Có 100 triệu đồng trong tay, nên kinh doanh hay gửi tiết kiệm?
Nếu có trong tay 100 triệu đồng, bạn nên kinh doanh hay gửi tiết kiệm? Đây là thắc mắc chung của rất nhiều bạn trẻ.
Bạn Nguyễn Thu Hương (25 tuổi, Hải Dương) là cựu sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Ra trường được nửa năm, Thu Hương xin được việc làm trong một công ty tư nhân. Mức lương khởi điểm của 9x là 8 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm làm việc, mức lương của cô nàng đã được tăng lên 10 triệu đồng.
Hương thuê chung một căn chung cư mini với bạn. Hàng tháng, cả hai góp tiền nấu ăn chung để tiết kiệm chi phí. Sau 2 năm chi tiêu hợp lý, Hương đã tiết kiệm được 100 triệu đồng. Số tiền này 9x chưa biết phải sử dụng thế nào cho hiệu quả.
Nên gửi tiết kiệm hay kinh doanh?
Theo Hương, sau khi học xong đại học muốn trụ lại ở đất thủ đô. Hiện tại, bên cạnh số tiền 100 triệu tiết kiệm, cô nàng còn trau dồi được ít kinh nghiệm về marketing. Cụ thể, Hương có thể làm content, chạy quảng cáo, chăm sóc khách hàng… Từ thời sinh viên, 9x Hải Dương đã ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, làm giàu.
Trong đợt dịch COVID-19, công việc của Hương bị giảm, lương cũng không có nhiều. Cô nàng 9x muốn nghỉ hẳn công việc hiện tại để chuyển sang kinh doanh nhưng vẫn còn đắn đo. Thu Hương bộc bạch: “Số tiền 100 triệu đồng với nhiều người có lẽ không nhiều. Tuy nhiên, nó là tất cả tài sản hiện tại mà tôi có.
Do đó, tôi rất đắn đo, suy nghĩ khi sử dụng số tiền này. Tôi không biết có nên mạo hiểm kinh doanh một lần hay gửi tiết kiệm ngân hàng. Nếu kinh doanh thua lỗ, tôi sẽ mất trắng. Nhưng nếu thành công, nó đúng theo đam mê của tôi, số tiền thu về cũng lớn hơn rất nhiều. Nếu gửi ngân hàng, tiền vẫn có đó nhưng số tiền lãi sẽ không đáng là bao…”
100 triệu chưa đủ để khởi nghiệp?
Khi nói về vấn đề này, anh Lê Phong (Hưng Yên) khẳng định, số tiền này ở Thủ Đô không khác gì “muối đổ biển”. Do đó, anh khuyên không nên kinh doanh. Việc kinh doanh khi chưa có kinh nghiệm là vô cùng mạo hiểm.
Thay vào đó, số tiền này nên gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Dù bản thân vẫn đi làm thuê kiếm tiền nhưng có một khoản đảm bảo. Sau vài năm có kinh nghiệm và tiền tiết kiệm nhiều hơn, khi đó kinh doanh cũng không muộn.
Anh Phong khẳng định, kinh doanh là một việc không hề đơn giản. Nó chứa nhiều khó khăn, nếu không nhiều tiền, không kinh nghiệm sẽ rất khó trụ lại. Số tiền 100 triệu ở Hà Nội rất khó khởi nghiệp. Nắm trong tay ít nhất 300 triệu đồng thì mới nghĩ đến việc khởi nghiệp kinh doanh.
“Thích thì ngại gì không thử…”
Tuy nhiên, anh Trần Tâm (Nam Định) lại nghĩ khác. Anh cho rằng 100 triệu là đủ để khởi nghiệp ở Hà Nội. Anh Tâm cho biết: “Bạn chỉ cần chăm chỉ, không ngại khó ngại khổ là có thể kinh doanh, khởi nghiệp. Sắm cho mình một chiếc xe máy và sạp chở hàng. Hàng ngày cứ 2-3h sáng ra các chợ đầu mối mua rau, củ, quả, hoa tươi… mang về chợ nội thành để bán”.
Anh Tâm lấy dẫn chứng về trường hợp của chị gái mình. Chị gái anh ngày nào cũng nhập hàng từ chợ đầu mối về bán, mỗi ngày kiếm được 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi phải kiên trì, chịu được vất vả.
Một số người khác cũng chia sẻ quan điểm của mình. Họ cho rằng đã thích kinh doanh thì cứ thử, không phải hỏi ý kiến ai. Tuổi trẻ ngại gì thử sức. Anh Long (Thái Bình) cho biết: “Tôi cũng từng không dám thử sức kinh doanh vì sợ nhiều thứ. Tôi lo mình sẽ thất bại. Điều này khiến tôi không dám bước qua vòng an toàn bản thân và đắn đo khá lâu.
Tuy nhiên, do đam mê quá nên cuối cùng tôi vẫn quyết định kinh doanh. Tôi khuyên bạn là nên khởi nghiệp ở lĩnh vực mà mình giỏi nhất. Sau đó, hãy làm thật tốt và không ngừng cố gắng mỗi ngày. Thường xuyên khảo sát thị trường để “bắt trend” nhanh nhất có thể.
Nên nhớ, không nên đầu tư hết số tiền đang có. Lúc đầu chỉ nên dùng 30% mà thôi. Trong quá trình phát hiện mình sai ở đâu còn có cái mà sửa”.
Còn bạn, nếu có 100 triệu trong tay bạn sẽ kinh doanh hay gửi tiết kiệm?