Chủ tịch Novaland: Kiến nghị chọn dự án Khu đô thị Aqua City để thí điểm tháo gỡ khó khăn
BÀI LIÊN QUAN
Thủ tướng: Thị trường bất động sản phải hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệpThủ tướng chủ trì hội nghị gỡ khó thị trường bất động sảnThủ tướng: Tiếp tục gỡ khó cho thị trường bất động sảnNguồn: Meey News
Theo Tạp chí Tri thức trực tuyến, Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra từ 8h - 12h tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ gồm: Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hai Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, các nhà phát triển bất động sản lớn, các chuyên gia về tài chính, bất động sản…
Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 Hội nghị Toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản; ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, Kết luận và Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được tổ chức trong bối cảnh thị trường bất động sản đối diện hàng loạt khó khăn, trong đó hai nút thắt lớn nhất là liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và giới chuyên gia đều mong đợi Chính phủ sớm đưa ra những quyết sách cụ thể, rõ ràng để vực dậy thị trường.
Xin cơ chế để tự gỡ khó
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland cho rằng sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp bất động sản đã bị bào mòn, cùng với đó là sự bất ổn của thế giới hay lạm phát tăng cao, các đối sách được Chính phủ ban hành ngay lập tức đã có tác động mạnh đến doanh nghiệp.
"Để đối phó với tác động của dịch Covid-19, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14/2021 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản", ông Nhơn nói.
Chủ tịch HĐQT Novaland khẳng định trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ mong muốn xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua. Đối với Novaland xin Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị gồm: Xin Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm; Chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
Ông Nhơn đề xuất: "Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay, nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...".
Lãnh đạo Novaland cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Trong vòng 1 đến 2 tháng tới nếu vấn đề này được giải quyết thì doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường. Đồng thời, ông Bùi Thành Nhơn cũng đề xuất giảm lãi suất cho vay, ngân hàng giảm biên lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, về vấn đề trái phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cho rằng Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65. "Việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm", ông Bùi Thành Nhơn nói thêm.
Doanh nghiệp sẽ phá sản
Tham gia Hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có các biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. "Đặc biệt, xin cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo về chủ trương sâu sát để tạo dấu hiệu tích cực cho thị trường", ông nói.
Lãnh đạo Vinhomes đã nêu những khó khăn nổi cộm hiện nay của thị trường bất động sản như thủ tục pháp lý phê duyệt các dự án còn chậm, nguồn cung nhà ở khan hiếm, dòng vốn tín dụng hạn chế, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phát hành được.
"Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản có liên quan mật thiết đến nhiều ngành nghề kinh doanh và các chuỗi cung ứng khác, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người lao động cũng như mang lại nguồn thu lớn cho Nhà nước...", ông Hoa nói.
Theo Chủ tịch HĐQT Vinhomes, nhu cầu sở hữu nhà hiện nay của người dân là rất lớn, nhưng nguồn cung quá thấp chưa đáp ứng được thị trường, diện tích sàn bình quân trên một người tại Việt Nam chưa đạt yêu cầu.
Ông Hoa nhấn mạnh: "Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung nhà ở sẽ càng thiếu hụt".
Ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp. "Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và phát triển".