meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình soán ngôi các "thủ phủ" truyền thống về thu hút FDI 

Thứ ba, 20/06/2023-07:06
Các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương luôn lọt top đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang như “ngôi sao đang lên” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Cuộc soán ngôi ngoạn mục 

Tại Thái Bình, mới đây UBND tỉnh này cho biết, Công ty TNHH Compal Electronics Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác Công ty CP Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái), nhằm chuẩn bị cho việc triển khai dự án sản xuất, gia công và lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử với tổng vốn đăng ký là 260 triệu USD tại Khu công nghiệp Liên Thái Hà (Thái Bình). Sau khi đi vào hoạt động, dự án ước tính thu về 1,2 tỷ USD vào năm 2029 và 6,8 tỷ USD vào năm 2037. 

Được biết, Compal Electronics là doanh nghiệp sản xuất máy tính xách tay, sản phẩm LCD và thiết bị thông minh đến từ Đài Loan. Doanh nghiệp này thuộc danh sách Fortune 500 doanh nghiệp khởi nghiệp mới nổi và đang là đối tác của các thương hiệu lớn như Apple, Sony, Dell, Asus, Lenovo…


Compal Electronics sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện tử với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD tại Khu công nghiệp Liên Thái Hà (Thái Bình).
Compal Electronics sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện tử với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD tại Khu công nghiệp Liên Thái Hà (Thái Bình).

Tại Nam Định, công ty chuyên lắp ráp MacBook cho Apple là Quanta Computer sẽ xây dựng nhà máy rộng 22,5 ha tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Dự án này là nhà máy thứ 9 của Quanta Computer trên thế giới. Quanta Computer là nhà sản xuất máy tính và phần cứng điện tử có trụ sở tại Đài Loan, thành lập năm 1988. Doanh thu của doanh nghiệp này khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, đây là một trong những nhà sản xuất lớn máy tính lớn nhất thế giới. 

Cũng tại Nam Định, Tập đoàn JiaWei của Đài Loan (Trung Quốc) cùng các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn đã quyết định đầu tư nhóm 3 dự án tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Định với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD trên diện tích đất gần 15 ha. JiaWei là Tập đoàn lớn chuyên sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao từ vật liệu mới, thân thiện môi trường, hàng năm xuất khẩu khoảng 6.000 container sản phẩm chất lượng cao sang thị trường Mỹ và châu Âu. Tập đoàn JiaWei đã lên sàn chứng khoán tại Đài Loan và đã có danh tiếng trên thế giới.

Có thể thấy, với sự xuất hiện của các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ cao của thế giới khiến Nam Định, Thái Bình trở thành tâm điểm chú ý mới của dòng vốn FDI. Mặc dù như vậy, hai địa phương này vẫn khó có thể lọt vào top các địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 


Quanta Computer và Tập đoàn JiaWei của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư hàng trăm triệu USD cho các dự án tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định).
Quanta Computer và Tập đoàn JiaWei của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư hàng trăm triệu USD cho các dự án tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định).

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2023, Hà Nội là địa phương thu hút được vốn nước ngoài nhiều nhất cả nước, với gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Giang xếp thứ hai, với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Các địa phương khác nằm trong top 10 gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An, Quảng Ninh và Nghệ An.

Việc Hà Nội xếp vị trí dẫn đầu là nhờ thương vụ SMBC chi 1,5 tỷ USD mua cổ phần của VPBank. Còn Bắc Giang mới là “quán quân” đích thực, bởi từ đầu năm tới nay, tỉnh này đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn, như dự án của Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc), sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời; dự án của Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore), chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Chỉ với hai dự án này Bắc Giang đã thu hút tổng vốn đầu tư nước ngoài lên tới 761 triệu USD.


Nhà máy Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).
Nhà máy Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).

 

Không chỉ “ghi điểm” về thu hút vốn FDI trong nửa đầu năm nay, mà trong vài năm trở lại đây tỉnh Bắc Giang đã trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong tận dụng cơ hội dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Địa phương này đã đón nhận dòng vốn đầu tư của các đại gia công nghệ như Foxconn, Luxshare… lên tới cả tỷ USD. Theo lũy kế, với gần 10,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Bắc Giang vẫn chưa lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước mà mới chỉ ở vị trí thứ 13. Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư của các đối tác lớn, đặc biệt là Foxconn thì Bắc Giang sẽ sớm trở thành “thủ phủ” của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai gần, sánh vai cùng với Bắc Ninh và Thái Nguyên. 

Những “ngôi sao đang lên” không chỉ gồm các địa phương miền Bắc mà có sự góp mặt của các tỉnh miền Trung như Nghệ An. Năm 2022, Nghệ An lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước và đang duy trì vị thế này. Kết quả này đạt được là do trong những năm gần đây, Nghệ An thu hút được nhiều dự án sản xuất quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Luxshare, rồi Goertek, Everwin Precision Việt Nam, Juteng… đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào tỉnh này. “Gã khổng lồ” Foxconn mới đây cũng thông tin lên kế hoạch đầu tư dự án 100 triệu USD vào địa phương này. Dự án này nhằm đầu tư triển khai giai đoạn 1 của dự án Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1. Các nhà đầu tư khác cũng đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư vào tỉnh này, cho thấy khả năng trong tương lai không xa Nghệ An sẽ bứt tốc trong bảng xếp hạng những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. 


Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 tại Nghệ An, nơi Foxconn dự kiến đầu tư 100 triệu USD vào dự án sản xuất linh kiện điện tử.
Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 tại Nghệ An, nơi Foxconn dự kiến đầu tư 100 triệu USD vào dự án sản xuất linh kiện điện tử.

Bên cạnh các địa phương tăng tốc thu hút đầu tư như Bắc Giang, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình thì Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên… bị tụt hạng. Các cuộc “soán ngôi” ngoạn mục diễn ra quyết liệt cho thấy nỗ lực của từng địa phương về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

“Quả ngọt” cho nỗ lực của địa phương

Việc Bắc Giang trở thành “ngôi sao đang lên” trong thu hút đầu tư nước ngoài không phải là ngẫu nhiên. Bởi theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhiều lần nhấn mạnh việc Bắc Giang nỗ lực như thế nào trong việc sớm hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch hoàn chỉnh chính là điều kiện quan trọng nhất để Bắc Giang thành công khi kêu gọi đầu tư. “Có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định như vậy.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp địa phương nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng nhà đầu tư. Điều này thể hiện qua chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang trong năm 2022 xếp thứ hai cả nước, tăng 29 bậc so với năm trước. Đây là bước nhảy thần tốc cho thấy những nỗ lực vượt bậc của Bắc Giang trong thời gian qua. 

Tương tự, tại Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại tỉnh, ông đã quyết liệt chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, luôn tạo điều kiện thuận lợi và sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Tỉnh Nghệ An cũng rất tích cực trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng như đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An), các bến cảng ở Cửa Lò và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Nghệ An. 


Việc trở thành điểm đến của các "đại bàng ngoại" chính là thành quả cho những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương.
Việc trở thành điểm đến của các "đại bàng ngoại" chính là thành quả cho những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương.

Các địa phương khác như Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng… trong những năm gần đây cũng trở thành “thủ phủ mới” trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư và tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Tại Quảng Ninh đã nhiều năm đứng đầu về chỉ số PCI, là một trong những địa phương trọng điểm của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. 

“Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, với cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…, như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Trong suốt nhiều năm qua, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai là những thỏi nam châm hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng, các địa phương khác đã và đang nhận được “trái ngọt” xứng đáng. 

Việc xuất hiện những “ngôi sao đang lên” soán ngôi các “thủ phủ” truyền thống sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các địa phương tựu chung là muốn phát triển kinh tế cho địa phương nói riêng và cho cả nước nói chung. 

Ông Takeo Nakajima, Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các vùng ven của đất nước, như các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình, cách Hà Nội khoảng 150 - 200 km.

“Đây là cơ hội để hồi sinh nền kinh tế địa phương”, ông Takeo Nakajima nói và bày tỏ hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam và các nhà lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy “sự hấp dẫn của Việt Nam”.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Khó hiện thực hóa mục tiêu xây 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm lô "đất vàng" 94 Lò Đúc

TP.HCM chốt tỷ lệ % tính tiền thuê đất: Doanh nghiệp "chóng mặt" với chi phí

Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế sở hữu nhiều nhà đất: Tránh tạo cú sốc cho thị trường

Ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm: Đã bị chấn chỉnh nhưng vẫn khó dẹp bỏ

Cần xử lý hành vi thao túng giá đất như đối với thị trường chứng khoán

Vụ 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn: Công an điều tra dấu hiệu gây rối trật tự

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Tin mới cập nhật

Meta điều chỉnh chính sách kiểm duyệt nội dung “thoáng” hơn, gây tranh cãi

16 giờ trước

"Gió đổi chiều" ở phân khúc bất động sản khu công nghiệp

16 giờ trước

Định giá đất đang là điểm nghẽn của thị trường bất động sản

16 giờ trước

Chuyên gia hiến kế giải pháp khắc phục chênh lệch cơ cấu sản phẩm nhà ở

16 giờ trước

Phán quyết gây thất vọng về số Bitcoin trị giá 750 triệu USD bị chôn vùi trong bãi rác tại xứ Wales

16 giờ trước