Giữa tháng 10, ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất?
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất ngân hàng tăng cao: Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư BĐS chấp nhận "cắt lỗ" khi người mua "ép giá"Mối lo nợ xấu tăng khi lãi suất tăng liên tụcLãi suất tăng cao: Người "ôm" bất động sản như ôm bom nổ chậmTăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn
Theo vneconomy.vn, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm đã khiến đường đua lãi suất huy động thêm nóng.
Ngay sau khi quyết định có hiệu lực hàng loạt ngân hàng thương mại đã tăng biểu lãi suất tiết kiệm ngắn hạn mới với nhiều kỳ hạn niêm yết ở mức tối đa cho phép. Mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động trong khoảng 3,9 - 5%/năm. Trong tổng số 35 ngân hàng được khảo sát gồm ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, có 20 ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 5% đối với kênh tiền gửi online, trong đó có 14 ngân hàng đồng thời niêm yết mức lãi suất trên khi gửi tiền tại quầy.
Xu hướng tăng lãi suất huy động không chỉ ở kỳ hạn ngắn mà lãi suất huy động 12 tháng cũng tăng thêm 0,06 phần trăm, đạt mức 6,24%/năm. So với cùng kỳ, lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 0,45 điểm phần trăm và tăng 0,41 điểm phần trăm so với cuối năm 2021.
Có thể thấy, sau động thái Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất, mức lãi suất huy động hiện tại đã quay trở lại mặt bằng của cuối năm 2020.
Đặc biệt trong vòng chưa đầy nửa tháng đầu tháng 10, ngày càng có nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động trên 8%/năm với các sản phẩm tiền gửi của khách hàng cá nhân.
VPBank áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 6/10, tăng 0,3 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Đối với kỳ hạn gửi 6 tháng, khách hàng của VPBank có thể nhận mức lãi suất mới lên đến 6,1 - 6,9%/năm (mức lãi suất cũ 5,8 - 6,6%/năm) tùy hạn mức gửi. Nếu lựa chọn kênh gửi tiền online, mức lãi suất thậm chí còn cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm ở hầu hết kỳ hạn.
Sacombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ ngày 6/10. Theo đó, lãi suất có kỳ hạn truyền thống được điều chỉnh tăng 0,5 - 0,7 điểm phần trăm. Kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất ở mức từ 6% trở lên, tại các kỳ hạn 12-36 tháng, lãi suất từ 7% trở lên.
Techcombank đưa ra mức lãi suất mới từ ngày 7/10. Nhằm khuyến khích các khoản tiền gửi mở mới, mức lãi suất cho kỳ hạn 1 - 3 tháng kịch trần ở mức 5%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng lãi suất tối đa ở mức 7,2%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng mức lãi suất niêm yết tối đa ở mức 7,5%/năm.
SCB tăng 1 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm ở phần lớn các kỳ hạn kể từ ngày 8/10. Theo đó, đối với loại hình gửi tiết kiệm online, nhà băng này tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 6,85%/năm lên 7,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng từ 7%/năm lên 8%/năm và kỳ hạn 12 tháng từ 7,3%/năm lên 8,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất là ở kỳ hạn 36 tháng đạt 8,9%/năm (trước đó là 7,55%/năm). Đồng thời, các sản phẩm các như chứng chỉ tiền gửi và hình thức gửi tiết kiệm tại quầy cũng được SCB điều chỉnh tăng tương ứng lên khoảng 1 điểm phần trăm.
Bên cạnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm, các ngân hàng còn áp dụng một số chương trình song song như cộng thêm lãi suất hoặc tặng phần quà nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền.
Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: “Với một số ngân hàng thương mại đã công bố lãi suất huy động trong tháng 10, diễn biến tăng của lãi suất huy động sẽ còn mạnh hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9”.
Lãi suất trên 8%/năm khá phổ biến
Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 8%/năm cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi đã xuất hiện ở nhiều ngân hàng như SCB, ABBank, SeABank, Cake by VPBank, Bản Việt…
Đối với sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường tại quầy hoặc qua hình thức online, mức lãi suất trên 8%/năm không xuất hiện quá nhiều. Với sự thay đổi biểu lãi suất của nhiều ngân hàng, bảng xếp hạng lãi suất tiết kiệm trong tháng 10/2022 có sự thay đổi nhiều so với tháng trước.
SCB là ngân hàng dẫn đầu danh sách với mức lãi suất cao nhất lên tới 8,9%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất này cũng được SCB áp dụng cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Còn với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất 8,55%, đây là là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Vị trí á quân thuộc về ngân hàng ABBank với mức lãi suất cao nhất đạt 8,6%/năm. Để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải tham gia chương trình “Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc” của ABBank. Cụ thể, khi khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBANK theo kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất trên.
Đồng vị trí á quân là Kienlongbank với mức lãi suất cao nhất lên đến 8,6%/năm đối với hình thức gửi tiền trực tuyến. Đặc biệt, ngân hàng này không đưa ra biết kỳ điều kiện nào về số tiền gửi tối thiểu mà chỉ yêu cầu về thời hạn gửi trên 12 tháng thì khách hàng sẽ được nhận mức lãi suất này.
Tiếp theo trong bảng xếp hạng lãi suất là VPBank với mức lãi suất 7,8%/năm đối với khoản tiền gửi tại quầy, giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng cho kỳ hạn 36 tháng. HDBank áp dụng mức lãi suất 7,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với giá trị tiền gửi 300 tỷ đồng trở lên.
Một số ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi trên 7%/năm như DongABank (7,6%/năm); OCB (7,55%/năm); Techcombank (7,5%/năm); CBBank (7,5%/năm); MB (7,4%/năm); BacABank (7,4%/năm); VietBank (7,3%/năm); Saigonbank (7,3%/năm); SeaBank (7,3%/năm); OceanBank (7,2%/năm); NCB (7,15%/năm)… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.
Nhóm ngân hàng Big4 gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV đều tăng lãi suất ngân hàng thêm 0,8 điểm phần trăm so với tháng 9. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất của 4 ngân hàng này là 6,4%/năm.