Chỉ còn một năm sử dụng sổ hộ khẩu, người dân phải giao dịch như thế nào?
Nhiều thuận lợi khi bỏ sổ hộ khẩu giấy
Căn cứ theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2023 nhà nước sẽ chính thức "khai tử" sổ hộ khẩu và sổ tạm trú, loại giấy tờ này sẽ không còn giá trị sử dụng về sau. Việc quản lý thông tin cư trú của người dân sẽ được Cơ quan chức năng thực hiện bằng phương thức điện tử hay còn gọi là Sổ hộ khẩu điện tử.
Như vậy, tuy bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng việc quản lý thông tin cư trú vẫn được duy trì. Nhà nước đã chuyển từ hình thức quản lý bằng cuốn sổ giấy sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến nhằm đạt nhiều hiệu quả hơn. Theo hình thức mới, người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây.
Theo Lãnh đạo Cục Pháp chế, năm 2021 vừa qua, Bộ Công an đã hoàn thiện việc thu nhập thông tin dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng từ trung ương đến địa phương các cấp xã, phường, thị trấn. Bước đầu thực hiện triển khai một số dịch vụ tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu.
Kể từ ngày 1/7/2021, nếu người dân không sử dụng sổ hộ khẩu thì vẫn có thể tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các giao dịch liên quan đến thông tin về cư trú. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn trong tâm thế sẵn sàng kết nối tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi các dữ liệu này đáp ứng đủ điều kiện.
Hiện tại, một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Thông tin và truyền thông; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 63 UBND các tỉnh, thành phố. Công an địa phương đã thu thập và đồng bộ thông tin người dân trên mỗi địa bàn vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 102 triệu phiếu dữ liệu. Các dữ liệu sẽ được rà soát, "làm sạch" trên phần mềm và củng cố hồ sơ, tài liệu, tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu.
Dựa trên tính toán của Văn phòng Chính phủ, dự kiến khi dự án CSDLQGVDC đi vào hoạt động sẽ tiết kiệm khoảng 4000 tỷ đồng mỗi năm. Các công tác chuẩn bị, sản xuất, vận hành sẽ được tinh giảm, không cần in ấn, photo, nộp hồ sơ giấy tờ. Theo đó, người dân cũng tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, công sức,...
Như vậy, công dân đăng ký thường trú/ tạm trú, thay vì cấp một cuốn sổ bằng giấy thì cơ quan đăng ký sẽ lấy thông tin người dân để cập nhật lên hệ thống. Cùng với đó, kể từ ngày 1/7/2021, khi người dân thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú cần thu hồi lại loại giấy tờ này. Nhằm thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này, thực hiện không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Làm thế nào để chứng minh nơi cư trú?
Bộ Công An cho biết, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, thông tin được kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng chung. Công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân để xác định các thông tin về nhân thân, nơi cư trú, tạm trú. Các đơn vị, cơ quan Nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính không được yêu cầu công dân nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú.
Khi tham gia các giao dịch như làm hợp đồng điện nước, chứng minh nơi thường trú để đi làm, đi học, công chứng nhà, đất,... công dân có thể xuất trình Căn cước công dân. Các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, đối chiếu thông tin mà người dân cung cấp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lực lượng chức năng chịu trách nghiệm cấp đồng loạt số định danh cho người dân trên toàn quốc đang có thông tin trên hệ thống. Đây là nhiệm vụ quan trọng để xác lập danh tính điện tử cho công dân, góp phần thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số đất nước. Bộ Công an trong năm qua đã in và trả về cho công an địa phương gần 60 triệu CCCD gắn chip điện tử. Dự kiến năm 2022 mọi công dân sẽ được cấp trả đầy đủ CCCD.
Những điều cần làm trước khi sổ hộ khẩu mất giá trị
Người dân sẽ được sử dụng sổ hộ khẩu trong vòng 10 tháng nữa, sau đó loại giấy tờ này sẽ chính thức bị hủy bỏ. Như vậy, kể từ nay cho đến thời điểm trước ngày 1/1/2023, công dân cần cung cấp chính xác thông tin cá nhân để cơ quan chức năng cập nhật vào hệ thống dữ liệu. Việc này sẽ được đơn giản hóa bằng công tác cấp Căn cước công dân.
Theo đó, công dân chưa làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, đặc biệt đối với các trường hợp cấp lần đầu, cấp lại, CMND/CCCD hết hạn cần đến ngay cơ quan công an có thẩm quyền để làm thủ tục cấp CCCD mẫu mới.
Đối với những người vẫn sở hữu CMND chín số sẽ không biết mã định danh cá nhân của mình. Như vậy việc xin thông tin về cư trú, thực hiện các thủ tục hành chính sẽ gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng lẫn người dân khi sổ hộ khẩu không còn.
Trong quá trình cấp CCCD sẽ có những sơ xuất khi một số trường hợp chưa cập nhật được thông tin lên hệ thống, dẫn tới chưa cấp được CCCD. Các trường hợp này sẽ được công an rà soát kịp thời và thông báo cho người dân biết để điều chỉnh cho phù hợp. Công dân nhận được thông báo từ cơ quan chức năng cần nhanh chóng đến trụ sở làm việc cung cấp lại thông tin để khớp với dữ liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.