Chung cư sở hữu 50 năm: Vì sao dân Việt vẫn khó chấp nhận?
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất sổ hồng chung cư 50 năm: Liệu đang là hợp đồng thuê nhà dài hạn?Sở hữu chung cư 50 năm khiến người mua nhà trở thành thuê nơi ở?Đề xuất thời hạn sở hữu căn hộ chung cư 50 nămMới đây, Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng đang là chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản và người dân trên cả nước. Thậm chí đó còn chưa nói đến việc khiến người dân cảm thấy lo lắng, hoang mang trong hành trình đi mua “tổ ấm” của mình.
Theo đó, Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án trong việc sở hữu chung cư. Với phương án thứ nhất, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư được tính theo thời hạn sử dụng công trình. Thứ hai, thời hạn sở hữu chung cư được quy định theo Luật Đất đai. Tùy từng loại nhà chung cư mà có quy định thời gian sở hữu 5 hay 70 năm.
Theo giải thích của Bộ Xây dựng, trường hợp áp dụng phương án cấp sổ hồng có thời hạn thì sau khi hết thời hạn sử dụng, các cơ quan chức năng sẽ kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư.
Trong trường hợp chung cư vẫn bảo đảm an toàn như chịu lực tốt sẽ gia hạn thời gian sử dụng căn hộ. “Không có chuyện đuổi người dân ra khỏi căn hộ. Việc cấp sổ hồng có thời hạn cho các chung cư theo tuổi thọ thiết kế công trình cũng chỉ áp dụng từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực, không hồi tố đối với những chung cư thực hiện theo quy định trước đó”, Bộ Xây dựng khẳng định.
“Tôi sẽ dành tiền, vay mượn mua nhà mặt đất”
Đó là lời khẳng định của anh Nguyễn Hoàng Thuấn (giáo viên của một trường học tại quận Long Biên, Hà Nội). Theo anh Thuấn, sau nhiều năm dành dụm, tích lũy, theo kế hoạch, trong năm 2023 anh sẽ cố gắng mua căn chung cư nhỏ để lấy chỗ chui ra chui vào. Tuy nhiên, sau khi đọc báo thấy thông tin nhà ở sẽ chỉ có sổ hồng 50 năm anh cảm thấy khá hoang mang.
“Nếu mua cái xe, cái điện thoại thì xác định dùng 10 năm 20 năm thì nó sẽ hỏng và hết hạn sử dụng. Nhưng đối với tài sản lớn như ngôi nhà, việc xác định chỉ được ở có 50 năm, 70 năm là điều khiến tôi lăn tăn. Bởi đối với phần đông người dân Việt, căn nhà nó như một tài sản mà có thể truyền từ đời này sang đời khác. Nó như là một món quà mà sau này con cái lớn cha mẹ sẽ tặng cho con. Chính vì thế, sau này hết thời hạn 50 năm, chúng tôi coi như mất tài sản này”, anh Thuấn chia sẻ.
Anh Thuấn nói rằng, sau khi nghe được thông tin trên, gia đình anh đã thay đổi kế hoạch. Tức là anh sẽ không mua chung cư nữa và để dành dụm tiền, có thể vay mượn thêm để mua đất nền. Với số tiền 1,4 tỷ đồng đang có, anh sẽ mua được 1 căn chung cư ở gần trung tâm quận hơn nhưng khi xác định mua nhà mặt đất, anh sẽ phải đi xa. Đó còn chưa kể đến việc phải chuẩn bị thêm tiền để xây nhà.
Anh Trần Phú Lộc, hiện đang sinh sống tại một chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội khá lo lắng khi căn hộ chung cư vợ chồng anh mua 2 năm nay chưa được chủ đầu tư trả sổ đỏ. “Nếu dự thảo này được thông qua, đến khi căn hộ của chúng tôi được cấp sổ đỏ có bị áp luôn vào quy định sở hữu 50 năm không. Nếu bị áp luôn như thế chẳng khác nào chúng tôi bị lừa. Căn hộ đến tay chúng tôi đã phải chịu rất nhiều thuế, phí cho nhà nước, giờ lại bị siết thời hạn sở hữu. Đây là tài sản chúng tôi muốn dành cho con cái”, anh Lộc bức xúc.
Anh Lộc với với phóng viên, nếu quy định này được cho vào Luật thì chắc chắn nhiều người sẽ không còn mặn mà với chung cư mà chuyển sang mua đất nền để được sở hữu vĩnh viễn. Khi đó, giá bất động sản đất nền sẽ tăng cao và trở nên sốt ở mọi ngõ ngách của các thành phố lớn.
Sự khác biệt của Việt Nam với nước ngoài
Về vấn đề này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Huy Phong đặt câu hỏi: “Vấn đề đặt ra là căn chung cư đó sau 50 năm sẽ thuộc quyền sở hữu của ai, có được gia hạn sở hữu hay không. Nếu đươc gia hạn thì bao nhiêu năm và không được gia hạn thì sẽ được xử lý như thế nào. Đây là bài toán rất lớn đối với các cơ quan chức năng về mặt lý luận và thực tiễn cũng như để đảm bảo quyền lợi của người dân, chủ đầu tư”.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, các cơ quan chức năng cần phải trả lời được câu hỏi trên một cách thấu đáo mới có thể khiến người dân an tâm khi lựa chọn mua căn hộ. Bởi sẽ chẳng ai dại gì đi mua căn hộ mà không biết 50 năm sau căn hộ đó thuộc sở hữu của mình hay của ai, trừ những người đã có định hướng sau 50 năm họ sẽ chuyển về đâu sinh sống. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều.
Ông Vũ Trường Thắng - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Winhousing Việt Nam cho rằng, việc cấp sổ hồng có thời hạn đã được áp dụng rất nhiều năm tại các nước phát triển như Anh, Mỹ... Trong đó, gần gũi với Việt Nam nhất chính là đất nước Singapore.
“Tại đất nước Singapore, cùng khu vực Đông Nam Á với chúng ta, người dân chấp nhận việc sở hữu căn hộ chung cư sở hữu 50 năm. Nghĩa là sau 50 năm thì căn cứ vào tình trạng, chất lượng căn hộ mà Chính phủ sẽ xem xét việc gia hạn hay dừng sử dụng căn hộ đó. Còn tại Việt Nam, người dân chắc chắn sẽ phản đối việc này”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, tại Singapore, những căn hộ sở hữu có thời hạn đều là do Nhà nước xây dựng và bán lại cho người dân với gia vô cùng ưu đãi. Họ quy định căn hộ đó được sở hữu từ 70 đến 99 năm.
Ông Thắng nói thêm, nếu là khu đô thị do chủ đầu tư tư nhân xây dựng mà áp quy định sở hữu 50,70 năm chắc chắn sẽ khiến họ e dè trong việc đầu tư. Bởi khi xây dựng lên chắc chắn sẽ rất khó bán hàng. Bởi tâm lý người Việt bo năm nay vẫn thế, khi mua một tài sản lớn đều theo tâm lý “ăn chắc mặc bền” và muốn trao tặng lại cho con cháu.
Vũ Trường Thắng - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Winhousing Việt Nam khẳng định: “Đây mới chỉ là dự thảo và Bộ Xây dựng cũng chưa đưa ra các vấn đề cụ thể. Trong trường hợp được thông qua, quy định này chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến tâm lý thị trường bất động sản. Phân khúc chung cư sẽ gặp khó, ảm đạm còn phân khúc đất nền sẽ sôi động. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các cơn sốt đất nền trên cả nước. Đây là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nhận ra được”.