15/3 mở của du lịch quốc tế, bất động sản công nghiệp hưởng nhiều lợi ích
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2022 đã có gần 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ về Việt Nam. Tuy con số này mới bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng đây là tín hiệu tích cực cho một năm phát triển của phân khúc này hậu Covid - 19. Tuy nhiên, số vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong hai tháng qua đã tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,68 tỷ USD và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang dẫn đầu khi nhận về tổng số vốn đầu tư FDI trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Kế tiếp là ngành kinh doanh bất động sản vẫn đang duy trì vị trí thứ 2 khi đạt gần 1,52 tỷ USD. Đặc biệt trong năm nay, các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi đang thu hút lượng lớn vốn FDI với nhiều dự án mới đã ký kết và sắp được triển khai trong những tháng tới.
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, Việt Nam không chỉ tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài mà các chủ đầu tư đều là những doanh nghiệp uy tín trên trên thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho việc thu hút và thúc đẩy nguồn vốn FDI, đồng thời đưa vị thế Việt Nam lên tầm cao mới trên thị trường quốc tế.
So với các quốc gia trong cùng khu vực, vị chuyên gia này khẳng định Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi. Thứ nhất, giá bất động sản trong nước vẫn đang thấp hơn so với các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan. Mặc dù, thị trường đất đai luôn rất sôi động, giá tăng liên tục, nhiều dự án mới bổ sung vào nguồn cung trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới chi phí bất động sản. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, lực lượng lao động là vấn đề chính cần quan tâm. Trong đó chất lượng tay nghề, môi trường làm việc, phúc lợi xã hội luôn được đặt lên hàng đầu.
Tại Việt Nam, cơ hội làm việc và phát triển luôn sẵn có, giá công nhân cũng ở mức trung bình trong khu vực. Đặc biệt là, khung pháp lý trong nước khá đơn giản, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành đầu tư, triển khai dự án.
Theo đó, việc các doanh nghiệp có danh tiến quốc tế lựa chọn đầu tư vào Việt Nam đã tác động mạnh mẽ lên sự tăng trưởng và thúc đẩy vốn đầu tư trực tiếp FDI. Đồng thời, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Cụ thể, mới đây Tập đoàn Lego (doanh nghiệp sản xuất đồ chơi hàng đầu trên thế giới chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu) đã lựa chọn Việt Nam để xây dựng và phát triển nhà xưởng tiếp theo. Đây là sự thành công lớn của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI trong đầu năm nay.
Cùng với nguồn vốn từ các tập đoàn uy tín, Việt Nam cũng thu hút các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần đầu tư nguồn vốn lớn. Có thể thấy, số lượng doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam ngày càng tăng. Ông Matthew Powell cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp vốn đã sở hữu nhiều tiềm năng hấp dẫn.
Cụ thể, phân khúc này vẫn đang có mức giá tương đối mềm, trong nước có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín và chính sách pháp lý đơn giản. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác như dân cư đông đúc, dân số lao động tăng, chi phí nhân công rẻ, hạ tầng giao thông phát triển, kết nối thuận lợi tới cảng và sân bay quốc tế nhằm phục vụ tối đa cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tiếp đó, chính quyền từ cấp trung ương tới địa phương trên toàn quốc đều hoạch định chính sách một cách phù hợp, đồng nhất đã góp thêm sức hấp dẫn cho Việt Nam. Kết quả là, nhiều công ty mới đã gia nhập thị trường để hưởng những ưu đãi thuế tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc,
Việt Nam đang trở thành điểm sáng của khu vực nhờ sự ổn định về chính trị, cơ hội đầu tư rộng mở, đáp ứng đa dạng nhu cầu từ doanh nghiệp. Một trong số ít những hạn chế đặt ra là thủ tục hành chính còn chậm, tuy nhiên đã có sự cải thiện. Nhìn chung, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố nổi bật, thu hút doanh nghiệp hơn so với các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.
Chuyên gia Savills nhận định, trong bối cảnh làm việc qua Internet do dịch bệnh, các hoạt động bị cản trở và hạn chế rất nhiều khiến các công ty khó đưa ra quyết định hợp lý. Hiện tại, khi du lịch quốc tế được mở cửa bắt đầu từ ngày 15/3/2022, sự kỳ vọng về nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ thật sự bùng nổ trong thời gian tới. Các dự án mới liên tục được ký kết, đặc biệt là các nhà máy sản xuất và hậu cần kho bãi sẽ trở lại trong những tháng sắp tới.
Do sở hữu nhiều lợi thế nổi bật, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã tiếp nhận nhiều dự án trung tâm dữ liệu và kho vận với nguồn vốn đầu tư “khủng”. Góp phần đưa vị thế Việt Nam nâng cao một bậc trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, quyết định chính thức mở cửa trở lại các hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 15/3 sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận, khảo sát, thực hiện dự án tại Việt Nam một cách dễ dàng hơn. Đây sẽ là bệ phóng đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2022.