Anh em ruột tranh chấp đất đai nên giải quyết như thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Cần làm gì khi xảy ra tranh chấp đất đai với người thân trong gia đình?Nhìn lại vụ truy sát cả nhà em trai vì 50cm đất giáp ranh: Anh em tranh chấp đất đai nên giải quyết thế nào?Sát hại em gái vì tranh chấp đất đai: Hung thủ đối diện với mức án tử?Nếu có thể tiến hành hòa giải, vấn đề tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết êm đẹp, hạn chế được những vụ việc đau lòng có thể xảy ra. Thực tế, nhiều năm qua có rất nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra do anh em ruột tranh chấp đất đai. Mỗi khi nhìn lại, những vụ án này khiến mọi người bàng hoàng và day dứt. Bởi các vụ án mạng này không chỉ dừng lại ở những người bị thương vong mà còn việc những người thân yêu, ruột thịt bị sát hại, trong đó có cả bà bầu, em nhỏ.
Hàng loạt án mạng nghiêm trọng do mâu thuẫn đất đai giữa anh em ruột
Ngày 25/1/2022, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tiến hành tạm giữ hình sự Bnướch Cao (34 tuổi, ngụ xã Tà Lu, huyện Đông Giang) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân được xác định là anh Bnướch Plơi (43 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) - anh ruột của Cao.
Theo thông tin ban đầu, trước khi xảy ra vụ việc, Cao và anh trai có xảy ra mâu thuẫn về đất đai. Đến khoảng 19h ngày 22/1, Cao dùng rựa đuổi anh trai, sau đó chém nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Khi nhắc về những vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn đất đai, chắc chắn không thể bỏ qua vụ thảm án chấn động năm 2019 tại Đan Phượng, TP Hà Nội. Kẻ thủ ác, máu lạnh là Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng). Được biết, giữa Nguyễn Văn Đông và gia đình ông Nguyễn Văn Hải (SN 1969, em ruột của Đông có tranh chấp về 50cm đất giáp ranh từ trước.
Đến 20h ngày 29/8/2019, anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1993, con trai ông Hải) sang nhà ông Đông thông báo về việc gia đình mình sẽ xây nhà trên thửa đất sát nhà ông Đông. Ông Đông đuổi Hiệp về vì cho rằng vấn đề này phải là vợ chồng ông Hải sang xin phép. Sau đó, người này còn nghĩ mâu thuẫn giữa hai gia đình là do anh Hiệp và bà Doãn Thị Việt (SN 1970, vợ ông Hải) nên nảy sinh ý định giết người.
Khoảng 7h30 ngày 1/9/2019, Đông cầm con dao nhọn bọc vào chiếc áo dài tay, sang nhà ông Hải tìm anh Hiệp và bà Việt. Khi tới cổng, Đông thấy bà Việt đi xe máy từ trong sân ra liền lấy dao chém liên tiếp khiến nạn nhân gục tại chỗ. Sau đó, đối tượng dùng dao tiếp tục truy sát ông Hải, chị Nguyễn Thị Bắc (SN 1991, con gái ông Hải), chị Đỗ Thị Hồng Nhung (SN 1995, vợ Hiệp), cháu Nguyễn Đỗ Huyền M. (SN 2018, cháu gái ông Hải).
Hay hồi tháng 1/2016, tại TP.HCM xảy ra vụ việc tranh giành căn nhà bố mẹ để lại, Phùng Huệ Nhơn đã ra tay sát hại 2 em ruột là Phùng Vệ Minh, Phùng Vệ Nghĩa khiến anh Minh tử vong. Tháng 5/208, tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cũng xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng do tranh chấp đất. Nguyễn Văn Thơ và Nguyễn Văn Thái là 2 anh em ruột. Khi cha mẹ sang nhượng cho Thơ 2.500 m2 đất ruộng với giá 150 triệu đồng, Thái đòi bán cho người khác với giá cao hơn. Trong lúc ẩu đả, Thơ lấy dao đâm em ruột bị thương nặng, sau đó tử vong.
Tranh chấp đất đai giữa anh em ruột nên giải quyết thế nào?
Mỗi sự việc luôn có rất nhiều cách để giải quyết. Thay vì xô xát, mâu thuẫn, sử dụng bạo lực, anh em ruột có thể lựa chọn một trong số những biện pháp giải quyết hiền hòa hơn.
Tiến hành hòa giải
Theo các chuyên gia, tranh chấp đất đai giữa anh em ruột thì tốt nhất nên hòa giải. Bằng cách này, các bên có thể nhìn nhận lại sự việc, sau đó bàn bạc và thỏa thuận để đi tới quyết định cuối cùng. Việc hòa giải sẽ hạn chế tối đa những mâu thuẫn, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, gìn giữ được tình cảm anh em, tình cảm gia đình.
Luật Đất đai 2013 cũng khuyến khích những biện pháp hòa giải. Cụ thể, Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định rõ: “Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.
Hòa giải tranh chấp đất đai giữa anh em ruột sẽ giải quyết với trình tự như sau:
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai giữa anh em ruột. Trình tự hòa giải phải có sự phối hợp với ủy ban MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên của ban mặt trận cũng như các tổ chức khác.
Thời gian để hòa giải tranh chấp đất đai giữa anh em ruột trong nhà cần phải tiến hành không quá 45 ngày, tính từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp. Sau khi hòa giải phải có biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký xác nhận thành hoặc không thành của UBND cấp xã. Biên bản này sẽ được lưu ở UBND xã - những nơi có tranh chấp hoặc được các bên tranh chấp gửi đơn tới.
Dựa theo khoản 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, kết quả hòa giải tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết cụ thể như sau:
Đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất thành công, có thay đổi hiện trạng về ranh giới hay người sử dụng đất thì UBND cấp xã phải gửi biên bản hòa giải đến cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp hòa giải tranh chấp đất không thành công hoặc sau khi hòa giải thành công, có ít nhất 01 trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành. Đồng thời, hướng dẫn các bên tranh chấp đất đai gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai giữa anh em ruột
Căn cứ vào khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013, trong trường hợp tranh chấp đất đai được tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành, nó sẽ được giải quyết theo 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Tranh chấp đất đai có Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc một trong các loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất. Khi đó, Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp 2: Tranh chấp đất đai không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013. Trường hợp này sẽ có 2 hướng giải quyết. Một là nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai ở Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3. Hai là khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Gửi đơn thư đề nghị giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai giữa anh em ruột như thế nào?
Việc hòa giải là biện pháp êm đẹp nhất khi xảy ra tranh chấp đất giữa anh em ruột. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tranh chấp cũng có thể xử lý bằng cách hòa giải. Dựa vào khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP có quy định rằng: “Đối với tranh chấp người có quyền sử dụng đất chưa được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”.
Từ vấn đề tranh chấp đất đai giữa anh em ruột, phải xác định được bản chất của tranh chấp đất đai như thế nào, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.
Đối với trường hợp tranh chấp để xác định ai là người có quyền sử dụng đất, trường hợp này phải được thực hiện hòa giải ở cơ sở trước khi tiến hành khởi kiện.
Đối với những trường hợp khác có liên quan tới quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho hay tranh chấp thừa kế… Những trường hợp này không nhất thiết phải thực hiện hòa giải ở cơ sở, các bên có thể khởi kiện trực tiếp lên Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa anh em ruột là việc làm quan trọng để duy trì tình thân giữa những người trong gia đình, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, xô xát và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.