Tự do hoá tài chính ngân hàng là gì? Lợi ích và rủi ro của tự do hoá tài chính
1. Tự do hóa tài chính ngân hàng là gì?
Tự do hóa tài chính là một khái niệm rộng và đa dạng nên có thể được hiểu theo các ý nghĩa như sau: Thứ nhất, tự do hóa tài chính xoá bỏ mọi hạn chế, định hướng hoặc ràng buộc trong việc phân bổ nguồn lực tín dụng. Việc tạo ra những quá trình này đều phụ thuộc vào nền tảng cơ chế giá, nghĩa là mỗi tổ chức tài chính có quyền tự do định đoạt với lãi suất, tiền gửi và cho vay. Trong đó, bao gồm cả việc xoá bỏ mức trần lãi suất và những rang buộc trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được.
Một cách hiểu khác cũng được nhiều người vận dụng tự do hoá tài chính cũng giống như việc mở rộng cạnh tranh những hoạt động tài chính, và xoá bỏ mọi sự ràng buộc về pháp lý giữa các hoạt động tài chính khác nhau. Còn theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra: “Tự do hoá tài chính là quá trình giảm thiểu và cuối cùng là huỷ bỏ sự kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia, làm cho hệ thống này hoạt động tự do hơn và hiệu quả hơn theo quy luật thị trường”.
Từ đó có thể rút ra tự do hoá tài chính trong lĩnh vực ngân hàng chính là quá trình chuyển đổi từ các hoạt động cứng nhắc và chặt chẽ mang tính mệnh lệnh sang hệ thống tài chính ngân hàng áp dụng những chính sách mới mang đến sự linh hoạt nhưng vẫn phải phù hợp với kinh tế thị trường. Hiện nay, xu hướng chuyển đổi này đã tạo ra nền tảng tài chính chịu sự tác động chi phối của thị trường và hầu như không có hoặc có rất ít sự tham gia của các cơ quan chức năng cũng như Nhà nước.
Bản chất của việc tự do hoá tài chính ngân hàng thực chất là đưa các hoạt động tài chính đi vào quỹ đạo hoạt động theo cơ chế vốn có của thị trường và điều tiết lại vai trò quản lý của Chính phủ sang thị trường để tìm ra sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và các ngân hàng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
2. Lợi ích của tự do hóa tài chính ngân hàng
Đối với lĩnh vực ngân hàng việc thực hiện tự do hoá tài chính có vai trò rất quan trọng:
– Thứ nhất, tự do hóa tài chính ngân hàng giúp phân bổ nguồn lực từ các chính sách một cách hiệu quả đến những đối tượng cần thiết. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tốt, lãi suất ưu đãi, phân bổ đồng đều tới người vay, hỗ trợ họ trong những trường hợp cụ thể. Ngoài ra, dựa vào việc tự do hoá tài chính ngân hàng cũng sẽ cho phép ngân hàng phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn lực tài chính và đầu tư vào đúng các hạng mục cần thiết.
– Thứ hai, tự do hóa tài chính ngân hàng thúc đẩy việc tiết kiệm ngân sách, tăng trưởng nền kinh tế mạnh mẽ. Khi tự do hoá tài chính ngân hàng sẽ có nhiều nguồn kinh tế khác nhau, những cách phân bổ khác nhau tạo nên nguồn lực tổng hợp mạnh mẽ, hiệu quả đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Việc các ngân hàng hướng đến tự do hoá tài chính đã tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường để mang lại những sản phẩm chất lượng nhất cho người tiêu dùng, nhờ vậy gia tăng nguồn tiết kiệm quốc gia. Dự vào tính lưu động của dòng vốn mà ngân hàng có thể đạt được mức sinh lời cao, khuyến khích tiết kiệm và đầu tư cho tăng trưởng kinh tế.
– Thứ ba, tự do hóa tài chính ngân hàng đã mở ra những cuộc cải cách mới trong ngành cũng như đối với quốc gia. Tự do hoá tài chính ngân hàng cho phép các doanh nghiệp mở cửa hội nhập kinh tế, đồng thời, mỗi quốc gia phải có chính sách cải cách phù hợp thì mới hoàn thiện được bộ máy một cách đồng đều.
– Thứ tư, tự do hóa tài chính ngân hàng hạn chế tối đa những chi phí của kiểm soát vốn. Khi áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn thì ngân hàng đều phải chịu một khoản chi phí nhất định, còn nếu tự do hoá tài chính thì sẽ giảm thiểu được số tiền này.
3. Rủi ro của tự do hóa tài chính ngân hàng
Ngoài những ảnh hưởng tích cực và lợi ích của tự do hoá tài chính đem lại trong lĩnh vực ngân hàng, thì trên thực tế vẫn còn những rủi ro tiềm tàng khi thực hiện tự do hoá tài chính phải kể đến như sau:
– Thứ nhất, tự do hóa tài chính ngân hàng nếu không kiểm soát có thể dẫn đến khủng hoảng thị trường. Đây là điều rất có thể xảy ra nếu như thị trường tài chính nội địa chưa phát triển kịp thời so với thị trường quốc tế, thì sẽ phải chịu sự tấn công tà chính từ các công ty, quốc gia bên ngoài. Đồng thời, việc tự do hoá tài chính ngân hàng sẽ dẫn đến sự khủng hoảng dây chuyền từ các ngân hàng quốc tế tác động vào ngân hàng trong nước.
– Thứ hai, việc tự do hoá tài chính ngân hàng có thể làm mất quyền kiểm soát và điều tiết thị trường của Chính phủ. Việc tự do hoá có thể khiến cho thị trường tài chính sẽ bị thao túng từ các thế lực bên ngoài và các quỹ đầu tư quốc tế. Đực biệt nếu thị trường nội địa kém khả năng cạnh tranh, ngân hàng trong nước không đủ nguồn tiền thì khi các tổ chức nuớc ngoài xâm nhập và nắm quyền họ sẽ chi phối và điều chỉnh lại mọi chính sách mà chính phủ đã đưa ra trước đó. Trong trường hợp đó các ngân hàng trong nước cũng sẽ phải chịu rất nhiều tác động từ thị trường tài chính quốc tế và có thể dẫn đến kết cục là sự bất ổn chính trị trong nước.
Tự do hoá tài chính ngân hàng là hoạt động mà các ngân hàng đang hướng đến nhưng cần phải hết sức cẩn trọng trong quá trình này để tránh gây mất ổn định và khủng hoảng tài chính. Vì thế các ngân hàng xây dựng cơ chế tự do hoá tài chính vẫn phải dựa trên các quy định của Nhà nước.