Cần Giờ có gì khiến TP Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng “siêu dự án” cảng trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD
BÀI LIÊN QUAN
Dự kiến dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công sớm hơn 6 thángNgười dân tại TP Hồ Chí Minh sẽ được miễn giấy phép xây dựng Sẽ có thêm 4 thành phố trực thuộc TP Hồ Chí MinhNằm trên tuyến hàng hải quốc tế
Theo tienphong.vn, UBND TP Hồ Chí Minh nhằm thực hiện mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam, Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Cảng Sài Gòn đã nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ.
Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ có công suất thông quan 10 - 15 triệu TEU với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Nhà đầu tư mong muốn được triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 của dự án vào năm 2024, đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn cuối cùng được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2040.
Tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép được quy hoạch là khu bến cảng tiềm năng, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng; cỡ tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Bến Cần Giờ có vị trí ở cửa sông Cái Mép với mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu có tải trọng lớn như các tuyến ở châu Âu, Phi, Mỹ. Đây là những điều kiện thuận lợi để hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho TP Hồ Chí Minh với các nước trong khu vực, tạo đột phá phát triển kinh tế biển.
Hiện nay, sản lượng thông qua cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng trưởng liên tục qua các giai đoạn 2015 - 2020, 2021 - 2025. Đặc biệt trong năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng biển của thành phố đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40% so với quy hoạch năm 2020 là 116,9 triệu tấn và vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030 là gần 160 triệu tấn.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, trong thời gian tới các khu bến trên sông Sài Gòn của cảng biển TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng.
"Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung", văn bản UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ.
Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND Thành phố và các cơ quan có liên quan đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành Cảng trung chuyển quốc tế. Đồng thời, kiến nghị xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các cảng biển khu bến Cần Giờ nằm trong nhóm cảng biển số 4 thuộc TP Hồ Chí Minh, theo hướng điều chỉnh, bổ sung chức năng cảng container trung chuyển quốc tế và triển khai đầu tư ngay trong thời kỳ 2021 -2030. Điều này nhằm có cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan cho dự án.
Thu hút tàu lớn về Việt Nam
Trước đó, vào tháng 4/2022, tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam", bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết: "Nhà đầu tư (Tập đoàn vận tải biển MSC) đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore - là cảng trung chuyển quốc tế sang Việt Nam, mong muốn lựa chọn vị trí Cần Giờ, thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh, với mức đầu tư rất lớn".
Theo đó, Tập đoàn Vận tải biển MSC đề xuất liên doanh với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đầu tư cảng trung chuyển container tại Cần Giờ với quy mô 13 bến chính, có khả năng tiếp nhận tàu mẹ với trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 Teus) và tàu gom hàng (feeder) trọng tải 10.000-65.000 DWT, chiều dài khoảng 6,8 km. Công suất thiết kế 15 triệu Teus (trong đó khoảng 80% là hàng trung chuyển quốc tế; khoảng 20% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam).
Với đề xuất này, bà Hạnh đánh giá đây là cơ hội rất lớn đối với TP Hồ Chí Minh, bởi lượng hàng trước đây trung chuyển qua Singapore sẽ chuyển sang Việt Nam. Đề xuất này còn được cho là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam trong thời kỳ 2021 - 2030. Do đó, cần sớm xây dựng các cảng container của cảng biển TP Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.
Về khu bến Cần Giờ, bà Hạnh cho răng bến có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế. Đồng thời còn nằm tại vị trí đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió tạo điều kiện tốt cho các tàu biển cập biến.
Bà Hạnh cho biết, ở sở hạ tầng và hệ thống giao thông, trung tâm logistics ngay tại các cảng biển và vùng lân cận cần phải được chú trọng, đầu tư hơn để có thể cạnh tranh và thu hút các tàu lớn đi qua cảng.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại TP Hồ Chí Minh đã được quan tâm đầu tư, đã có một số công trình mang tính động lực, lan tỏa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 đã tập trung bố trí nguồn vốn để hoàn thiện các dự án về giao thông vận tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và kết nối với các tỉnh lân cận.