Bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch có nhiều yếu tố hỗ trợ
Trầm lắng sau thời kỳ tăng trưởng “nóng”
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2004 của DKRA Group, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát “vùng tối”. Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp đã giảm 5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, số lượng nguồn cung mới liên tục giảm sút khi chỉ chiếm 6% so với tổng cung của cả nước. Sức cầu hiện nay đang ở mức thấp, lượng tiêu thụ sản phẩm giảm 69% so với cùng kỳ.
Hơn 97% nguồn cung sơ cấp shophouse nghỉ dưỡng, nhà phố trong quý II vừa qua đến từ lượng hàng tồn kho của các dự án cũ. Giá bán các sản phẩm sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang và không có nhiều biến động.
Đơn vị nghiên cứu này cũng dự báo về nguồn cung trong quý III/2024, cụ thể, phân khúc condotel sẽ tiếp tục giảm đáng kể so với quý trước. Nguồn cung này tập trung phần lớn tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Đối với nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse nghỉ dưỡng, nhà phố sẽ không có nhiều biến động so với quý trước. Nhu cầu chung thị trường này tiếp tục duy trì ở mức thấp, dự kiến đà giảm sẽ kéo dài đến hết năm nay. Mặt bằng giá sơ cấp nhìn chung duy trì ổn định, khó có những biến động rõ nét trong ngắn hạn.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, do nguồn cung yếu nên lượng giao dịch kém, đa phần hàng tồn kho hiện nay chủ yếu là những sản phẩm có giá trị cao và phải trực tiếp cạnh tranh với sản phẩm đã cắt lỗ từ trước của các chủ đầu tư.
Cùng với đó, các nhà đầu tư chưa khôi phục được niềm tin do vướng mắc hành lang pháp lý, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết dẫn đến tỷ lệ thanh khoản kém.
Số lượng các giao dịch chủ yếu tập trung vào những dự án biệt thự nghỉ dưỡng với mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn đã hoàn thiện pháp lý, đảm bảo tiến độ thi công. Những sản phẩm như shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ven biển cũng ghi nhận lượng quan tâm nhiều hơn từ nhóm có nhu cầu sở hữu second-home và nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
“Hiện nay, một số dự án condotel vẫn đang trong tình trạng đóng giỏ hàng và không có phát sinh giao dịch do pháp lý chưa được hoàn thiện. Chính vì vậy, Nhà nước cần sớm lấp đầy các khoảng trống pháp lý cho người mua, trách nhiệm rõ ràng, quy định ràng buộc quyền lợi của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý… để sớm hồi sinh loại hình condotel”, ông Đính chia sẻ.
Trợ lực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS), việc công bố quy hoạch, hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ và triển khai dự án hạ tầng... Đặc biệt, những hấp lực từ ngành du lịch, dựa trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, sẽ là động lực để doanh nghiệp thúc đẩy nhanh tiến độ của các dự án.
Khi đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch sẽ được “bơm” thêm nguồn vốn, sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Nghị định 10/2023/NĐ-CP về tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình officetel, condotel… trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ đạt “độ ngấm” nhất định. Điều này sẽ đem lại nhiều hy vọng cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư, khách hàng.. từ đó hỗ trợ du lịch nghỉ dưỡng bứt phá trở lại.
VARS cũng dự kiến, năm 2024, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch sẽ cải thiện được khoảng 20% so với năm trước. Đặc biệt, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc này, đáp ứng nhu cầu du lịch biển của khách du lịch trong và ngoài nước, ngoài ra có thể khai thác cho thuê để tạo dòng tiền.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế kỳ vọng về những gam màu sáng cho bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Hiện nay, có khá nhiều yếu tố tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi và giúp phân khúc này bứt phá hơn. Điển hình là du lịch phục hồi lượng khách đáng kể, nhất là khách hàng quốc tế giúp bất động sản nghỉ dưỡng còn được hưởng lợi từ việc tăng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các nhà làm bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, được nâng cao và thực hiện nhiều chương trình du lịch hấp dẫn giúp làm tăng thời gian lưu trú cũng như hạn mức chi tiêu của các khách du lịch. Mặc dù sự phát triển vẫn còn chậm, nhưng việc điều chỉnh chính sách vừa qua đã giúp các sản phẩm bất động sản du lịch tăng hiệu suất sử dụng, tạo ra thị trường sôi động hơn và hấp dẫn sức cầu đối với ngành này hơn.
“Cả phía cung và phía cầu đối với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch hiện nay đang có nhiều điểm thuận lợi hơn, cũng như về giá bán. Do đó, kỳ vọng phân khúc trong năm nay chuyển biến tốt hơn là hoàn toàn có thể”, ông Ánh nói.
TS. Nguyễn Văn Đính cho hay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Thế nhưng, nếu muốn phát triển bền vững thì đòi hỏi các chủ đầu tư cần phải chú trọng vào quy hoạch, phát triển dự án, bảo vệ và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho việc du lịch và nghỉ dưỡng.
Để thích nghi với các xu hướng phát triển mới, các nhà đầu tư cần nỗ lực đem đến những trải nghiệm mới, tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau nên đa dạng hóa sản phẩm, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích./.