Ai chịu trách nhiệm việc bán, môi giới dự án nhà ở xã hội "bánh vẽ"?
BÀI LIÊN QUAN
Chủ đầu tư đỏ mắt tìm môi giớiSoi "của để dành” của một doanh nghiệp môi giới BĐS phía Nam, khi mang hơn 4.000 tỷ "đầu tư cho tương lai" vào các chủ đầu tư lớn uy tínĐể vượt qua khó khăn, môi giới bất động sản cần làm gì?Chưa có đơn vị nào bị xử lý?
Ngày 30/6, Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra, xử lý và cung cấp thông tin liên quan đến loạt bài điều tra về việc bán, môi giới trái phép dự án nhà ở xã hội mà báo đã đăng tải từ 15 đến 20 tháng 5 cho báo theo quy định.
Ngày 20/5, báo đăng bài "UBND Thành phố Hà Nội cần chỉ đạo xử lý nghiêm vấn đề báo phản ánh" trong đó nêu rõ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm của các đối tượng liên quan.
Trả lời báo , Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong các dự án nhà ở xã hội thuộc kế hoạch phát triển dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt không có Nhà đầu tư nào là Công ty Cổ phần Bất động sản G6 được chấp thuận triển khai dự án nhà ở xã hội tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng không có phương án xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý vi phạm của Tập đoàn G6 và Công ty Tiến Phát trước những chứng cứ có dấu hiệu vi phạm báo đã nêu.
Sở này kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát để xác định Công ty Cổ phần Bất động sản G6 có được chấp nhận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hay không.
Mặc dù có bằng chứng về việc có dấu hiệu sai phạm, quy định xử phạt cụ thể, nhưng sau hơn 1 tháng kể từ khi loạt bài điều tra về phản ánh những khuất tất trong mua bán nhà ở xã hội khởi đăng, tuy nhiên báo chưa nhận được thông báo xử lý vi phạm đối với G6 Land và Công ty Bất động sản Tiến Phát từ bất cứ cơ quan chức năng nào.
G6 Land và những dấu hiệu sai phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần Bất động sản G6 (G6 Land) tự vẽ ra một dự án nhà ở xã hội gọi là Green Tower nằm ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
G6 Land thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển G6 (G6 Group), có địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà Ecolife, 58 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Chính giám đốc G6 Land khẳng định, đất để triển khai dự án Green Tower chưa làm thủ tục chuyển nhượng xong, giấy phép xây dựng dự án chưa có. Thế nhưng, công ty này đã nhận tiền của hàng trăm người dân đặt cọc, mỗi người hàng trăm triệu đồng cho dự án bánh vẽ nói trên, thông qua hợp đồng giả cách.
Được biết, nếu được cấp phép, giá dự kiến công ty này trình xin phê duyệt với Sở Xây dựng Hà Nội là 18,2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, những người đặt cọc phải mua giá gần 21 triệu đồng/m2.
Điều này chính giám đốc G6 Land thừa nhận trong quá trình tư vấn khi phóng viên nhập vai là người mua nhà. Số tiền chênh này không được ghi vào hóa đơn.
"Tiền chênh đấy là ra ngoài thu tiền luôn, không có hóa đơn gì cả" một người đã đặt cọc cho G6 Land khẳng định.
Việc công ty này thu hàng trăm triệu đồng tiền chênh của hàng trăm người, nghĩa là số tiền hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng nhưng không ghi vào hóa đơn khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch trong việc đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Tiến Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn chậm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi trốn thuế.
Luật sư Tuấn cho biết, khi ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và nhận tiền thì công ty phải xuất hóa đơn ngay tại thời điểm nhận tiền của khách hàng. Hóa đơn điện tử được áp dụng toàn quốc từ 1/7/2022 để tránh việc trốn thuế. Hóa đơn điện tử có giờ, có ngày cụ thể nên không thể làm khống như hóa đơn giấy.
Luật sư nói thêm, theo điều 143, Luật quản lý thuế năm 2019, không kê khai đúng quy định của luật quản lý thuế là hành vi trốn thuế. Tùy vào mức độ vi phạm của công ty mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017. Mức trốn thuế gây thiệt hại cho nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên là đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Nhà ở 2014, việc bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai phải đáp ứng các điều kiện như: Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở, có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt và có Giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có Giấy phép xây dựng;
Đã hoàn thành việc xây dựng xong phần móng của nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp, thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng của khu vực nhà ở được bán, cho thuê mua theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt;
Đã giải chấp đối với trường hợp chủ đầu tư có thế chấp nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý;
Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, trừ nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này.
Liên quan đến dự án nhà ở xã hội có tên thương mại Green Tower của Tập đoàn G6, ngày 31/3, tìm hiểu về dự án, phóng viên đến UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để hỏi có tồn tại dự án nhà ở xã hội của G6 Group không, ông Trần Gia Dũng, cán bộ địa chính xây dựng - đô thị và môi trường, cho biết, hiện không có dự án nhà ở xã hội nào tại địa phương.
Ông Dũng khẳng định, địa phương chỉ có một dự án TM1 của FLC đang bị đình chỉ xây dựng, yêu cầu bắt san lấp, không có giấy phép xây dựng.
Ngày 3/4, phóng viên đến UBND quận Nam Từ Liêm Hà Nội, vào bộ phận một cửa, hỏi phòng Tài Nguyên Môi Trường thì được cán bộ tại đây trả lời không biết gì về dự án này.
Tiếp tục, phóng viên sang Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Nam Từ Liêm để hỏi, câu trả lời cũng là chưa nghe đến dự án này bao giờ.
Ngày 28/4, sau một tuần kể từ khi báo gửi câu hỏi về dự án này, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay Sở Xây dựng chưa tiếp nhận hồ sơ liên quan đến dự án nhà ở xã hội có tên thương mại Green Tower của G6.
Nói về vấn đề trên, đại diện Công ty Luật TNHH THD cho rằng, pháp luật không cho phép chủ đầu tư áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm a Khoản 2 điều 19 nghị định 99/2015/NĐ-CP hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn.
Do đó, theo nghị định 16/2022/NĐ-CP, số tiền phạt có thể lên tới 1 tỷ đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết.
Rao bán các căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh là tự phát?
Trước đó, trong vai người có nhu cầu mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) do Liên danh Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty Cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, phóng viên được cả nhân viên và giám đốc của Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát khẳng định chắc chắn có thể giúp phóng viên mua nhà tại dự án này, ngay cả khi dự án chưa được giao đất để triển khai.
Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô khẳng định, hiện dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, đang xin giao đất và các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành để các sản phẩm bất động sản tại Dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô khẳng định dự án hiện chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và không thu bất cứ khoản phí ngoài quy định của bất cứ khách hàng nào, các thông tin trên mạng và các trang web quảng bá bán hàng cho dự án đều là giả mạo và có dấu hiệu lừa đảo.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô không ký bất kỳ hợp đồng ủy quyền hay hợp đồng hợp tác phân phối các căn hộ của dự án trên với Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát hay bất cứ công ty nào.
Ông Đạt khẳng định, hoạt động tư vấn, rao bán các căn hộ tại Dự án Nhà ở xã hội Thượng Thanh là các hành động tự phát, không liên quan gì đến Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô.
Còn ông Nguyễn Tuấn, Phụ trách truyền thông của Công ty Cổ phần BIC Việt Nam cũng khẳng định chưa nhận hồ sơ của khách hàng liên quan đến dự án này, không có ký kết văn bản ủy quyền phân phối căn hộ với bất kỳ sàn giao dịch bất động sản nào. Nếu sàn nào khẳng định có liên kết với chủ đầu tư thì phải đưa ra được bằng chứng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát (Công ty Tiến Phát) có địa chỉ tại lô số NTT26, Tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ, số 82 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội; đại diện bởi ông Tôn Quang Phát, chức vụ Tổng giám đốc khẳng định đã thu tiền của hàng trăm người có nhu cầu mua nhà ở xã hội Thượng Thanh dưới dạng hợp đồng tư vấn.
"Các căn liền kề đã có tầm chục người vào tiền đặt cọc rồi, còn chung cư đã có trên một trăm rưỡi khách, chính xác là 156 khách đặt cọc dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh dưới dạng hợp đồng tư vấn", ông Phát khẳng định với phóng viên.
Công ty Tiến Phát thu tiền đặt cọc của người dân dưới dạng hợp đồng tư vấn. Số tiền cọc giao động từ 2 đến 2,5 triệu đồng/m2 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh nói trên.
Theo Luật sư Huỳnh Hà Phước Bửu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương, việc các sàn môi giới bất động sản tự ý nhận tiền tư vấn của người có nhu cầu mua nhà ở xã hội với mức phí hàng trăm triệu đồng rồi hứa giúp họ mua được nhà ở xã hội trong khi không chứng minh được có hợp đồng ủy quyền phân phối căn hộ với chủ đầu tư là hành vi gian dối, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tùy theo số tiền chiếm đoạt sẽ đối diện với các khung hình phạt cụ thể, tối đa có thể phạt tù đến 15 năm.
Còn Luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn cho rằng, việc các sàn cố tình thu các loại phí môi giới trái phép sẽ bị xử phạt từ 120 đến 160 triệu đồng với hành vi "thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định" quy định tại điểm đ khoản 2 điều 59 nghị định 16/2022/NĐ-CP.