Từ 1/7: ADN và giọng nói sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp
BÀI LIÊN QUAN
Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà ĐôngGen Z đầu tư từ sớm vì không thể làm công ăn lương mãi: Tài khoản tăng gấp đôi, biết cách để "tiền đẻ ra tiền"Bộ Công an: Định danh số nhà giúp minh bạch thị trường bất động sảnHôm nay (ngày 1/7), Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, có nghĩa từ thời điểm này, công dân đi làm căn cước sẽ được tích hợp sinh trắc học. Trước đó, các địa phương trên cả nước đã ngừng cấp căn cước công dân từ ngày 25/6 đến hết ngày 30/6.
Theo luật mới, khi công dân đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước sẽ được thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc này nhằm làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).
Lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, giúp người dân tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch trực tuyến.
Riêng thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc...
Ở đô thị lớn như TP. HCM, công tác chuẩn bị cũng đã được hoàn tất. Tại trụ sở Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP. HCM, trang thiết bị, máy móc đã đầy đủ. Công an các quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng được trang bị máy quét thu thập sinh trắc học mống mắt, các cán bộ phụ trách đều được tập huấn cách vận hành.
Đại diện Phòng PC06 cho hay, ngoài đảm bảo các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị, Công an TP. HCM đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, hoàn thiện các phần mềm, hệ thống. Đơn vị cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị, chính quyền địa phương.
Từ ngày 1/7/2024, Công an TP. HCM đồng loạt tổ chức tuyên truyền, triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành tại trụ sở tiếp dân Phòng PC06, công an cấp huyện; Bộ phận Một cửa công an cấp huyện.
Đặc biệt, Phòng PC06 tổ chức thu nhận căn cước thí điểm có tích hợp thêm sinh trắc học ADN với một số trường hợp công dân có nhu cầu tại Phòng PC06, Công an quận 1, Tân Bình và TP Thủ Đức.
Ngoài ra, Công an TP. HCM còn cấp giấy chứng nhận căn cước với một số trường hợp là người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch tại 3 địa điểm là Công an quận 1, quận 10 và quận Bình Tân.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an cũng đã thành lập các tổ công tác cấp căn cước lưu động phục vụ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước (sử dụng hộ chiếu Việt Nam) tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế từ ngày 1/7. Để bảo đảm quyền lợi của công dân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, công dân Việt Nam ở nước ngoài cần thực hiện cập nhật thông tin dữ liệu dân cư của mình trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để được cấp mã số định danh và cấp căn cước.