (chế biến sẵn ăn liền) cùng với ready-to-cook (sơ chế sẵn) thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn cho khách hàng. Ngoài ra, ở đây còn có hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng…
Chưa kể, các siêu thị AEON MaxValu còn mang đến tất cả những dịch vụ và tiện ích cho khách hàng, bao gồm: Mua sắm qua điện thoại, giao hàng tận nơi… Những khách hàng mua sắm tại đây sẽ được hưởng tất cả những quyền lợi của thành viên AEON như: Được tích hợp với hệ thống tích điểm thẻ thành viên của AEON Việt Nam, được áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, có thể thanh toán không tiền mặt thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR ....