meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Bình Dương phân công cụ thể lãnh đạo giám sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 6 “siêu dự án” 

Thứ hai, 18/04/2022-14:04
Hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, nơi được mệnh danh là “thủ phủ khu công nghiệp” của cả nước. Do đó, tỉnh này đã quyết định thành lập 6 tổ chỉ đạo, phân công từng lãnh đạo giám sát, triển khai các dự án trọng điểm.

Thành lập 6 tổ công tác chỉ đạo 

Theo Tri thức trực tuyến, sau các cuộc họp bàn về việc triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ngày 17/4, đại diện UBND tỉnh này đã thông tin về việc công bố quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Mỗi tổ công tác sẽ thực hiện công tác chỉ đạo, giám sát đối với 6 “siêu dự án” trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau: 

Một là Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Hai là Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ba là Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747b, ĐT 743. 

Ba tổ này do ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương làm tổ trưởng.


Toàn cảnh Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương từ trên cao.
Toàn cảnh Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương từ trên cao.

Bốn là Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đường vành đai 4. Năm là Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng, TP Hồ Chí Minh. 

Hai tổ này do ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm tổ trưởng.

Sáu là Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Tổ này do ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương làm tổ trưởng.

Trong thời gian qua, phát triển hạ tầng giao thông đã tạo nhiều điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Do đó, đây sẽ là một trong những lĩnh vực được tỉnh này đẩy mạnh trở thành lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư. 

Tổ chỉ đạo phải sâu sát, kiểm tra toàn diện các dự án 

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trư​​ởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu các Tổ chỉ đạo phải sâu sát, kiểm tra, đôn đốc toàn diện việc triển khai dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật. Nhất là tập trung chỉ đạo công tác mặt bằng đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Các Tổ chỉ đạo phải chia sẻ, vận động thuyết phục để nhân dân đồng tình, đồng thuận, tất cả vì mục tiêu phát triển, chăm lo đời sống nhân dân. 

Ông Lợi yêu cầu thêm, mỗi một dự án phải có một tổ nhận đơn và giải quyết khiếu nại của người dân ngay tại hiện trường dự án đó. Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc, tham mưu đề xuất tỉnh đề ra các chủ trương, chính sách mới để tháo gỡ. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã nêu ra những yêu cầu cụ thể mà từng Tổ chỉ đạo phải thực hiện để đẩy nhanh tiến độ triển khai. 

Đối với tuyến Quốc lộ 13 phải hoàn tất các thủ tục hợp đồng với Becamex IDC, tập trung giải phóng mặt bằng tại TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An. Yêu cầu TP Thuận An xúc tiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đoạn từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị và đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đến 30/4/2022 phải khởi công, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành trong thời gian 1 năm. Các thủ tục hợp đồng đối với Becamex IDC đối với các dự án O&M cũng phải nhanh chóng hoàn tất. 

Đối với dự án đường Vành đai 3 triển khai công tác đền bù giải toả trong tháng 6/2022 ngay khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các cơ chế đặc thù. Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài 92km, trong đó có 25,92 km đi qua tỉnh Bình Dương. Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 19.280 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, 5.752 tỷ đồng dành cho đầu tư xây dựng, 13.528 tỷ đồng là dành cho giải phóng mặt bằng. Hiện nay, đoạn đường của Vành đai 3 đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô.


Sơ đồ toàn tuyến hai dự án vành đai 3, vành đai 4. 
Sơ đồ toàn tuyến hai dự án vành đai 3, vành đai 4. 

Đối với đường Vành đai 4, khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan. Đặt mốc khởi công vào ngày 02/9/2022. Dự án xây dựng đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 199 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Dương là khoảng 48,3 km. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là khoảng 27.670 tỷ đồng. Quy mô tuyến đường có 8 làn xe cao tốc. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư được khoảng 26,64km với quy mô từ 4 đến 10 làn xe, nhằm từng bước hoàn thành, tạo cung kết nối Đông - Tây của tỉnh.

Liên quan tới 2 tuyến đường vành đai quan trọng, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang tích cực phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển khai tuyến Vành đai 3, Vành đai 4. Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp HĐND, tại kỳ họp này sẽ thông qua Nghị quyết bố trí vốn cho tuyến đường Vành đai 3. Các địa phương chủ động tính toán khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4. 


Các dự án hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. 
Các dự án hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. 

Đối với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, bắt tay hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, đến năm 2023 triển khai giải phóng mặt bằng. Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành có tổng mức đầu tư trên 23.189 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức PPP. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án này. 

Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 thêm 2 làn xe, nâng tổng số lên 8 làn xe, có tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng. Hiện nay các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như các công tác chuẩn bị về mặt hồ sơ, pháp lý để đến 30/4/2022 khởi công đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong.

Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747b, ĐT 743 theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư trên 7.258 tỷ đồng. Trong đó đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn gồm có 8 hầm chui hoặc cầu vượt tuyến chính, 9 hầm chui dân sinh, 8 cầu vượt bộ hành, 11,7km đường gom, xây dựng trạm thu phí An Phú, tổng mức đầu tư trên 6.619 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư theo hình thức Hợp đồng Kinh doanh - quản lý (O&M) trên 639 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như: Sửa chữa tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn từ Km0+0.00 đến Km26+170; thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng sửa chữa hàng năm; trùng tu, đại tu cho hạng mục giao thông, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh…

Dự án nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng, TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn thiết kế.

Theo: Tri thức trực tuyến
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Hà Nội: Vì sao 150 hộ dân tại chung cư The Golden An Khánh chưa được cấp sổ hồng?

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà Đông

Khu vực sẽ được đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng xây dựng dự án công viên lớn thứ 2 Hà Nội: Gấp đôi công viên Thống Nhất, gấp 5 công viên Hòa Bình

Hà Nội quy định chung cư thương mại 70-100 m2 chỉ 3 người ở

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực từ 1/8

Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

1 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

3 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

4 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

4 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

4 ngày trước