Xuống tiền vào đất vùng ven trước khi cơn sốt bùng nổ, nhà đầu tư tay ngang “lãi đậm”
BÀI LIÊN QUAN
Sau 2 năm làn sóng “bỏ phố về quê” bùng nổ, căn nhà thứ hai vùng ven được rao bán “cắt lỗ” hàng loạtHết thời "bỏ phố về rừng": Nhà đầu cơ mới phải cắt lỗ "đau" còn nhà giàu mua để nghỉ dưỡngLàn sóng “bỏ phố về rừng” của người Hà Nội bây giờ ra sao?Theo Markettimes, kể từ năm 2018 đến nay, làn sóng “bỏ phố về rừng” bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2021. Theo đó, một mảnh đất rộng nằm giữa thiên nhiên, hay một căn nhà nhỏ xinh nằm chênh vênh giữa sườn núi,... bỗng trở thành “cuộc sống mơ ước, lý tưởng” của nhiều người. Theo làn sóng “bỏ phố về rừng”, nhiều nhà đầu tư tay ngang bất ngờ lãi lớn.
Anh Xuân Sơn (Lâm Đồng) chia sẻ, hồi đầu năm 2020, anh tìm cho một vị khách đến từ TP. Hồ Chí Minh một lô đất diện tích hơn 800m2 với giá 7 tỷ đồng. Thời điểm đó, khu vực này vẫn khá vắng bóng người, chỉ lác đác một số ít từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đến mua. Sau đó, chủ đất mới xây căn homestay nhỏ trên đất với chi phí ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Đến tháng 8/2023, lô đất này được bán ra với giá 30 tỷ đồng.
Theo anh Sơn, những người theo trào lưu “bỏ phố về rừng” từ thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mua đất phần lớn đều lời. Họ là những nhà đầu tư muốn săn tìm đất, chờ tăng giá hoặc những người dân thành thị muốn mua đất ở khu vực có vị trí đẹp để nghỉ dưỡng.
Thông thường, những lô đất có đầy đủ pháp lý, vị trí đẹp, không bị dính quy hoạch, nằm sát trục đường lớn đều “lãi đậm”. Giá đất tăng gấp 2, gấp 3 lần không phải chuyện hiếm gặp.
Đặc biệt là những người mua đất tại khu vực có tiềm năng du lịch trong giai đoạn 2016 - 2017, giá đất thậm chí tăng gấp 10 lần. “Một người bạn của tôi mua lô đất ở Đà Lạt năm 2017 với giá 2,5 tỷ đồng năm 2016. Nhưng thời đó, khu vực này vắng bóng người. Đến nay, lô đất này lên tới 25 tỷ đồng”, anh Sơn cho biết.
Tại khu vực vùng ven Hà Nội, làn sóng “bỏ phố về rừng” cũng từng bùng nổ mạnh mẽ. Trên thực tế, việc giá đất tăng theo cấp số nhân đã xảy ra. Đơn cử như ở khu vực Lương Sơn, Đà Bắc (Hoà Bình) hay Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội), giá đất từng ghi nhận mức tăng chóng mặt. Trong đó, giai đoạn tăng mạnh nhất là từ thời điểm 2020 - đầu năm 2022.
Năm 2018, chị Thùy Linh từng mua một lô đất ở Thạch Thất (Hà Nội), diện tích 3.400m2 với giá 2 triệu đồng/m2. Đến hiện tại, giá đất ở khu vực có vị trí tương tự (xét về các tiêu chí cảnh quan, vị trí tốt) đã lên tới 6-7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhà đầu tư này không có nhu cầu bán homestay mà chị đang vận hành cho khách thuê cũng như dành không gian để cả gia đình ở lại.
Anh Trần Thái (nhà đầu tư tại Hà Nội) phân tích, thời gian gần đây, nhiều người lại “bỏ phố về rừng”. Đó là những nhà đầu tư đang gánh nợ, lãi ngân hàng và buộc phải cắt lỗ, hoặc có thể là nhà đầu tư kinh doanh homestay thua lỗ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp nhà đầu tư mua đất giá rẻ, xây homestay, vận hành 1-2 năm sau đó rao bán kiếm khoản chênh lớn từ giá đất và giá từ dòng tiền đều đặn kinh doanh.
Nhà đầu tư này cho rằng, mặc dù đất vùng ven cắt lỗ, thanh khoản chậm nhưng hiện tượng cắt lỗ chỉ xảy ra với những lô đất mua ở giai đoạn sốt với giá quá cao. Còn nếu nhà đầu tư mua vào thời điểm chưa bùng sốt, họ chỉ cắt lãi. Anh Thái lấy ví dụ, nếu mua đất ở khu vực Lương Sơn, Đà Bắc (Hòa Bình) ở thời điểm giá chỉ 1-2 triệu đồng/m2, thậm chí giai đoạn 2018 - 2019, giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng/m2. Nhưng đến hiện tại, giá đã tăng khoảng 4 triệu đồng/m2. Theo đó, người mua thời điểm này bán với giá hơn 3 triệu đồng/m2 vẫn có lời lớn.
Các nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, với những người xác định “bỏ phố về rừng” tạm thời. Họ thích sở hữu căn nhà ở vùng ven để nghỉ dưỡng cùng người thân và bạn bè. Nhiều trường hợp không có nhu cầu bán, hoặc nếu rao bán cũng trong tâm thế: “Bán được giá như kỳ vọng thì tốt, không bán cũng không quan trọng”.
Giá bất động sản sẽ tăng trở lại?
Thị trường bất động sản hiện tại đã có nhiều “chất xúc tác” như giảm lãi suất, pháp lý được tháo gỡ, giá bán đã dễ chịu hơn,... Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất cho cả khoản vay mới và cũ. Thậm chí, một số nhà băng còn tung các gói ưu đãi cho vay với lãi suất chỉ quanh 7,5 - 9%/năm. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ ngành, địa phương,... đã liên tục có những biện pháp, vào cuộc tháo gỡ khó khăn nhằm vực dậy thị trường.
Theo đó, thị trường bất động sản thời gian qua đã có phần khởi sắc hơn. Nhiều khu vực bắt đầu rục rịch xuất hiện thanh khoản trở lại. Tuy nhiên, để thị trường bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ vẫn cần thời gian để “chất xúc tác” chính sách thẩm thấu. Từ đó, tâm lý của các đối tượng trên thị trường sẽ hoàn toàn “bình phục”.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing nhận định, các sản phẩm bất động sản hiện đang có giá rất tốt. Tuy nhiên, người mua có dám mạnh dạn để đón lấy các cơ hội này hay không?
Trong hoạt động đầu tư, quan trọng nhất là phải nhìn ra sớm cơ hội và dự đoán được tiềm năng của cơ hội đó. Đến khi thị trường có tín hiệu rõ ràng thì đó là tín hiệu cho số đông. Căn cứ vào dòng tiền, khả năng tài chính của mỗi nhà đầu tư để đưa ra quyết định.
ông Trung nhấn mạnh, không phải lúc nào cũng có cơ hội tuyệt vời như hiện tại. Nhiều chủ đầu tư đã cắt giảm lợi nhuận và xây dựng giải pháp tài chính thông qua các chính sách bán hàng cũng như tiến độ thanh toán, ưu đãi cho từng khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ đầu tư chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận xuống và đây chính là cơ hội cho người mua nhà và các nhà đầu tư có khả năng tài chính thực.