Nhà đầu tư "nâng lên, đặt xuống" trước khi xuống tiền vào bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
“Tay không bắt giặc”, nhiều nhà đầu tư bất động sản đuối sức, phải cầm cố từ vòng vàng đến ô tô để trả nợGiá đất nền giảm mạnh ở nhiều nơi, nhà đầu tư liệu có xuống tiền ngay?Tín dụng “chảy mạnh” vào kinh doanh bất động sản, đầu tư chứng khoánTheo Zingnews, các chuyên gia cho rằng bất động sản vẫn là kênh đầu tư được nhiều người Việt ưu tiên một cách có cơ sở. Nhiều người coi đâu là kênh đầu tư lớn nên phải tìm hiểu cũng như cân nhắc kỹ lưỡng.
Với hơn 10 năm làm môi giới bất động sản, anh Đỗ Hùng (Hà Đông, Hà Nội) đã quá quen với việc khách hàng “nâng lên, đặt xuống” trước khi xuống tiền mua nhà, mua đất. Nhà môi giới này chia sẻ, trước khi quyết định mua, khách phải tham khảo rất nhiều người. Thậm chí có người dẫn cả gia đình hai bên nội ngoại, anh em, bạn bè đến xem đi xem lại miếng đất định đầu tư. Khi đó, môi giới là người vất vả nhất trong việc cung cấp thông tin cũng như đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Anh Hùng cho rằng đây là điều dễ hiểu, nhưng cũng phản ánh tâm lý của người Việt Nam. Thực tế, rất nhiều người thích đầu tư vào bất động sản với mong muốn sinh lời lâu dài hoặc giúp bảo toàn tài sản. Tuy nhiên, bất động sản lại là tài sản lớn, là cả “cơ nghiệp” của nhiều người, nên việc đưa ra quyết định là rất kỹ lưỡng, không được vội vàng.
Theo một báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường mới đây cho thấy, người Việt Nam có tâm lý đầu tư nhà đất để kiếm lời ngay cả trong giai đoạn thị trường đóng băng. Có 68% người tham gia khảo sát bày tỏ ý định mua bất động sản trong vòng 1 năm tới và đa phần đều mua với mục đích để đầu tư. Điều này cũng phản ánh rõ nhu cầu cũng như suy nghĩ về kênh đầu tư an toàn đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt.
Yên tâm hơn với bất động sản
Bà Bùi Thị Huế (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chọn cách chuyển tất cả các khoản tiết kiệm của mình vào bất động sản. Bởi bà coi đây là kênh tích trữ tài sản với quan niệm giữ giá, hoặc sau này có thể để lại cho con cháu.
Bà Huế cho biết, hiện bà đang có một căn nhà cho thuê ở Cầu Giấy và một căn nhà đang ở. Sắp tới bà có thêm một khoản tiền nữa và sẽ mua thêm một căn. “Càng về già, mua nhà càng khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn khi gửi tiền vào các kênh khác”, bà Huế chia sẻ.
GS TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, người Việt từ lâu có thói quen đầu tư để tích lũy cho đời sau. Với tâm lý đất đai không tăng thêm, nhiều người coi bất động sản là kênh đầu tư ưa thích. Với góc nhìn kinh tế học, ông cho rằng bất động sản có khả năng bảo toàn vốn khá tốt so với các kênh đầu tư khác, đặc biệt là hơn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.
Theo số liệu từ Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất khu vực Đông Á. Theo tính toán, mỗi năm, các đô thị Việt Nam tăng thêm bình quân từ 1 - 1,3 triệu người, kéo theo nhu cầu lớn về chỗ ở. Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 42%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc (90%), Nhật Bản (80%), hay Trung Quốc (60%),...
Bên cạnh đó, việc thu nhập ngày càng cải thiện, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh cũng khiến nhu cầu về nhà ở tăng mạnh. Đây được xem là động lực quan trọng cho nguồn cầu bất động sản, khiến ngày càng có nhiều người coi đây là kênh đầu tư mà xã hội luôn cần đến.
Theo đánh giá của Savills Hà Nội, với dân số khoảng 100 triệu dân, đặc biệt là dân số trẻ trong độ tuổi từ 10 - 24 tuổi. Việt Nam đang và sẽ có nhu cầu lớn về nhà ở trong tương lai. Tỷ lệ đô thị hóa tại Hà Nội sẽ tăng từ mức 49% hiện tại lên mốc 62% vào năm 2025, kéo theo nguồn cầu tăng thêm lên tới hàng trăm nghìn căn hộ.
Một khảo sát được thực hiện hồi đầu năm 2023 với 1.000 người cho thấy, không chỉ những người chưa có nhà đất muốn sở hữu bất động sản, những người đã sở hữu 3 bất động sản trở lên vẫn có nhu cầu mua thêm. Con số này chiếm tới 87% số người được hỏi. Tương tự, số người đã sở hữu 1-2 bất động sản vẫn có nhu cầu tiếp tục mua tài chiếm lần lần lượt 66 - 79%. Phần lớn trong đó đều có nhu cầu mua để đầu tư.
Tuy nhiên, bất động sản là một tài sản lớn, suất đầu tư thường cao hơn so với các kênh khác nên các nhà đầu tư thường có xu hướng cân nhắc cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng, ít khi thiếu căn cứ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhà đầu tư phải rất bình tĩnh, không nên nóng vội. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ các dự án, chủ đầu tư uy tín, đầy đủ pháp lý, sản phẩm có tiềm năng lợi thế nhất định… Ngoài ra, chuyên gia cũng nhấn mạnh nhà đầu tư nên căn cứ vào khả năng tài chính của bản thân để đưa ra quyết định đầu tư sao cho phù hợp.
Kênh đầu tư nào dành cho nhà đầu tư cá nhân?
Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển, các kênh đầu tư tại Việt Nam có sự khác biệt so với nhiều nước khác. Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, kênh rót vốn qua tín thác, qua các quỹ đầu tư tương đối phát triển, nhưng hình thức đầu tư này vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, các kênh đầu tư cá nhân phổ biến tại Việt Nam vẫn là bất động sản, vàng, chứng khoán, USD, tiết kiệm,... Theo chuyên gia, trong số này, bất động sản vẫn chiếm ưu thế hơn cả. Tại Việt Nam, bất động sản vẫn là kênh đầu tư phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân trong những năm tới.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, ngoài tỷ suất lợi nhuận tốt, thực tế bất động sản vẫn là kênh đầu tư dễ tiếp cận với số đông nhất. Trong khi một số kênh như chứng khoán hay kinh doanh thường đòi hỏi người tham gia cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực đó.
Trong một khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường, giá nhà đất tại một số khu vực ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận tăng khoảng 21 - 33 lần trong giai đoạn 2002 - 2020, gấp 4 lần so với tốc độ tăng giá của vàng trong cùng thời kỳ.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan từng chia sẻ một câu chuyện thực tế về giá bất động sản tại quận Hoàn Kiếm. Vào thời điểm năm 2002, giá nhà tại quận này trung bình chỉ khoảng 11 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến năm 2020, mức giá nhà tại khu vực này đã tăng tới 33 lần, đạt mức trên 360 triệu đồng/m2. Thậm chí giá của một số căn hộ cũ cũng tăng lên nhanh chóng.
Chẳng hạn như giá nhà ở xã hội tại Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) vào năm 2016 có giá khoảng 14 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay trên thị trường đã lên 30 triệu đồng/m2. Một dự án nhà ở xã hội khu Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có mức giá khởi điểm chỉ khoảng 13 triệu đồng/m2 vào năm 2016, nhưng đến nay đã tăng lên mức 31 triệu đồng/m2.
Vị này cũng cho biết thêm rằng giá nhà đất ở khu vực tăng thấp nhất hiện cũng đã cao gấp 3 lần so với thời điểm năm 2011. Dự báo trong tương lai, mức giá này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 35%. Trong khi đó, con số này tại Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đạt 60% và 81%.
Dù vậy, theo ông Quốc Anh, giá nhà ở một số đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở mức khoảng 2.000 USD/m2, vẫn là mức rất thấp nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Australia,...
Cùng quan điểm, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services cho biết, nhà đầu tư không nên đặt nặng vấn đề phân khúc, loại hình và khu vực. Thay vào đó, những yếu tố cần được lưu tâm sẽ là giá, khẩu vị rủi ro, khả năng thanh toán cùng với tính thanh khoản.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, giới siêu giàu trên thế giới cũng đang mạnh tay chi tiền cho bất động sản, bất chấp các lo ngại liên quan đến nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang được nhiều nhà đầu tư cá nhân từ nước ngoài chú ý đến. Theo ghi nhận từ Knight Frank, Việt Nam là một trong năm điểm đến hàng đầu được giới siêu giàu Singapore lựa chọn để đầu tư bất động sản nhờ tiềm năng lớn cũng như giá cả phải chăng.