Apple, Google dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, cơ hội mới dành cho Việt Nam?
BÀI LIÊN QUAN
Ra mắt dòng sản phẩm mới, 2 “gã khổng lồ” Apple và Facebook phải đối mặt những thách thức nào?Bí ẩn sâu sa đằng sau iOS 14.5 của Apple: Đòn trả đũa dành cho Facebook?Apple gặp nhiều thách thức khi thực hiện chiến lược "địa phương hóa" tại Việt NamTrong những tuần tới, Google và Apple đều sẽ trình làng những dòng điện thoại thông minh mới của mình. Thế nhưng, thông tin từ New York Times cho biết, một số sản phẩm mới đã không còn được sản xuất tại Trung Quốc.
Hàng loạt công ty công nghệ đang dần dịch chuyển khu vực Trung Quốc
Được biết, một phần rất nhỏ trong số những chiếc điện thoại iPhone mới nhất của Apple sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Trong khi đó, một phần của việc sản xuất dòng Pixel mới của Google sẽ được thực hiện ở Việt Nam, một số nguồn tin thân cận cho biết.
Được biết, sự thay đổi này là một phản ứng trước những sự lo ngại ngày càng tăng về việc căng thẳng địa chính trị cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 gây nên có liên quan đến Trung Quốc trong những năm gần đây. Từ lâu, Trung Quốc đã là công xưởng của thế giới về thiết bị điện tử công nghệ cao, đây cũng là thị trường có khả năng đảm bảo được nguồn lao động với tay nghề cao, năng lực sản xuất đủ để đáp ứng về nhu cầu sản xuất thiết bị.
Tuy nhiên, những rủi ro ngày càng tăng tại Trung Quốc đã dần bị các công ty Mỹ phát hiện ra, điều này chủ yếu có liên quan đến mối quan hệ Mỹ Trung đầy căng thẳng. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất điện tử tiêu dùng lớn nhất trên thế giới. Thế nhưng, một số nhà sản xuất đang có xu hướng đưa những hoạt động sản xuất ra khỏi lãnh thổ nước này.
Cụ thể, gã khổng lồ công nghệ Apple đang tiến hành sản xuất iPad tại Việt Nam, trong khi Microsoft cũng đã vận chuyển máy chơi game Xbox từ TP.HCM trong năm nay. Cùng cảnh ngộ, Amazon cũng tiến hành sản xuất thiết bị Fire TV tại Chennai, Ấn Độ. Điều đáng nói, tất cả những thiết bị này vài năm trước đây đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề này, Lior Susan - nhà sáng lập công ty Eclipse Venture Capital chuyên đầu tư vào phần cứng và các công ty khởi nghiệp sản xuất cho biết: "Đế chế sản xuất tại Trung Quốc đang bị lung lay. Nhiều nguồn vốn đang dần đổ vào những thị trường bên cạnh Trung Quốc để tìm ra những biện pháp thay thế".
Chuỗi cung ứng đứt gãy hiện đang lan rộng sang khắp châu Á và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia... Riêng với Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường nước này đang phải ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chạm đáy trong nhiều thập kỷ, những hoạt động sản xuất cũng ngày càng sụt giảm.
Theo Anna-Katrina Shedletsky - nhà sáng lập công ty Instrumental tại Bay Area chuyên giám sát dây chuyền lắp ráp cho hàng loạt công ty điện tử cho biết: "Hầu như các doanh nghiệp đều nghĩ đến việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, dù một số vẫn chưa hành động".
Năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên đã khiến cho nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa. Điều này đã trực tiếp tác động đến kế hoạch bán hàng của rất nhiều công ty và Apple cũng không ngoại lệ. Nhóm hoạt động của công ty đã lên kế hoạch xem xét những địa điểm sản xuất có thể thay thế, nhằm phòng ngừa việc ngừng hoạt động tại Trung Quốc có thể xảy ra trong tương lai, một số nguồn tin từ những cựu nhân viên cho biết.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nơi mà Táo Khuyết lên kế hoạch chuẩn bị cho việc sản xuất AirPods vào năm 2020 đã trở thành một lựa chọn tiềm năng và cũng được bàn luận nhiều nhất. Từ đó trở đi, Apple bắt đầu sản xuất Apple Watch tại Trung Quốc, đồng thời tiến hành chuyển một số công ty sản xuất iPad tới Việt Nam. Trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu trong danh sách mới được công bố mới đây của Apple, có khoảng 20 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam, 155 công ty đang có các nhà máy được vận hành tại Trung Quốc.
Lần đầu tiên, Apple có kế hoạch lắp ráp và đóng gói một phần nhỏ iPhone 14 tại Ấn Độ. Đây là một thiết bị sắp ra mắt của công ty. Trong khi đó, hầu hết quá trình sản xuất thiết bị này đều đang diễn ra tại Trung Quốc, trong tương ai Apple sẽ chuyển một số quá trình sản xuất iPhone tổng thể sang Ấn Độ. Đây chủ yếu là một cách nhằm đánh giá khả năng sản xuất tại quốc gia này trong tương lai. Điều đáng nói, ngay cả khi Táo Khuyết đẩy mạnh những kế hoạch dịch chuyển thì công ty vẫn cố gắng hết mức có thể để không gây ác cảm với Trung Quốc. Nguyên nhân bởi, hầu hết những sản phẩm của Apple vẫn đang được sản xuất tại quốc gia này.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi?
Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trước sự lo lắng cũng như cảnh giác của các công ty công nghệ tại Trung Quốc chính là Việt Nam. Gần đây, Foxconn - nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của Apple đã ký kết thỏa thuận trị giá 300 triệu USD với mục đích mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam. Dự kiến, nhà máy mới của Foxconn sẽ tạo ra khoảng 30.000 công ăn việc làm cho người lao động. Foxconn cùng với nhiều nhà sản xuất theo hợp đồng khác đang vận hành nhiều nhà máy lớn tại khu vực tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thu hút nhiều người lao động từ khắp nơi đổ về để tìm kiếm việc làm.
Theo như một bảng quảng cáo ở bên ngoài một nhà máy Foxconn tại Bắc Ninh, công ty này đang cần tuyển gấp 5.000 công nhân, mức lương dao động trong khoảng 300 USD/tháng. Điều đáng nói, con số này so với 650 USD mà Foxconn đang trả cho các nhân viên mới tại những dây chuyền lắp ráp tại Thâm Quyến, Trung Quốc còn chưa bằng một nửa.
Chính sự chênh lệch về mức lương đã mở ra thêm một lý do mới khiến nhiều công ty đang tìm kiếm phương án sản xuất mới. Trong một thập kỷ qua, theo Cục thống kê của Trung Quốc, công nhân sản xuất tại nước này đã có mức thu nhập hàng năm tăng lên gấp gần 3 lần, đạt hơn 9.300 USD.
Yếu tố thuế quan cũng khiến cho chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên. Năm 2019, Cựu Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã ra quyết định đánh thuế 15% đối với những sản phẩm công nghệ, bao gồm: Loa thông minh, đồng hồ thông minh cùng với tai nghe không dây.
Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan ngày gay gắt, Google đã và đang xem xét những lựa chọn khác có thể thay thế cho Trung Quốc. Trong năm nay, “ông lớn” này cũng đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ những cơ sở của Foxconn tại miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam. Tại đây, Google sẽ bắt đầu lắp ráp những mẫu Pixel 7 mới nhất của mình. Đồng thời, Google cũng kỳ vọng Việt Nam có thể cung cấp một nửa số điện thoại Pixel cao cấp vào năm tới.
Thế nhưng, việc Google chuyển hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc là rất khó. Trong năm 2023, Google đang khám phá một chiếc điện thoại mới có chế độ gập lại, điều này đồng nghĩa với việc sản xuất một thiết bị như thế sẽ cần phải sử dụng công nghệ bản lề và màn hình mới hơn. Do đó, thiết bị này có thể sẽ cần sản xuất gần các nhà cung cấp chính ở Trung Quốc.
Trong vòng 20 năm qua, ngành công nghệ đã tạo lập được một dây chuyền cung ứng vô cùng đầy đủ. Việc các nhà cung cấp tập trung lại đã giúp cho chi phí vận chuyển giảm đi đáng kể, việc sửa chữa các bộ phận bị lỗi cũng ngày càng dễ dàng hơn. Liên quan đến vấn đề này, Mehdi Hosseini - nhà phân tích tài chính ở Susquehanna International Group cho biết: “Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa toàn bộ chuỗi cung ứng ở bên ngoài Trung Quốc”.
Đối với những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, vị trí địa lý lại trở thành vấn đề vô cùng quan trọng. Kể từ năm 2019, giá bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tại Việt Nam đã tăng lên 105 USD/m2 nhờ sự quan tâm của Foxconn cùng với nhiều công ty khác, theo thông tin từ Cushman & Wakefield - một công ty bất động sản thương mại toàn cầu.