Chuyên gia cảnh báo hàng loạt nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ bị lạm phát “kìm hãm”, tiếp tục chịu sự đe dọa bởi mối lo suy thoáiKinh tế Anh trước nguy cơ 'kép' từ lạm phát và khả năng suy thoái cận kềSuy thoái là gì và khi nào thì suy thoái tiếp theo sẽ bắt đầu?Theo Nomura Holdings Inc., tình trạng suy thoái trong thời gian tới là điều khó có thể tránh khỏi ngay cả với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nguyên nhân của hiện tượng này là do chính sách tài khóa và tiền tệ bị siết chặt, lạm phát tăng cao đồng thời tăng trưởng giảm tốc nghiêm trọng.
Tập đoàn tài chính Nhật Bản cũng đưa ra cảnh báo về khu vực đồng EURO, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và Mỹ đều sẽ rơi vào tình trạng suy thoái chung.
Suy thoái kinh tế đồng bộ trên thế giới
Một nhà nghiên cứu của Nomura viết: "Thời gian tới lạm phát sẽ vẫn gia tăng do áp lực về giá đã lan rộng từ lĩnh vực hàng hóa sang dịch vụ, tiền thuê nhà và tiền lương". Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia mức độ suy thoái sẽ khác nhau.
Cụ thể, Nomura đã đưa ra dự báo Mỹ có thể trải qua một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu từ quý IV năm nay và kéo dài trong 5 quý. Đối với các nước châu Âu, cuộc suy thoái có thể kéo dài và nghiêm trọng hơn nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Trong năm tới khu vực đồng EURO cũng sẽ suy yếu khoảng 1%. Còn đối với các quốc gia như Australia, Hàn Quốc và Canada có thể sẽ ghi nhận đà giảm tốc lớn hơn dự báo nếu lãi suất vẫn tăng cao. Cụ thể, Hàn Quốc được dự báo có mức giảm 2,2% trong quý III/2022.
Đối với Trung Quốc, nước này được dự báo sẽ không trải qua suy thoái trong năm nay. Nhưng sẽ vẫn chịu ảnh hưởng nếu Bắc Kinh đưa ra các lệnh phong tỏa mới để phòng ngừa đại dịch.
Triển vọng u ám
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến các hoạt động kinh tế của Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm nay. WB dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm xuống 2,5% trong năm 2022, tức là giảm 1,2 điểm % so với mức dự báo trong tháng 1/2022.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2022 sẽ chỉ ở mức 2,5%, trong khi năm 2021 là 5,7%. Văn phòng Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cũng cho biết, nền kinh tế Mỹ đã suy yếu với tốc độ nhanh hơn ước tính trong 3 tháng đầu năm trước đó. Cụ thể, GDP lao dốc 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. BEA cũng đưa ra ước tính vào hồi tháng 4 vừa qua, GDP của Mỹ sụt giảm từ 1,5% xuống còn 1,4%.
Tại khu vực sử dụng đồng tiền chung EURO, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm nay sẽ giảm xuống mức 2,5%, điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2022.
Trong khi OECD cũng dự báo tăng trưởng GDP khu vực này trong năm nay sẽ giảm xuống 2,6% so với mức 5,3% của năm 2021. Lạm phát được dự báo ở mức 7% năm 2022, cao hơn rất nhiều so với mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
WB đưa ra dự báo đối nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 4,3% trong năm 2022. Nhưng có điều chỉnh giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Con số này phản ánh thiệt hại từ đại dịch Covid-19 lớn hơn so với dự báo bởi những các chính sách phong tỏa nhằm khống chế đại dịch.
Ngược lại, OECD dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ giảm xuống còn 4,4%, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 3/2022. Lạm phát của Trung Quốc được dự báo dừng ở mức 2% trong năm nay.
WB cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP đối với nền kinh tế Nhật Bản giảm xuống mức 1,7% vào năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với hồi tháng 1/2022 khi dự báo được đưa ra.
Bóng ma lạm phát bao trùm nền kinh tế toàn cầu
Trong nửa đầu năm 2022, giá hàng hóa tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không những vậy do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, việc sản xuất một số mặt hàng bị hạn chế. Giá các sản phẩm quan trọng như dầu diesel, xăng,... tăng cao hơn rất nhiều. Động thái mới của nhóm các quốc gia G7 và EU cho thấy sẽ cấm hoặc dần dần loại bỏ việc nhập khẩu dầu từ Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm 2,5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 30% lượng xuất khẩu hiện tại và khoảng 3% nguồn cung toàn cầu nếu lệnh trừng phạt vẫn còn tiếp diễn.
Cũng vì lý do đó dẫn đến giá năng lượng trong năm nay được dự báo tăng 52%, cao hơn 47 điểm phần trăm so với dự báo trước đây của WB. Ngoài ra, giá dầu thô Brent được dự báo ở mức trung bình 100 USD/thùng.
Ngoài ra, giá nông sản được dự báo tăng 18% trong năm nay. Trong khi giá phân bón dự kiến tăng gần 70%, một con số rất lớn do chi phí đầu vào tăng cao, sản xuất giảm và gián đoạn thương mại. Nga và Ukraine cũng là hai nước có sản lượng xuất khẩu lúa mì lớn, chiếm khoảng 1/4 lượng xuất khẩu toàn cầu.
Đối với Ukraine, có khoảng 90% lượng ngũ cốc xuất khẩu qua các cảng Biển Đen, hiện không còn hoạt động. Còn lại sẽ được vận chuyển qua các hành lang đường bộ và đường sắt, nhưng do tắc nghẽn cơ sở hạ tầng và các lo ngại về an toàn nên khối lượng sẽ giảm tương đối mạnh.
Trong năm nay, giá kim loại vẫn tiếp tục tăng. Nhôm và niken có giá tăng khoảng 30% do Nga là một nhà xuất khẩu lớn. Dự kiến, giá kim loại sẽ tăng 12% vào năm 2022, cao hơn khá nhiều so với các dự báo trước đó.
IMF cũng đưa ra dự báo lạm phát trong năm nay là ở mức 5,7% đối với nền kinh tế phát triển và 8,7% tại các thị trường mới nổi cũng như các nền kinh tế đang phát triển, con số này cao hơn 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra trong tháng 1/2022.