Lãi suất huy động tăng mạnh với tần suất liên tục, có ngân hàng trả lãi lên tới 8,7%
BÀI LIÊN QUAN
SCB tiếp tục tăng lãi suất huy động cao nhất toàn thị trường lên gần 9,4% Giữa tháng 10, ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất?Lãi suất ngân hàng tăng cao: Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư BĐS chấp nhận "cắt lỗ" khi người mua "ép giá"Mặt bằng lãi suất tương đương mức trước dịch
Theo vnexpress.net, chỉ trong thời gian ngắn, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã có sự thay đổi lớn, đây là lần đầu tiên lãi suất huy động tăng mạnh trên diện rộng với tần suất liên tục sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng.
Trong đợt tăng lãi suất này, các ngân hàng trước đây trả lãi tiền gửi kỳ hạn 1 và 3 tháng thấp hơn mức trần đều đã nâng lên quanh mức 5%/năm. Chỉ có Techcombank và CBBank hiện mức lãi suất tiền gửi 1 tháng tại quầy dưới 4%. Đối với kênh gửi tiền online chỉ có CBBank là ngân hàng duy nhất có mức lãi suất dưới 4% cho kỳ hạn 1 tháng.
Đối với các kỳ hạn dài hơn, nhiều ngân hàng cũng mạnh tay tăng lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất trung bình cho tiết kiệm 6 tháng đã đạt 6,45%/năm đối với gửi tiền tại quầy, 6,85%/năm đối với gửi tiền online. Đối với kỳ hạn 9 tháng, khi gửi tiền tiết kiệm khách hàng có thể nhận mức lãi trung bình lần lượt là 6,54% một năm tại quầy và 6,93% một năm online.
Kỳ hạn 12 tháng, loạt ngân hàng gồm SCB, BacABank, NamABank… tăng mức lãi suất thêm 0,8%. Đáng chú ý, MSB và Kienlongbank là hai ngân hàng có biên độ tăng lãi suất mạnh nhất lên tới 1,2%. Do đó, lãi suất trung bình cho gửi tiền kỳ hạn 12 tháng toàn thị trường nâng lên 7,04% đối với gửi tại quầy và 7,39% đối với kênh gửi tiền online. Theo khảo sát, đối với kỳ hạn 12 tháng và có mức lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm hiện có 19 ngân hàng áp dụng với hình thức gửi tại quầy và 24 ngân hàng áp dụng với hình thức gửi tiền online. Có thể thấy, mặt bằng lãi suất ngân hàng đã tương đương với mức trước khi đại dịch xảy ra.
Loạt ngân hàng tăng lãi suất
Một “tay đua” đáng gờm trong cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng hiện nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Vào ngày 22/ 9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngay lập tức vào ngày 23/9/2022, SCB đã có một đợt điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn.
Tiếp tục đến ngày 8/10, nhà băng này nhanh chóng tăng lãi suất thêm 1% nhằm tăng huy động đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân. Cụ thể khi khách hàng gửi trực tuyến tại SCB, mức lãi suất cao nhất là 8,9% áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất dưới 6 tháng ở mức trần 5%, lãi suất 6 và 9 tháng lĩnh lãi cuối kỳ lần lượt là 7,95% và 8,25%. Còn với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8,55% - là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng vào thời điểm đó.
Đến ngày 12/10, SCB tiếp tục tung chương trình tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy bằng theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng đến 11 tháng. Thời gian triển khai chương trình từ 13/10 đến 31/10/2022. Hiện lãi suất tiền gửi áp dụng tại quầy kỳ hạn 11 tháng của SCB có lãi suất cao nhất là 8,4%/năm. Khi tính thêm coupon lãi suất, khách hàng gửi tiền tại SCB sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất là 8,9%/năm, đây là mức lãi suất cao nhất hệ thống thời điểm hiện tại.
Đối với lãi suất gửi tiết kiệm online tại SCB, lãi suất cao nhất lên tới 8,9%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng.
Bên cạnh SCB, trong thời điểm này nhiều ngân hàng cũng niêm yết mức lãi suất rất cao. Như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) mới triển khai chương trình “Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc” có mức lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm. Từ ngày 10/10 - 31/12/2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại ABBank theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm. Các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 - 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) vừa ra mắt chương trình Đầu tư sinh lời hiệu quả với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng với lãi suất 8,55%/năm, thời gian áp dụng là từ 3/10 – 14/10/2022.
Ngân hàng Viet Capital Bank cũng mới tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi 18 tháng lên mức 8,4%/năm.
Bac A Bank cũng nâng mức lãi suất lên 8,4%/năm cho các khoản tiền gửi từ 1 tỷ trở lên cho kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
NamABank tăng lãi suất huy động cao nhất lên 8,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tiền online, kỳ hạn từ 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Trước đó, ngân hàng VPBank công bố mức lãi suất cao nhất lên tới 8,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng.
Từ cuối tháng 9, ngân hàng MSB cũng đưa mức lãi suất huy động lên mức 8%/năm.
Không chỉ có sự góp mặt của các ngân hàng thương mại tư nhân, cuộc đua lãi suất đã có sự tham gia của nhóm ngân hàng quốc doanh Big4 gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV. Các nhà băng này đã nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,7 điểm %, lên mức 4,7-4,8%/năm và kỳ hạn tăng thêm 0,8 điểm %, đạt mức 6,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng
Các công ty chứng khoán nhận định, động thái tăng lãi suất điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho lãi suất tiết kiệm tăng lên nhanh chóng từ nay cho đến cuối năm.
Nhóm phân tích của VnDirect cho rằng kịch bản trên xuất phát từ nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng nhờ hạn mức tín dụng mới và chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng với huy động ngày càng cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì thông điệp sẽ tăng lãi suất vào 2 cuộc họp cuối năm, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất.
Trong thời gian qua, lãnh đạo các ngân hàng cho biết việc huy động vốn rất khó khăn. Trong nửa đầu năm 2022, số tiền người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn hẳn so với 2 năm dịch bệnh. Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn không theo kịp tăng trưởng tín dụng, phần lớn là do lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác.
VnDirect dự báo lãi suất huy động sẽ tăng 0,3 - 0,5% vào năm nay. Trong khi đó, nhóm phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS) lại dự báo biên độ 0,5% trong giai đoạn cuối năm, còn trong cả năm 2022 mức tăng có thể lên đến 1%. Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mặt bằng lãi suất có thể tăng 1,5 - 2% trong cả năm 2022.
Mặt khác, các chuyên gia phân tích tại VNDirect cho biết không chỉ lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9.
Đến năm 2023, dự báo lãi suất tiết kiệm có thể tiếp tục tăng thêm 0,4-0,5 điểm %, kéo lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các nhà băng lên mức 6,8-7%/năm (bình quân) vào cuối năm. Trong khi đó, đà tăng của lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng 0,6-1 điểm % vào năm 2023.