Bất động sản công nghiệp liệu có rơi vào thế khó vì thuế tối thiểu toàn cầu?
Đặc biệt, dù dư địa của bất động sản công nghiệp còn nhiều, nhưng giới chuyên gia cảnh báo về những yếu tố sẽ tác động tới phân khúc này.
Một trong số đó là thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024 sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Khác với các phân khúc khác trên thị trường, khách hàng của BĐS công nghiệp có lượng lớn là những doanh nghiệp nước ngoài.
Theo chính sách này, kể từ ngày 1/1/2024, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Như vậy, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam được nhận định tới đây sẽ có nhiều sự thay đổi ngay khi chính sách này được áp dụng.
Chủ tịch Cổng thông tin bất động sản công nghiệp Việt Nam - Ông Đoàn Duy Hưng nhận xét, dù vừa trải qua một năm kinh tế khó khăn, thị trường BĐS Việt Nam trầm lắng nhưng BĐS công nghiệp vẫn “sống khỏe” nhờ dòng vốn FDI chảy mạnh.
Nhưng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu khiến cho các doanh nghiệp đa quốc gia phải trả thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, từ đó khiến chi phí sản xuất tăng thêm, giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp. Điều này có thể khiến họ cân nhắc lại việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Việt Nam, kéo theo nhu cầu về BĐS công nghiệp giảm đi.
Ông Hưng phân tích: "Thách thức có thể không nhỏ nhưng cơ hội trong việc tham gia nguyên tắc thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam vẫn lớn hơn. Bởi khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn với các doanh nghiệp đa quốc gia".
Song, đây cũng là một cơ hội để Việt Nam thay đổi chiến lược trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, chất lượng cao, bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút vốn FDI, giảm gánh nặng về thủ tục hành chính, tạo môi trường chính sách thu hút đầu tư minh bạch, ít rủi ro hơn.
Cũng theo ông Hưng, đặc biệt là khi tham gia nguyên tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ giúp hạn chế được tình trạng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp đa quốc gia. Thu ngân sách trong ngắn hạn để gia tăng lên khi nâng mức thuế suất lên mức tối thiểu toàn cầu, có thể được phân bổ số thuế được phép thu thêm.
Nhưng khi Việt Nam tham gia nguyên tắc này, việc phải sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan cũng gặp nhiều thách thức. Nếu vẫn giữ nguyên cơ chế thu hút như hiện nay, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với những quốc gia khác - các nước đã điều chỉnh về chính sách ưu đãi, hoặc không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Hữu Trang - Giám đốc Công ty cổ phần IIP Bắc Hưng Hải, việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để Việt Nam nâng cấp mô hình gắn liền với chiến lược mới trong thu hút FDI.
Chiến lược trọng tâm là hút vốn FDI gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững, theo đó việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ chuyển dịch từ ưu đãi thuế sang tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các chính sách khác.
Do đó, để tận dụng cơ hội và giảm bớt thách thức từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các địa phương và chủ đầu tư cần đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực hơn. Ví dụ, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, cạnh tranh cao với các nước khác, nhằm thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Trang đề xuất các chủ đầu tư phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới đáp ứng nhu cầu cao hơn của các doanh nghiệp. Đồng thời, để nắm bắt thông tin và xu hướng mới, các địa phương và chủ đầu tư phải tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế.
Năm 2023, cả nước ghi nhận 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động 13 khu công nghiệp đang xây dựng. Theo các chuyên gia, Việt Nam tiếp tục được lựa chọn làm cứ điểm sản xuất mới của nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp phát triển các nhà xưởng.
Cả nước có 412 khu công nghiệp thành lập trong năm 2023, 293 khu công nghiệp đi vào hoạt động, 119 khu công nghiệp đang xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê tăng liên tục, ước tính 20% so với cùng kỳ dù trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn.
Tại phía Bắc, sức hút của BĐS công nghiệp vẫn được duy trì nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ… đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Quảng Ninh và Hải Phòng là hai khu vực dẫn đầu với lượng hấp thụ cao; Bắc Ninh và Hải Phòng dẫn đầu về nguồn cung đất khu công nghiệp.
Năm qua, tốc độ tăng giá giữ ổn định với mức tăng 10,2% so với năm 2022, đạt 123 USD/m2/chu kỳ thuê. Dự báo trong năm 2024 sẽ có gần 500 ha đất khu công nghiệp tập trung tại Vĩnh Phúc và Hải Dương. Tới năm 2027 có thêm khoảng 2.800 ha nguồn cung mới.
Về triển vọng thị trường năm nay, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá, với sự cải thiện về dòng vốn đầu tư trong năm 2024, phân khúc BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển tốt. Bên cạnh đó, theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố đều đặt ra vấn đề công nghiệp hóa, đây là cơ hội tốt cho thị trường BĐS phát triển.
TS. Vũ Đình Ánh dự báo, có 3 yếu tố tạo ra triển vọng tăng trưởng cho BĐS công nghiệp. Đầu tiên là chính sách vĩ mô, đây là động lực góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo đà phục hồi kinh tế. Hai là nhiều dự án hạ tầng quan trọng sẽ được thực hiện trong năm 2024, như: đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; giai đoạn 1 Dự án đường Vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh,...
Yếu tố thứ 3 là việc Việt Nam tiếp tục được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư FDI. Các yếu tố này sẽ giúp BĐS công nghiệp có thêm cơ hội phát triển hơn nữa dù kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn.