Chỉ định đấu thầu dự án cao tốc Bắc - Nam như thế nào để minh bạch và hiệu quả?
BÀI LIÊN QUAN
Chi tiết 5 dự án cao tốc quan trọng quốc gia hơn 260.000 tỷ đồng sắp được đầu tưTỉnh Cao Bằng đề xuất đầu tư 1 tỷ USD xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh Tỉnh Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi 486 ha rừng làm dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên KhươngTrong kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã quyết định trao cho Chính Phủ nhiều cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó có việc chỉ định thầu xây lắp với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn năm 2021 - 2025.
TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển lý giải, ông cũng ủng hộ quyết định cho phép chỉ định thầu của Quốc hội với dự án cao tốc Bắc - Nam, cụ thể: "Theo luật, các dự án đầu tư công thường phải đấu thầu nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, với những dự án có tính chất cực kỳ quan trọng, cấp bách, Quốc hội có thể quyết định chỉ định thầu".
Chỉ định thầu kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư
Vào ngày 11/1, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong phần cơ chế đặc thù, Quốc hội đã cho phép Chính phủ chỉ định thầu tư vấn, xây lắp với dự án hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia.
Theo đó, Chính phủ trên cơ sở đó đã ban hành giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ, ngành xây dựng quy chế chỉ định thầu trong 2 năm 2022 - 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan chịu trách nhiệm quá trình thẩm định, trình Thủ tướng xem xét và quyết định các trường hợp chỉ định thầu trong thẩm quyền cho phép.
Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết, các quốc gia đều ưa chuộng phương án đấu thầu trong xây dựng hạ tầng. Bởi vì cách này mang tính thị trường và giúp tiếp cận được nhiều nhà thầu hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định lựa chọn phương án chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian.
TS Bình cho biết: "Đấu thầu hiệu quả hơn chỉ định thầu về nhiều phương diện nhưng không phải dự án nào đấu thầu cũng là phương án tốt". Luật đấu thầu vì thế cũng quy định các phương án chỉ định thầu chủ yếu áp dụng trong các tình huống cấp bách hoặc xử lý sự cố bất khả kháng.
Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - PGS.TS Trần Chủng nhận định: "Đấu thầu hay chỉ định thầu đều giống nhau ở khâu chuẩn bị bài thầu của các chủ đầu tư. Điểm khác biệt là phương án chỉ định thầu sẽ giúp tiết kiệm được thời gian bởi không phải tuân thủ theo trình tự phức tạp của Luật đấu thầu".
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo công bằng, minh bạch mà không cần phải trải qua bước đấu thầu, ông Chủng cũng cho rằng vai trò của cơ quan thẩm định nhà thầu và bản thân những người nắm quyền chỉ định thầu là rất quan trọng.
Người chỉ định sẽ "gánh" trọng trách khá nặng nề
Theo Nghị quyết 18 của Chính Phủ về đầu tư cao tốc Bắc - Nam cũng đã nêu rõ, Thủ tướng là người quyết định chỉ định thầu với các gói thầu xây lắp, kèm theo đó là điều kiện nhà thầu được chỉ định phải đưa ra mức giá thấp hơn tối thiểu 5% so với dự toán gói thầu.
PGS Trần Chủng nêu ra ý kiến: "Đây là cơ chế mới, cho thấy một ý chí, tinh thần trách nhiệm rất lớn của Thủ tướng. Nhưng không có nghĩa là dồn hết trách nhiệm cho người đứng đầu Chính phủ mà cần phải có cơ quan thẩm định trình danh sách lên để Thủ tướng lựa chọn".
Theo vị PGS này, để lên danh sách và chỉ định nhà thầu phải có một nhóm chuyên gia kỹ thuật, thậm chí là phải thành lập hội đồng. Hội đồng này sẽ có chức năng thẩm định từ chuyên môn, kinh nghiệm đến năng lực tài chính, trang thiết bị lẫn con người của nhà thầu. Trong hội đồng cũng cần có người chịu trách nhiệm chính, không thể nói trách nhiệm tập thể. PGS Trần Chủng cũng đưa ra lưu ý: "Chính phủ cần ban hành một quy trình chỉ định thầu khoa học, công khai và minh bạch để xã hội có thể giám sát, tránh để tai tiếng về vấn đề lợi ích nhóm này hay cơ chế xin - cho".
Còn đối với việc lựa chọn nhà thầu, PGS Trần Chủng cũng cho rằng bên cạnh các tiêu chí như "giá rẻ" thì tiến độ và chất lượng cũng là hai vấn đề rất quan trọng. Ông Chủng phân tích: "Khi triển khai phương thức đấu thầu xây dựng, có một thời kỳ dài chúng ta chỉ quan tâm đến tiêu chí giá cả để phân định người thắng, kẻ thua. Cách làm này cũng tạo ra sự cạnh tranh và hiệu quả tiết kiệm nhất định. Nhưng tư lâu tôi đã nói ở đâu có ép giá thì ở đó dứt khoát không có chất lượng đồng hành".
Nhà thầu sẽ đón nhận những cơ hội và thách thức nào?
Với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, tổng số tiền ngân sách được bố trí là 147.000 tỷ đồng. Việc giải ngân khối lượng tiền khổng lồ trong vài năm tới cũng đồng nghĩa với cơ hội làm ăn lớn chưa từng có của các doanh nghiệp, nhà thầu trên cả nước. Theo đó, thay vì phải chuẩn bị hồ sơ dự thầu để tham gia cơ chế đấu thầu thì các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách lọt vào tầm ngắm chỉ định thầu của các chủ đầu tư. TS Nguyễn Thanh Bình cho hay: "Đây là cuộc đua mang tính cạnh tranh với người thắng".
Việc 12 dự án cao tốc được trải dài trên nhiều điều kiện địa lý, ông Bình cho rằng sẽ có những gói thầu thi công thuận lợi, lãi tốt và hấp dẫn với các nhà thầu và có những gói thầu sẽ khó khăn và ít lãi hơn.
Ngoài yếu tố khó - dễ của gói thầu, các nhà thầu còn dựa vào lợi thế cạnh tranh của mình để lựa chọn. Ví dụ, các nhà thầu chuyên về thi công cầu hầm sẽ chọn những dự án có mật độ cầu hầm lớn. Còn các nhà thầu có trụ sở địa phương mà dự án đi qua sẽ sử dụng triệt để nhân công địa phương và dễ dàng kết nối với chủ các mỏ vật liệu. Ông Bình cũng đưa ra dẫn chứng: "Ví dụ một nhà thầu trụ sở tại Nghệ An thì đất đai, máy móc, nhân công của họ đều ở đó nên tiết kiệm được chi phí rất nhiều. Trong khi nhà thầu đó vào trong miền Nam để thi công thi sẽ chuẩn bị từ cái bàn chải đánh răng trở đi, theo đó chi phí phát sinh sẽ rất lớn".
Chính vì thế, những lợi thế của nhà thầu sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng nhà thầu cũng nên đáp ứng đủ các điều kiện theo tiêu chí của chủ đầu tư. Ở bước xét duyệt chỉ định thầu thì doanh nghiệp cần phải thuyết minh được phương án thi công nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, tiết kiệm chi phí.
Cũng trong cuộc đua này, các nhà thầu sẽ xem xét các yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật cũng như nguồn kinh phí bố trí cho gói thầu mà Chính phủ đưa ra để nhận định xem mình có khả năng tham gia hay không.