Vượt qua SCB, một ngân hàng có lãi suất tiền gửi lên tới 9,5%/năm
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất liên tục tăng khiến người đi vay “thấp thỏm không yên”Lãi suất huy động tăng mạnh với tần suất liên tục, có ngân hàng trả lãi lên tới 8,7%Giữa tháng 10, ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất?Mức lãi suất “khủng”
Theo vietnamfinance.vn, biểu lãi suất mới của ngân hàng số Cake by VPBank được áp dụng từ ngày 17/10. Theo đó, với mức tiền gửi tiền 300 triệu đồng trở lên, khách hàng của ngân hàng này sẽ được hưởng mức lãi suất 8,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; mức lãi suất 9,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; mức lãi suất 9,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Đặc biệt, đối với kỳ hạn 36 tháng, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất lên tới 9,5%/năm, đây là mức lãi suất cao nhất toàn hệ thống hiện nay.
Đối với mức tiền gửi thấp hơn, ngân hàng số Cake by VPBank đang áp dụng mức lãi suất huy động từ 8,5 – 8,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; mức lãi suất từ 9 – 9,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; mức lãi suất từ 9,1 – 9,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng; lãi suất từ 9,2 – 9,4%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Với mức lãi suất nêu trên, ngân hàng số Cake by VPBank hiện là đơn vị có mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất thị trường.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất lên tới gần 9%/năm. Từ ngày, 8/10, khách hàng gửi tiết kiệm theo hình thức gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng mức lãi suất 8,9%/năm tại kỳ hạn 36 tháng.
Ngày 12/10, nhằm tri ân khách hàng ủng hộ trong thời gian qua, ngân hàng SCB đã tung thêm chương trình tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy bằng VND theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 06 tháng đến 11 tháng. Thời gian áp dụng từ 12/10 - 31/10/2022. Ngân hàng này cũng áp dụng chính sách cộng thêm lãi suất 0,02% cho khách hàng trung và cao tuổi (từ 40 tuổi trở lên). SCB cũng chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,9%/năm kỳ hạn 24 tháng.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ 23/9, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiền gửi thêm 1 - 1,5%/năm. Hiện mức lãi suất trên 8,5%/năm không còn hiếm trên thị trường.
Tại ngân hàng ABBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm tại chương trình “Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc”. Theo đó, từ ngày 10/10 - 31/12/2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBank theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.
Đối với các khoản tiết kiệm từ 100 triệu đồng trở lên, tùy từng kỳ hạn, khách hàng của ABBank sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 - 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên.
Kienlongbank cũng vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 1 năm trở lên với hình thức gửi online.
SeABank áp dụng mức lãi suất lên tới 8,55%/năm cho khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi 18 tháng, thời gian áp dụng từ 3/10 - 14/10/2022.
Một số ngân hàng cũng nâng mức lãi suất tiền gửi lên 8%/năm như Viet Capital Bank, NamABank, VPBank,...
Cuộc đua lãi suất ngày càng nóng về cuối năm
Mặc dù các ngân hàng không ngừng nâng mặt bằng lãi suất huy động, song vẫn khó hút tiền nhàn rỗi trong dân, trong khi đó tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy động vốn. Huy động của hệ thống ngân hàng năm nay ở mức thấp kỷ lục, 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,04 % (các năm khác tăng 8 - 9%). Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). Tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, đã gây sức ép lên lãi suất huy động. Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng vọt từ mức chưa đến 1%/năm, lên 6 - 7%/năm ở các kỳ hạn.
Trong thực tế, sau khi lãi suất huy động tăng, ngay lập tức lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng đẩy tăng mạnh. Trong đó, mức điều chỉnh thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng 0,1 - 0,5%/năm, lãi suất cho vay cá nhân tăng dưới 1%/năm. Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng tới 0,5 - 1%/năm. Riêng lãi suất cho vay cá nhân tăng tới 2 - 4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe…
Các chuyên gia dự báo, mặt bằng lãi suất tiền gửi trong những tháng còn lại của năm 2022 sẽ có khả năng tiếp tục tăng.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 bởi 3 yếu tố. Một là nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Hai là thanh khoản thị trường 1 (giữa ngân hàng với người dân, doanh nghiệp) cũng chịu nhiều áp lực. Ba là nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm - Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.
Theo kết quả khảo sát của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục xu hướng tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2022.
Có 59-61% tổ chức tín dụng được khảo sát kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm phần trăm trong quý IV/2022, chỉ có 7-9% kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ. Dự báo cho cả năm 2022, có 66-69% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57 điểm phần trăm, chỉ có 8-10% số được khảo sát kỳ vọng lãi suất giảm.