Vật liệu xây nhà từng khiến Càn Long phải "muối mặt" đi trộm: Giá trị đắt ngang Rolls Royce?
Câu chuyện vua Càn Long... trộm gỗ vẫn được lưu truyền trong dân gian. Điều đáng nói, loại gỗ này vô cùng quý hiếm, giá trị siêu đắt đỏ.
Càn Long có tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch. Ông sinh ngày 13 tháng 8 (tức ngày 25 tháng 9 dương lịch) năm Khang Hi thứ 50 (1711). Càn Long được sinh vào nửa đêm tại Như Ý thất, Đông thư viện của Ung Thân vương phủ, ấu danh Nguyên Thọ.
Ông là con trai thứ tư của Thanh Thế Tông Ung Chính Đế - khi đó còn là Ung Thân vương. Mẹ của ông là Hiếu Thánh Hiến Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị. Khi đó, bà vẫn còn là Cách cách của Ung Thân vương.
Vị vua xa hoa bậc nhất Thanh triều
Sau khi lên ngôi, Càn Long được biết đến là vị vua chịu chi, chịu chơi nhất triều Thanh. Xét về độ xa hoa của các vị vua triều Thanh, Càn Long đứng thứ hai không ai dám đứng thứ nhất. Ông thường xuyên tổ chức đại tiệc trong cung. Càn Long cũng thường xuyên ra ngoài Tử Cấm Thành, đến những nơi có ca kỹ để tìm thú vui.
Sự xa hoa của ông không chỉ thể hiện trong lối sống hàng ngày. Nó còn được thể hiện trong những chuyến ông tuần du Giang nam. Nếu như các vị vua khác tuần du là để thị sát dân tình, Càn Long chủ yếu đi tìm “hoa thơm cỏ lạ”.
Sử sách có ghi, trong một lần du tuần phía Nam, ông đã huy động cả nghìn chiếc du thuyền. Riêng ngựa huy động đến 6.000 con. Ngoài ra còn có 600 con lạc đà, gần 1000 người phu dịch. Từ Hàng Châu đến Bắc Kinh xây dựng 36 hành cung, cách một đoạn ngắn lại có một nhà nghỉ.
Mỗi điểm nhà vua đi qua đều cho dựng sân khấu để hát xướng. Chiếc thuyền nhà vua và hậu phi ngồi phải dùng sức kéo của vô số dân phu. Mọi đoạn đường vua đi qua phải trải thảm, dùng lụa che nắng.
Lưu truyền chuyện Càn Long "trộm gỗ" trinh nam
Dân gian vẫn đồn đại về chuyện vua Càn Long “trộm gỗ”. Chuyện xảy ra khi vua xây dựng Thanh Dụ Lăng - lăng tẩm của mình. Người phụ trách báo lại việc gỗ trinh nam không đủ. Điều này khiến hoàng đế nhà Thanh vô cùng lo lắng.
Xưa kia, gỗ trinh nam có giá trị vô cùng lớn, được nhiều người yêu thích. Chúng thường được dùng để xây nhà và các công trình khác. Những người thuộc tầng lớp quyền quý, giàu có mới đủ điều kiện dùng loại gỗ này.
Ngoài ra, gỗ trinh nam có chu kỳ sinh trưởng rất dài. Chúng còn là loài thực vật nở muộn. Trung bình, thời kỳ vàng phát triển của một thân cây đạt tiêu chuẩn phải cần tới trăm năm. Sau khi nhà Nguyên, nhà Minh và đầu nhà Thanh khai thác quá nhiều, số lượng gỗ trinh nam thời Càn Long đã sụt giảm đáng kể.
Việc thiếu gỗ trinh nam khiến vị vua xa hoa bậc nhất Thanh triều vô cùng bồn chồn. Tình cờ một lần chiêm bái lăng mộ hoàng đế nhà Minh, ông phát hiện ở đây có gỗ trinh nam. Chất lượng của loại gỗ này còn hơn hẳn những loại gỗ từng thấy trước đây.
Do đó, có lời đồn rằng, ông đã cho một người chịu trách nhiệm việc này. Lấy lý do tu sửa, người này sẽ nhân cơ hội “trộm gỗ” về giúp vua.
Giá trị đắt ngang Rolls Royce
Lời đồn Càn Long trộm gỗ trinh nam là có lý do cả. Đây là loại gỗ vô cùng quý hiếm của Trung Quốc. Chúng thường được dùng để xây Tử Cấm Thành, ngai vàng và nội thất cho vua chúa.
Gỗ trinh nam có thớ mịn, chắc chắn, lại kỵ mối mọt nên thường được dùng để xây dinh thự, đình chùa. Gỗ rất quý hiếm, chỉ được dùng làm nội thất cho vua. Loại gỗ này có giá trị kinh tế cao, nguy cơ tuyệt chủng nên được đưa vào sách cấm.
Gỗ trinh nam có mùi hương, độ bền vượt xa những loại gỗ khác. Xét trong những vật liệu xây dựng bằng gỗ, trinh nam được ví như Rolls Royce của thời hiện đại. Các chuyên gia nhận định, loại gỗ này siêu đắt đỏ. Một khối gỗ có giá khoảng 20 triệu NDT. Số tiền này tương đương gần 71 tỷ Việt Nam đồng).
Gỗ trinh nam được dùng làm vật liệu xây dựng cho hoàng thất từ thời nhà Nguyên. Sau này, chỉ nhà vua và hoàng tộc mới có khả năng sử dụng loại gỗ này. Vì thế, gỗ trinh nam còn được gọi với cái tên là “gỗ hoàng đế”.
Hiện nay ở Quý Châu, Trung Quốc vẫn còn một cây gỗ trinh nam. Cây hơn 1300 tuổi, cao hơn 46m. Đường kính của cây là gần 9m, phải nhiều người ôm mới hết vòng tròn của thân cây.
Chỉ là lời đồn?
Thực tế, việc Càn Long cho người “trộm gỗ” chỉ là đồn đại dân gian, chưa có bằng chứng cụ thể. Có quan điểm cho rằng, vị vua này không phải làm những việc như thế. Dù nhà Thanh gỗ trinh nam rất khan hiếm nhưng vua vẫn có thể sử dụng nếu muốn. Vì vậy, không có chuyện ông phá bỏ lăng tẩm nhà Minh để xây dựng lăng cho riêng mình.
Được biết, công trình Thanh Dụ Lăng của Càn Long tiêu tốn đến 2,03 triệu lạng bạc. Tính theo giá trị bạc thời nhà Thanh, số tiền để xây dựng xong lăng là khoảng 900 triệu đến 1,1 tỷ nhân dân tệ. Con số này tương đương khoảng 3.588 tỷ đồng. Con số khổng lồ này cho thấy, không có lý do gì vị vua này không thể sở hữu gỗ trinh nam.
Ngoài ra, loại gỗ này trở nên khan hiếm từ giữa, cuối triều Thanh. Tuy nhiên, hoàng đế Đạo Quang - cháu nội Càn Long sau này đã sử dụng rất nhiều gỗ trinh nam để xây dựng lăng mộ cho mình. Xét tổng thể, lăng của vua Đạo Quang không thể tốt bằng Thanh Dụ Lăng. Thế nhưng, vật liệu xây dựng được sử dụng lại thiết kế tinh xảo hơn. Người ta còn tìm thấy rất nhiều gỗ trinh nam trong lăng mộ vua Đạo Quang.
Vì vậy, dù khan hiếm thế nào chăng nữa, nhà vua vẫn hoàn toàn sở hữu gỗ trinh nam. Thế nên, Càn Long không cần thiết phải hạ mình đi trộm gỗ làm gì. Nhìn chung, chuyện về vị vua xa hoa nhất Thanh triều trộm gỗ vẫn được lưu truyền. Không ít giả thuyết được đưa ra nhưng không ai có bằng chứng 100%. Các nhà sử học vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu vấn đề này.