Chứng khoán Mỹ bị lạm phát “kìm hãm”, tiếp tục chịu sự đe dọa bởi mối lo suy thoái
Nửa đầu năm 2022 là quãng thời gian tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970 đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Sự sụt giảm của thị trường xuất phát từ một số yếu tố, tuy nhiên, về cơ bản đều do lạm phát.
Bước sang nửa còn lại của năm nay, một mối lo khác lại đang bủa vây tâm trí của những nhà đầu tư. Đó là việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Giá cả sinh hoạt tại Mỹ đang tăng chóng mặt với tốc độ mạnh nhất tính từ đầu thập niên 1980 tới nay. Điều tồi tệ hơn là dự báo ban đầu của Fed rằng lạm phát chỉ là tạm thời đã sai bé. Họ đã tỏ ra phản ứng chậm chạp đối với chỉ số tiêu dùng CPI ngày càng leo thang.
Trước tình hình này, các nhà phân tích nhận định rằng Fed sẽ nâng lãi suất khốc liệt trong thời gian dài để kéo lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách trong Fed cũng đã thừa nhận điều đó.
Việc Fed đột ngột chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng sang cứng rắn đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn khiến đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch covid-19 vốn đã mỏng manh trở nên khó khăn hơn.
Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 20% 6 tháng đầu năm. Đồng thời, nhiều tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu mới lên sàn, tiền ảo và một số hàng hóa cơ bản cũng đã lao dốc.
Hãng tin CNBC đã trích dẫn lời chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial trong một cuộc phát biểu: “Lạm phát chính là nguyên nhân và đó là kẻ thù của Fed. Fed đã giữ tâm lý rằng lạm phát chỉ là tạm thời rồi sẽ tự giảm… Từ chính sách siêu nới lỏng của ngân hàng Trung ương và Chính phủ đã khiến lạm phát xuất hiện và thậm chí Fed đã bị bất ngờ vì điều này. Đây là lý do vì sao chúng ta rơi vào tình trạng đó”.
Ngoài chính sách nới lỏng, những nút thắt chuỗi cung ứng được cho là sẽ dần giải tỏa theo thời gian cũng là một nguyên nhân khác dẫn tới lạm phát. Nhu cầu sau đại dịch covid-19 đã vượt quá khả năng cung ứng của các nhà sản xuất và doanh nghiệp. Hơn nữa, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi chứng kiến giá năng lượng và thực phẩm tăng cao do xung đột tại Ukraine.
Vì phản ứng chậm với lạm phát trước đó, nên giờ đây Fed đã phải chạy theo lạm phát bằng việc nâng lãi suất 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng 1,5 điểm phần trăm tính từ tháng 3 đến nay. Thậm chí, theo các nhà phân tích, Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất mạnh hơn bất chấp điều này có thể khiến kinh tế Mỹ hoặc cả thế giới bước vào suy thoái.
Trong cuộc trao đổi mới đây với CNBC, cố vấn kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz phát biểu rằng: “Chủ tịch Fed Jerome Powell cần nhanh chóng lấy lại thế kiểm soát trong bức tranh về lạm phát. Hiện ông ấy đang mất hoàn toàn quyền kiểm soát. Nếu không hành động, ông ấy sẽ ngày càng bị tụt lại và không thể cán đích”.
Theo dự báo, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 7 này bằng với mức tăng của tháng 6. Một số chuyên gia nhận định rằng tùy theo tín hiệu từ Fed và tiến độ tăng lãi suất của ngân hàng Trung ương trong thời gian tới mới biết được cơ hội hồi phục của thị trường sẽ ra sao.
Bà Krosby phát biểu: “Thị trường đang hoàn toàn mong đợi rằng lãi suất của FED sẽ giảm xuống. Điều đó khiến thị trường kỳ vọng vào việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất hoặc chỉ tăng với bước 0,5 hoặc 0,25 điểm phần trăm tùy theo tỷ lệ lạm phát cao đến mức nào”.
Theo dự kiến, Fed sẽ công bố dữ liệu việc làm tháng 6 vào thứ 6 tuần này. Đây được xem là một cơ sở quan trọng để đánh giá về khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hay không. Phiên ngày 4/7, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh.
Theo dự báo của giới chuyên gia, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 250.000 công việc trong tháng 6. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,6%. Mặt dù đã giảm nhiều so với con số 390.000 công việc mới trong tháng 5, nhưng đó vẫn là con số khả quan.
Trưởng nghiên cứu kinh tế vĩ mô của AXA Investment Managers, ông David Page, cho hay: “Nền kinh tế đang chứng kiến sự giảm tốc rõ ràng. Những tín hiệu cảnh báo đã bắt đầu xuất hiện và đang ngấm vào thị trường việc làm, Fed cần thận trọng”.
Ở một mặt khác, thị trường chứng khoán Mỹ có thể phản ứng tiêu cực nếu số liệu việc làm khả quan. Bởi lẽ, Fed sẽ có động lực để chống lạm phát mạnh tay hơn bằng cách nâng lãi suất cao hơn.
Chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể tỏ ra cứng rắn khi thấy số liệu việc làm tốt hơn và điều này có thể khiến thị trường trở nên áp lực hơn. Dữ liệu việc làm là chỉ báo quan trọng về việc kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi lãi suất cao hơn. Bởi vậy, Fed sẽ có thêm lý do để nâng lãi suất nếu thấy số liệu việc làm ổn định”.
Tuần vừa qua, các chuyên gia của Fed trở nên lo lắng hơn về việc kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái sau khi những số liệu mới cho thấy sự giảm tốc và đại diện của Fed tiếp tục đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn.
Các chuyên gia không có một quan điểm nhất quán về việc suy thoái kinh tế Mỹ sẽ đến vào khi nào. Thế nhưng, giá tài sản khả năng suy thoái đang được thể hiện rõ thông qua thị trường.
Theo công cụ GDP Now của Fed chi nhánh Atlanta, với dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 2,1% trong quý 2 thì kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Trước đó, quý 1 chứng kiến GDP Mỹ đã giảm 1,6%. Nền kinh tế được coi là đã suy thoái khi có 2 quý giảm liên tiếp.
Thế nhưng, một số chuyên gia khác không cho rằng suy thoái kinh tế Mỹ đã xảy ra. Theo dự báo của ông Page, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,5% trong quý 2.