Vắng mặt những thương vụ tỷ USD, thị trường M&A 2022 trầm lắng nhưng chưa "ngủ đông"
BÀI LIÊN QUAN
Tích cực trong lĩnh vực M&A, lý do Masan thâu tóm Phúc Long là gì?Thương vụ M&A Cawells: Chiến lược mang bản sắc Việt Nam vươn tầm thế giới của NutifoodDoanh nghiệp dược phẩm đẩy mạnh doanh thu nhờ cuộc đua mở rộng thị phần của Pharmacity, Long Châu, An KhangThị trường M&A rơi vào trầm lắng
Theo VnEconomy, chia sẻ tại cuộc họp báo công bố "Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp lần thứ 14 (M&A Vietnam Forum) 2022” tổ chức ngày 3/11 vừa qua, TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, so với năm 2021, thị trường M&A giảm mạnh cả về số thương vụ và quy mô.
Đại diện KPMG cho hay, nền kinh tế năm 2021 dù gặp khủng hoảng nhưng thị trường M&A vẫn rất sôi động. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, nền kinh tế đã chuyển trạng thái từ "thừa tiền" sang "thiếu tiền" khiến cho hoạt động mua bán và sáp nhập rơi vào trầm lắng.
Thông thống kê của KPMG cho thấy, nếu ở năm 2021 thị trường M&A ghi nhận 700 thương vụ thì trong 10 tháng đầu năm 2022 chỉ có 350 thương vụ. Tổng giá trị M&A theo đó cũng giảm 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,7 tỷ USD.
Như vậy, với mức sụt giảm này cùng với việc một số thương vụ lớn chưa thể triển khai theo kế hoạch, KPMG dự báo tình hình trong 2 tháng còn lại của năm nay cũng sẽ không quá khả quan.
Ông Ái cho biết, thương vụ đạt giá trị cao nhất năm 2022 là khoảng 500 triệu USD, trong khi không ghi nhận thương vụ nào đạt 1 tỷ USD. Vị chuyên gia cho rằng thị trường M&A đang trầm lắng nhưng chưa rơi vào trạng thái "ngủ đông".
Theo TS. Nguyễn Công Ái, minh chứng rõ nét nhất là một số ngành, lĩnh vực vẫn thu hút nhiều khoản đầu tư như tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD) và công nghiệp (800 triệu USD).
Đáng chú ý, ngành năng lượng đang trở nên "hot" nhất năm 2022 nếu xét về mức tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Vị chuyên gia dự báo năng lượng sẽ là lĩnh vực M&A gây sốt trong thời gian tới. "Hiện nay, đơn vị chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến điện mặt trời, điện gió và thủy điện”, ông Ái tiết lộ.
Đối với nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ M&A, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, trong 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước chiếm lĩnh nhiều nhất trên thị trường, vượt qua các nhà đầu tư Singapore và các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông đánh giá về giá trị thực là thấp hơn so với năm trước, do đó việc dẫn đầu không phải mình hay, mình mạnh mà bởi các nhà đầu tư khác đều giảm đi.
Doanh nghiệp tái cấu trúc, cơ hội "chốt deal" gia tăng
Dự báo về bức tranh M&A trong thời gian tới, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, hiện nay hoạt động M&A đang có xu hướng dịch chuyển từ "cơ hội" sang "chiến lược", có nghĩa là hướng đến giá trị lâu dài hơn là cơ hội trong ngắn hạn.
Ông Hiếu nhận định rằng, tính chất M&A đang thay đổi, do đó chỉ dựa trên quy mô giảm để nói thị trường không tốt là chưa đầy đủ.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận những rủi ro và biến động của thị trường hiện đang khiến người mua cũng như người bán trên thị trường "ngập ngừng". Dù vậy, vị chuyên gia tin rằng thị trường trong khoảng 1-2 năm tới sẽ được kích hoạt trở lại khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định hơn.
Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Anh, đại diện Công ty Luật VLAF cho rằng, trong khoảng 2-3 năm gần đây, quá trình thẩm định pháp lý hoạt động M&A diễn ra lâu hơn bình thường. Cả hai bên bán và mua đều phải tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để tìm hiểu và đánh giá trước khi quyết định "chốt deal".
“Song cơ hội “xuống tiền” của nhà đầu tư là rất lớn khi lực cung đang tăng và sau giai đoạn đi xuống thì thị trường sẽ đi lên”, ông Ngọc Anh dự báo.
Thậm chí cả đối với lĩnh vực bất động sản, bà Vũ Thị Lan, Quản lý Bộ phận tư vấn và thẩm định giá, Công ty TNHH Cushman & Wakefeld (Việt Nam) cũng bày tỏ niềm tin về sự phục hồi trong thời gian tới.
Theo bà Lan, động thái siết thị trường của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua là nhằm từng bước thanh lọc thị trường. Mặc dù có khó khăn trước mắt nhưng bất động sản là lĩnh vực có tính chu kỳ, sau giai đoạn sốt nóng thì phải chững lại. Giai đoạn nào cũng có thách thức nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện những cơ hội.
Theo góc nhìn của TS Nguyễn Công Ái, thị trường mua bán và sáp nhập giai đoạn 2023 - 2024 vẫn sẽ tương đối trầm lắng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt mua lại các dự án hấp dẫn.
Theo dự báo của vị đại diện KPMG, thị trường trong thời gian tới có thể là thị trường của người mua chứ không phải thị trường của người bán. Đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn, bởi nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp khi lãi suất tăng nhanh và thanh khoản giảm dần buộc các doanh nghiệp phải tiến hành tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do gặp sức ép về tài chính.
Theo đó, ông Nguyễn Công Ái nêu ra 3 xu hướng có thể tác động đến thị trường. Thứ nhất là làn sóng chuyển đổi số bao gồm cả đổi mới sáng tạo sẽ tạo cơ hội cho ngành bán lẻ.
Thứ hai là sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, chiếm khoảng 16% toàn bộ dân số Việt Nam sẽ giúp thị trường tiêu dùng trở nên tiềm năng hơn. Ông Ái dự đoán, trong ngành dịch vụ tài chính, lĩnh vực ngân hàng bán lẻ sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Xu hướng thứ ba là "xanh hóa nền kinh tế", ông Ái cho rằng với cam kết của Việt Nam đến năm 2050 sẽ đưa khí thải carbon về "zero" đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến những công trình điện ở Việt Nam.