Chứng khoán Mỹ “hụt hơi” sau 4 tuần tăng, giá dầu giảm trong lúc chờ cuộc họp OPEC+
Trong phiên giao dịch ngày 27/11, chứng khoán Mỹ giảm điểm khi các nhà giao dịch giường như đã muốn nghỉ ngơi sau 4 tuần tăng giá cổ phiếu liên tiếp. Giá dầu thô cũng hạ nhiệt trong lúc chờ cuộc họp sản lượng từ liên minh dầu lửa OPEC+ dự kiến diễn ra trong tuần này.
Kết thúc phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 56,68 điểm, tương đương giảm 0,16%, còn 35.333,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 4.550,43 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,1% và khép phiên ở mức 14.241,02 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi các nhà giao dịch đã chứng kiến 4 tuần tăng liên tiếp |
Các thị trường chứng khoán châu u cũng rơi vào tình trạng giảm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,4% xuống 7.460,70 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) lùi 0,4% xuống 15.966,37 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,4% xuống 7.265,49 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,4% xuống 4.354,41 điểm.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ ghi nhận 4 tuần tăng liên tiếp trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau khi chớp nhoáng vượt mốc 5% vào cuối tháng 10. Lợi suất trái phiếu giảm vì thị trường kỳ vọng vào việc Fed sẽ không tăng lãi suất thêm nữa do lạm phát đang giảm nhanh hơn dự báo.
Từ đầu tháng 11 đến nay, S&P 500 đã tăng 8,5%; Dow Jones tăng 6,9%; và Nasdaq tăng 10,8%.
Xu hướng tăng vẫn diễn ra dù một số hãng bán lẻ cảnh báo người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn. Thực tế là, doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Mỹ trong dịp Black Friday đã tăng 7,5% so với năm ngoái - đây là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng vẫn mạnh dạn mở ví trong những ngày đầu của Kỳ nghỉ lễ và mùa mua sắm cuối năm.
Giới đầu tư ở Phố Wall đang thiếu đồng nhất về các số liệu kinh tế. Sự suy yếu của tiêu dùng được họ xem như một tín hiệu tích cực cho chiến dịch tăng lãi suất của Fed cuối cùng đã bắt đầu giúp nền kinh tế hạ nhiệt, giải tỏa áp lực lạm phát, từ đó ngân hàng trung ương có thể sớm chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.
Mặt khác, nếu người tiêu dùng Mỹ vẫn giữ nhịp chi tiêu mạnh, đây có thể được xem là một dấu hiệu cho nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm - lạm phát giảm mà không gây ra suy thoái.
Tiêu dùng ở Mỹ đang chậm lại |
Theo giới phân tích, điều mà thị trường kỳ vọng hiện tại là một sự suy yếu vừa đủ của nền kinh tế, để lạm phát giảm về mục tiêu 2% của Fed mà không để xảy ra tình trạng giảm tốc mạnh hoặc suy thoái kinh tế.
“Tiêu dùng chậm lại có lẽ sẽ là một chất xúc tác cho thị trường vì sẽ giúp củng cố cơ sở cho xu hướng tăng điểm. Thị trường này đã hưởng lợi từ niềm tin mạnh mẽ rằng Fed đã tăng xong lãi suất và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024” - Chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial nhận định. Ông cũng cho rằng diễn biến của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình giá cổ phiếu trong tuần này.
Theo nhận định của chiến lược gia Phillip Colmar của MRB Partners, thị trường cổ phiếu tiếp tục chịu sự chi phối của thị trường trái phiếu. Ông cho biết cổ phiếu vẫn đang trong tình trạng “mua nhiều” (overbought) nhẹ, nền kinh tế vẫn “vững vàng đáng kể” - nhân tố góp phần giảm lãi suất tương lai gặp nhiều trở ngại.
Ông Colmar nói: “Tôi cho rằng nền kinh tế vẫn đang vững nhưng thị trường trái phiếu đang bước vào một giai đoạn bước ngoặt. Bước sang năm 2024, câu hỏi đặt ra là liệu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tìm được đáy hay chưa và có thực sự hồi phục hay không. Khi giá trái phiếu hồi phục và lợi suất giảm, áp lực mất giá đối với cổ phiếu sẽ giảm bớt”.
Trong tuần này có 2 dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng, là báo cáo niềm tin tiêu dùng dự kiến công bố vào thứ 3, tiếp đó là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến công bố vào thứ 5.
Giá dầu thô Brent giao tháng 1 tại thị trường London giảm 0,6 USD/thùng, tương đương giảm 0,74%, còn 79,98 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,68 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 74,68 USD/thùng.
Giá dầu giảm vào giữa tuần trước sau khi OPEC+ hoãn cuộc họp sản lượng |
Giá cả 2 loại dầu đều tăng nhẹ vào tuần trước sau khi giảm 4 tuần liên tiếp. Giá dầu hồi phục nhờ kỳ vọng việc Saudi Arabia và Nga duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện sang năm 2024 và OPEC+ có thể thảo luận kế hoạch giảm sản lượng sâu hơn. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Song, giá dầu giảm vào giữa tuần trước sau khi OPEC+ bất ngờ hoãn cuộc họp sản lượng đến ngày 30/11 vì một số bất đồng về mức sản lượng mục tiêu đối với những nước thành viên châu Phi. Một nguồn tin tiết lộ với Reuters, vào cuối tuần qua, các thành viên trong liên minh đã đi tới thảo thuận.
Trong khi, lượng dầu thô tồn kho gia tăng của Mỹ đã gây áp lực giảm lên giá dầu. Theo dự báo của cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường dầu toàn cầu sẽ dư cung nhẹ trong năm 2024, kể cả khi OPEC+ kéo dài việc cắt giảm sản lượng sang năm tới.
“IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu chỉ tăng 0,9 triệu thùng/ngày trong năm tới, từ mức dự báo tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay. OPEC+ sẽ phải thực thi sản lượng thật sự nghiêm ngặt để giải toả mối lo của thị trường về tình trạng dư cung dầu trong năm tới” - Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank nhận định.