Ca mắc Covid-19 tăng, Bộ Y tế khuyến cáo về sử dụng thuốc Molnupiravir
BÀI LIÊN QUAN
Bộ Y tế khuyến cáo nhóm người nào không nên sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir?Bác sĩ BV Bưu Điện: Điều trị tại nhà phải biết các loại thuốc "5 được - 3 không" F0 nào cũng cần nhớBộ Y tế chính thức công bố giá thuốc điều trị COVID-19 MolnupiravirCa mắc mới tăng vọt
Liên tiếp trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 đã tăng vọt. Tiêu biểu, ngày 25/2, số ca mắc trên cả nước đã đạt 78.795 ca, ngày 26/2 là hơn 98.000 ca. Đây là số lượng ca mắc tính trong vòng 24h cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.
Ngày 25/2, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị thuộc Bộ Y tế và các đơn vị liên quan. Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh cần thực hiện yêu cầu 4 tại chỗ trong quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời đảm bảo cung ứng đủ thuốc và sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, oxy y tế. Phân loại mức độ bệnh để phân tuyến bệnh nhân phù hợp, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc và chữa trị Covid-19 cho trẻ em…
Tại Hà Nội, số F0 cũng tăng chóng mặt. Trong ngày 25/2, Hà Nội ghi nhận 9.836 ca mắc mới, ngày 26/2 ghi nhận kỷ lục 10.783 ca Covid-19. Do số ca mắc mới tăng nhanh, Hà Nội đã có nhiều địa bàn chuyển cấp độ dịch. Theo đó, trong thông báo đánh giá cấp độ dịch của Hà Nội ngày 26/2, toàn thành phố đã có 74 xã, phường, thị trấn phải nâng cấp độ dịch lên cấp 3 (vùng cam) so với tuần trước. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 283 xã, phường, thị trấn đang ở vùng xanh, 222 xã, phường, thị trấn thuộc vùng vàng. Hiện không có địa phương nào của Thủ đô ở cấp độ 4 (vùng đỏ).
Số xã, phường, thị trấn ở vùng 3 (vùng cam) tập trung nhiều nhất ở Đông Anh (8); Thạch Thất (8); Nam Từ Liêm (6); Chương Mỹ (5); Sóc Sơn (5); Bắc Từ Liêm (4).
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh đã có công điện số 02 về việc phòng, chống dịch. Theo đó, Hà Nội yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung đông người khi không cần thiết, tránh tâm lý chủ quan hoặc hoang mang lo lắng cực đoan. Công điện của Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết số ca mắc tăng nhanh đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch có xu hướng khan hiếm, giá cao….
Khuyến cáo của Bộ Y tế về thuốc Molnupiravir
Trước tình hình số ca mắc tăng cao trong thời gian qua, người dân có xu hướng mua tích trữ và sử dụng thuốc Molnupiravir để chủ động điều trị bệnh. Về việc này, Bộ Y tế đã chính thức có khuyến cáo. Cụ thể, theo Bộ Y tế, Bộ đã cấp giấy đăng ký lưu hành với 3 thuốc có chứa hoạt chất Molnupiravir được sản xuất trong nước nhằm đảm bảo nguồn cung, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân trong điều trị bệnh Covid-19.
Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19.
Theo đó, không nên sử dụng quá 5 ngày, không uống trước để phòng bệnh và thận trọng khi dùng cho phụ nữ đang mang thai hay cho con bú. Phụ nữ có khả năng mang thai cũng không nên sử dụng thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả trong quá trình điều trị và 4 ngày sau khi dùng liều thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cuối cùng.
Trẻ em, thiếu niên dưới 18 tuổi không dùng thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Nam giới cũng có thể ảnh hưởng tới tinh trùng khi sử dụng thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Bộ Y tế cho biết, thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir là loại thuốc mới xuất hiện, bán theo đơn bác sĩ. Do đó cần theo dõi chất lượng, hiệu quả cũng như sự an toàn của thuốc trong thời gian tới. Khi người dân có nhu cầu sử dụng thuốc, cần thiết phải có sự thăm khám, kê đơn và tư vấn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, không tự ý sử dụng thuốc để phòng tránh các biến chứng, nguy cơ gây mất an toàn trong sử dụng thuốc.