Bình Định đón nhiều “ông lớn” bất động sản xanh
BÀI LIÊN QUAN
Bình Định cảnh báo ba dự án bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanhBình Định ra quyết định giảm hơn 4.000 ha đất sử dụng về nhà ở trong giai đoạn 2020 - 2025Bình Định: Bất động sản nghỉ dưỡng hứng "cơn mưa" đầu tưKinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường
Theo vneconomy.vn, số liệu từ Cục thống kê Bình Định, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,92% so với cùng kỳ, xếp thứ 7 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 3 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Lĩnh vực du lịch của tỉnh Bình Định ghi nhận bước tăng trưởng đột phá. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón 3,5 triệu lượt (tăng 200,3% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách nội địa đạt 3,1 triệu lượt (tăng 184,7%), vượt qua các thị trường truyền thống như Khánh Hòa (khoảng 2,1 triệu lượt), Đà Nẵng (khoảng 2,7 triệu lượt)…Chỉ trong dịp lễ 2/9, Bình Định nằm trong top 3 địa phương thu hút khách du lịch trên cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Có thể thấy, trước đây, khách hàng khi lựa chọn địa điểm du lịch với biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng nhiều danh lam thắng cảnh tại khu vực miền Trung thường lựa chọn Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Còn trong vài năm trở lại đây Quy Nhơn (Bình Định) đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn với khách trong nước và quốc tế. Điều này đã góp phần đưa hình ảnh của “xứ Nẫu” tới gần hơn với khách du lịch cũng như các nhà đầu tư.
Trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tại địa phương, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã nhiều lần khẳng định: “Không đánh đổi phát triển kinh tế mà ảnh hưởng tới môi trường. Xác định 3 lĩnh vực phát triển kinh tế trọng yếu là công nghiệp, nông nghiệp và du lịch”.
Về lĩnh vực bất động sản nhà ở và du lịch, tỉnh Bình Định chủ trương thu hút đầu tư vào các dự án đô thị, du lịch sinh thái ven biển gắn liền với bảo tồn và thân thiện với môi trường. Đồng thời, hình thành những khu đô thị, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đặc thù và có sức hút đối với du khách nội địa và quốc tế. Nhiều dự án có cảnh quan đẹp, vị trí đắc địa đang được đầu tư, khai thác có hiệu quả, tạo sức hút riêng của tỉnh Bình Định so với thị trường.
Tỉnh cũng tập trung đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời ở các khu vực ven biển góp phần đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho địa phương. Trong xu hướng đầu tư các khu đô thị hướng biển, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn triển khai các dự án quy mô lớn, tạo nên bộ mặt đô thị hiện đại, năng động, nhiều tiện ích.
Về bất động sản công nghiệp, tỉnh Bình Định thu hút có chọn lọc và ưu tiên những ngành nghề sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vừa tạo ra giá trị lớn vừa thân thiện với môi trường, giảm phát thải nhà kính. Địa phương này hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển các khu công nghiệp xanh.
Dựa trên những định hướng phát triển kinh tế xanh như trên, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã đón làn sóng đầu tư từ những “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản như Tập đoàn VinaCapital, Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS, Tổng Công ty Becamex IDC, Tập đoàn Danh Khôi… Đây là những doanh nghiệp lớn góp phần lan tỏa và định hướng thương hiệu cho thị trường bất động sản Bình Định.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định chia sẻ: "Phát triển muộn hơn, Bình Định có thể kế thừa, rút kinh nghiệm từ quá trình phát triển của các địa phương khác, từ đó, xây dựng những chính sách, hướng đi phù hợp trong việc phát triển các dự án bất động sản xanh".
Cũng có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Phin, Giám đốc kinh doanh CTCP Phát triển Đô thị thông minh Việt Nam (thành viên Tổng Công ty Đất Xanh Miền Trung) cho rằng, tỉnh Bình Định đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối trên cả đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.
Các tuyến giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng như tuyến Quốc lộ 19 nối các tỉnh Tây Nguyên và Cảng Quy Nhơn; các tuyến cao tốc trọng điểm như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bình Định - Nha Trang… được xây dựng và nâng cấp; Cảng biển Quy Nhơn. Đặc biệt, cảng hàng không Phù Cát đang được quy hoạch nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2030, nâng công suất từ 1,5 triệu lên 5 triệu hành khách/năm. Hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ sẽ mở ra con đường đưa Bình Định cất cánh.
Ông Phin đánh giá, tỉnh Bình Định còn nhiều dư địa dồi dào, quỹ đất sạch, quy hoạch tốt, đồng bộ và thông minh. Bên cạnh đó, những chính sách cởi mở của địa phương đã ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng có năng lực đến khai thác các dự án tầm cỡ.
Trong bối cảnh môi trường sống của con người ngày càng bị tác động bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên cạn kiệt các công trình xanh như một xu thế tất yếu trên thế giới. “Thời gian qua, Bình Định đã tận dụng và phát huy tối đa tiềm lực của tỉnh trên nhiều phương diện: cơ sở hạ tầng, chính sách, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực... để thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển theo hướng xanh", ông Phin nói thêm.
Ưu tiên các nhà đầu tư dự án xanh
Ông Nguyễn Hữu Phin cho rằng để duy trì và khẳng định vị thế trung tâm đầu tư của miền Trung, tỉnh Bình Định cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng các chính sách kích cầu phù hợp.
Trong thời gian tới, CTCP Phát triển Đô thị thông minh Việt Nam sẽ cùng địa phương góp sức vào sự phát triển của tỉnh Bình Định, kiến tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị và khai thác có hiệu quả quỹ đất, kết nối hạ tầng kỹ thuật.
Về hoạt động đầu tư dự án xanh, ông Phin cho biết, công trình xanh yêu cầu chi phí đầu tư rất lớn, quy trình và thủ tục thiết kế thẩm định, phê duyệt và thi công khá phức tạp và tốn rất nhiều thời gian. “Do vậy, để phát triển sản phẩm bất động sản xanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có tâm, có tầm, đủ tiềm lực và tầm nhìn", ông Phin nhận định.
Các sản phẩm của doanh nghiệp này tại Bình Định không chỉ được bao phủ bởi những mảng cây xanh mà còn hướng tới giá trị sống bền vững về thể chất và tinh thần của con người.
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Phát triển Kinh doanh của GreenViet cho rằng, tỉnh Bình Định cần có sự quan tâm hơn nữa tới các chủ đầu tư dự án đã và đang thực hiện theo hướng xanh trên địa bàn.
"Nhằm khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư thực hiện các dự án xanh, chính quyền địa phương nên có chính sách ưu tiên, rút ngắn các thủ tục hành chính. Có thể, đưa yêu cầu "xanh" vào giấy phép đầu tư của các dự án trọng điểm, tiềm năng nhằm ràng buộc với chủ đầu tư", ông Quang nói.
Còn theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, trong thời gian qua, ban quản lý khu kinh tế đã, đang áp dụng nhiều chính sách thu hút đầu tư như Ưu tiên các dự án xanh, thân thiện với môi trường; khuyến khích nhà đầu tư áp dụng các bộ tiêu chuẩn xanh như Leed (Hoa Kỳ), Edge (IFC,WB), Lotus (VGBC) hay Green Mark (Singapore)...
Tỉnh Bình Định chủ trương hạn chế các dự án đô thị, du lịch có quy mô làm thay đổi căn bản địa hình tự nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái (phá rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, san lấp vùng đất ngập nước, cản trở dòng chảy). Tỉnh cũng khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng vật liệu thân thiện, ít gây ảnh hưởng môi trường (gạch không nung, vật liệu tái chế) trong xây dựng, tăng diện tích mảng xanh - mặt nước, sử dụng nguồn năng lượng sạch.
“Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết tạo điều kiện tối đa trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư (quy hoạch, xây dựng, môi trường) để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án", ông Sơn cho hay.