Chứng khoán Mỹ phân hóa, cổ phiếu nhóm năng lượng giảm sâu nhất
BÀI LIÊN QUAN
Fed và kế hoạch tăng lãi suất tới khi lạm phát giảm xuống mục tiêu 2%Chủ tịch Jerome Powell nhận định suy thoái do tăng lãi suất là "một khả năng"Cuộc chiến chống lạm phát ở những nước giàuTheo Vietnambiz, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 82 điểm, tương đương với 0,27% và dừng ở 31.029 điểm. Ngược lại, S&P 500 và Nasdaq đi xuống lần lượt là 0,07% và 0,03%.
Theo CNBC, nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm kiếm đáy của đợt bán tháo ồ ạt khi quý II sắp kết thúc. Những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế và các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Cụ Dự trữ Liên bang (Fed) đã chi phối phần lớn diễn biến của thị trường trong 6 tháng qua.
"Chúng tôi dự báo thị trường sẽ biến động dữ dội trong mùa hè này, các chỉ số ban đầu sẽ bật tăng mạnh mẽ khi phe bán khống mua trả hàng, sau đó thị trường quay lại giảm sâu do tình hình kinh tế bi quan", Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Wells Fargo - ông Christopher Harvey nhận xét.
"Một phiên hoảng loạn bán tháo (washout) có thể là chất xúc tác tạo nên một đợt tăng kéo dài, nhưng chúng tôi cho rằng thị trường sẽ chỉ tăng bền vững nếu nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ chuyển từ kế hoạch tăng lãi suất 50-75 điểm cơ bản sang phương án thông dụng hơn là tăng 25 điểm cơ bản", ông Harvey nói thêm.
S&P 500 đã giảm khoảng 20% so với đầu năm và nhiều khả năng sẽ ghi nhận nửa đầu năm 2022 là nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970 khi chỉ số này mất 21% trong 6 tháng.
So với đầu quý, cả Dow Jones và S&P 500 đều đang trên đà ghi nhận quý giảm sâu nhất kể từ 2020. Nasdaq chuẩn bị đánh dấu 3 tháng tiêu cực nhất kể từ năm 2008.
Goldman Sachs tăng lên gần 1,3% sau khi Bank of America nâng mức khuyến nghị cổ phiếu ngân hàng này thành "Mua" và cho rằng Goldman sẽ hoạt động tốt ngay cả trong môi trường kinh tế giảm tốc.
Amazon đi lên 1,4% sau khi JPMorgan một lần nữa đưa ra khuyến nghị "Mua" và công ty phân tích Redburn lần đầu đưa ra khuyến nghị "Mua". Cùng nhóm với Big Tech, Meta Platforms bật tăng 2% trong khi Apple và Microsoft đều tăng thêm hơn 1%.
Nhiều cổ phiếu sản xuất chip đi xuống sau khi Bank of America hạ mức khuyến nghị vì cho rằng sự cạnh tranh ngày càng cao. Teradyne sụt giảm 5,2%. Advanced Micro Devices và Micron cùng rơi mất hơn 3%.
Cổ phiếu Carnival lao dốc 14,1% ngay sau khi các nhà phân tích Morgan Stanley giảm khoảng một nửa giá mục tiêu, đồng thời nhận định rằng giá có thể giảm về 0 giữa nguy cơ về một cú sốc khác từ phía cầu. Nhiều cổ phiếu du thuyền khác cũng đi xuống theo, Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line mất lần lượt là 10,3% và 9,3%.
Cổ phiếu Bed Bath & Beyond cắm đầu xuống 23,6% sau khi công ty bán lẻ này thông báo doanh thu và lợi nhuận quý vừa qua kém xa kỳ vọng của giới phân tích. CEO của công ty cũng vừa mới tuyên bố từ chức.
Cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 khi giá dầu thô WTI giảm xuống dưới mức 110 USD/thùng.
Theo một báo cáo khác của chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho xuống thấp trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng để tận dụng mức biên lợi nhuận hấp dẫn. Tuy vậy, nhu cầu với xăng trung bình 4 tuần gần đây giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, không kể giai đoạn đầu đại dịch Covid năm 2020.
Trong những ngày gần đây, nhiều quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương Mỹ như Chủ tịch Fed tại các chi nhánh New York, San Francisco và Cleveland đều lên tiếng ủng hộ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 26-27/7 nếu các điều kiện kinh tế không có chuyển biến gì lớn.
Trong cuộc họp vào ngày 14-15/6 vừa qua, Fed đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, để ghìm cương lạm phát đang ở đỉnh 40 năm.
"Tôi vẫn chưa thấy số liệu lạm phát ở mức mà tôi cần thấy để tính đến chuyện giảm mức tăng lãi suất còn 50 điểm cơ bản", Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - bà Loretta Mester nhận định.